Đừng để bị hiểu là "túm tay" buộc hiến máu!

Máu là một phần của cơ thể, là biểu tượng quý giá của cuộc sống. Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học Trung ương, từng bày tỏ lo lắng với tôi về tình trạng thiếu máu triền miên.

Chính người thân của tôi cũng do không có máu truyền mà mất nên tôi rất hiểu và ủng hộ việc huy động nguồn máu từ xã hội. Nên chăng chúng ta thiết lập một cơ chế bảo hiểm bằng ngân hàng máu. Bất kỳ người nào cũng phải có trách nhiệm đối với ngân hàng máu này nhưng ta không nên làm theo cách bắt buộc người dân phải hiến máu mà phải thực hiện bằng giải pháp nhân văn.

Mời bạn đọc xem thêm Sao không số hóa thẻ hiến máu?Cần có ngân hàng máu đúng nghĩa

Dù trong dự thảo Luật hiến máu và tế bào gốc đã bỏ phương án bắt buộc hiến máu nhưng việc tờ trình dự án luật này đưa ra dự tính buộc mỗi người phải hiến máu mỗi năm một lần đã gây nhiều băn khoăn.

Theo Hiến pháp, khi tác động vào quyền lợi của người dân thì phải được quy định bằng luật. Bộ Y tế đang được Chính phủ giao xây dựng dự thảo luật chứ luật này chưa được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH. Ý tưởng của Chính phủ phải được cả xã hội đồng thuận.

QH không quyết định bằng cách ấn định ý tưởng đó vào luật, buộc người dân phải làm mà tất cả đạo luật đều phải dựa trên cơ sở đồng thuận của xã hội. Hiến máu là một chính sách nhân văn thì phải xử lý bằng giải pháp nhân văn. Nếu không dùng chữ “bắt buộc” hay “phải hiến máu mỗi năm một lần” mà diễn đạt cho thấy công dân có trách nhiệm hiến máu để góp vào ngân hàng máu, để thực hiện sự bảo hiểm tính mạng cho cả bản thân, người thân và toàn xã hội thì sẽ nhẹ nhàng hơn. Quan trọng nhất phải làm cho người dân hiểu việc cần huy động nguồn máu của cả xã hội.

Đông đảo người dân tại TP.HCM đã tham  gia hoạt động hiến máu  nhân đạo. Ảnh: H.Giang

Về nội dung bắt buộc hiến máu, đại diện Bộ Y tế đã giải thích “đây là phương án giả định”. Tôi thấy Bộ Y tế không nên trốn tránh ý tưởng này mà cần tung vấn đề này ra để tác động vào tâm lý xã hội, để cho người ta có sự chuẩn bị, tuy nhiên phải chú ý cách diễn đạt.

Một đạo luật quan trọng như thế này cần sự chuẩn bị tâm lý, cần tuyên truyền để người dân hiểu, đồng thuận. Tôi không ngại câu chuyện đa chiều, việc có quan điểm này đồng ý, quan điểm kia không ủng hộ là chuyện bình thường. Nhưng bước quan trọng là phải lấy ý kiến của nhân dân, bởi đối tượng tác động của dự luật chính là người dân. Vì vậy việc sử dụng ngôn ngữ, cách diễn đạt rất quan trọng, đừng dùng những câu từ để cho người ta cảm thấy khó chịu. Thực ra có người rất bực vì cụm từ “nghĩa vụ bắt buộc” nhưng vẫn sẵn sàng hiến máu. Vấn đề không phải ở chỗ người dân không muốn hiến máu mà phải tạo cơ chế, ghi nhận, tôn vinh… đối với người dân hiến máu.

Đừng làm người dân sốc, đừng dùng ngôn ngữ tạo cảm giác như bị ép buộc. Người dân mình cực kỳ nhạy cảm, biết bao gia đình, dòng họ bao đời nay hy sinh xương máu họ có kêu ca gì đâu. Nhưng nếu không được trân trọng, cảm thấy bị ép buộc thì lúc đó người ta có thể nói rằng một giọt máu này là một giọt đời của họ, còn quý hơn cả vàng...

Đại biểu LƯU BÌNH NHƯỠNG, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Đừng ép buộc một hành động nhân đạo

Đã có rất nhiều bạn đọc phản hồi khi biết thông tin dự thảo tờ trình dự án Luật hiến máu và tế bào gốc có phương án hiến máu bắt buộc.

Nguyên tắc của việc đưa ra các phương án của dự thảo luật là các phương án phải khả thi, nhất là không vi hiến. Việc bắt buộc cho máu là vi hiến (quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được bảo vệ sức khỏe). Giả sử Bộ đưa ra một phương án khác là “nhập khẩu máu” có khi sẽ hợp lý hơn, vì thực tế theo tôi biết, đã có quốc gia nhập khẩu máu, tất nhiên nhược điểm phương án nhập khẩu máu là giá rất cao. DO THIEN

Các bác ấy nói kiểu gì không biết nữa. Trên thế giới chẳng có nơi nào bắt con người ta phải cho đi phần cơ thể mình cả. Khi có phản đối các bác lại bảo chỉ một phương án là tự nguyện, tự nguyện thì từ trước vẫn làm, cần gì phải bàn nữa?KHÔI NGUYÊN

Đã tự nguyện sao lại còn bắt buộc? Sao không có cách nào đó khuyến khích để người dân thấy được mặt tích cực và ý nghĩa của việc hiến máu? VIỄN PHƯƠNG

Ngày 9-1, tình cờ thấy cư dân mạng chia sẻ thông tin “Bắt buộc hiến máu 1 lần/năm”, tôi cứ tưởng là tin bịa đặt. Nhưng đọc qua các trang báo và xem trang web của Bộ Y tế thì tôi hiểu đây là đề xuất của Bộ Y tế.

Bản thân tôi từng đi hiến máu, tâm niệm của tôi là mong muốn làm một điều gì đó có ý nghĩa cho xã hội, trong khả năng của bản thân, chia sẻ giọt máu của mình để cứu ai đó trong cơn nguy kịch. Thế thôi. Và tôi tin bao nhiêu người tình nguyện hiến máu khác cũng có suy nghĩ như tôi. Hiến máu tự nguyện thật sự là một nghĩa cử cao đẹp, làm sao mà một việc thiện nguyện lại có thể trở thành sự bắt buộc?

Mong rằng các bộ, ngành khi dự thảo quy định cần đo lường trước tính thiết thực của nó, tránh gây ồn ào không đáng có như mấy ngày vừa qua. HUỲNH THỊ ÁI NHÂN (Đường Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh, TP.HCM)

TS tổng hợp

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm