Đừng để doanh nghiệp chán bóng đá

Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ chia sẻ bóng đá Việt Nam rất cần các doanh nghiệp và trong quy chế bóng đá cũng quy định các CLB phải là doanh nghiệp. Chính vì sự đặc biệt quan trọng của các doanh nghiệp trong cuộc chơi bóng đá, VFF cần phải lắng nghe và sửa đổi nhiều hơn nữa để phù hợp với quy luật phát triển bóng đá chuyên nghiệp. Không phải vô cớ mà chủ tịch VFF từng chỉ ra “tốc độ phát triển của VFF không theo kịp sự tiến bộ của bóng đá lẫn sự phát triển xã hội”. Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng trong cuộc họp tổng kết đã thẳng thắn chỉ rõ một số cán bộ chủ chốt VFF chưa thể hiện đầy đủ chức năng của cơ quan quản lý và điều hành một nền bóng đá. Ông Dũng hiện là chủ tịch HĐQT của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) - đơn vị tài trợ chính cho V-League mỗi mùa 30 tỉ đồng. Với cương vị của mình, ông từng bày tỏ ý định của nhà tài trợ Eximbank rằng sẽ rút lui không tài trợ cho giải đấu này nữa nếu không thay đổi tích cực.

Thực tế nhiều năm qua, vai trò của các doanh nghiệp chưa được VFF nhìn nhận đúng mức khiến rất nhiều ông bầu làm bóng đá chán nản. Bầu Tuấn, bầu Long của HP Hà Nội vừa nghỉ chơi bóng đá khiến ông chủ tịch VFF phải giật mình không thể xem đấy là chuyện bình thường nữa.

Xa hơn nữa có bầu Đức mấy năm trước từng đòi bỏ bóng đá bởi mâu thuẫn trong cách làm thiếu nhất quán của VFF. Ngay cả bầu Thắng cũng xin rút lui khỏi ủy viên Ban Chấp hành VFF vì bận rộn là một chuyện, mặt khác ông không cam chịu giống như một “nghị gật”.

Đừng để doanh nghiệp chán bóng đá ảnh 1

Chiều nay, tại báo Pháp Luật TP.HCM, các doanh nghiệp sẽ ngồi lại bàn tròn để góp ý về hướng đi và thay đổi cần thiết cho bóng đá Việt Nam. Ảnh: XUÂN HUY

Đây chính là hai ông bầu tiên phong làm một cuộc cách mạng cho bóng đá Việt Nam từ ngày có V-League và VFF phải cảm ơn họ vì điều đó.

Từ đầu cuộc chơi, bầu Thắng đã tẩy chay những toan tính làm bóng đá chụp giật hoặc chạy theo mục đích khác. Rất nhiều lần ông chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM về tiêu chí làm bóng đá sạch dẫu có rớt hạng. Ông muốn bóng đá Việt Nam phát triển một cách tử tế chứ không đua tiền phá giá làm loạn thị trường.

Có chung quan điểm với bầu Thắng, bầu Đức mấy năm qua không chi quá nhiều tiền mua cầu thủ khi giá trị sử dụng không thực chất. Bầu Đức khẳng định nếu chơi trò đua tiền mua cầu thủ, ông sẽ không thua kém bất cứ đại gia nào. Thế nhưng ông không bao giờ chấp nhận kiểu vãi tiền vô tội vạ với những chiêu, trò làm giá và phá giá của giới cầu thủ, “cò” cầu thủ. Cho nên ông tự đi tìm niềm vui cho mình với nhiều cách làm đột phá mà không phải ai cũng nghĩ ra. Bầu Đức là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam đặt bảng quảng cáo trên sân Emirates bên Anh và thừa sức mua cổ phần nuôi cả đội Arsenal. Ông thích thú với cái lò đào tạo cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai theo công nghệ Arsenal mà bầu Đức bảo đảm vài ba năm nữa, lứa cầu thủ đầu tiên thừa sức khoác áo đội tuyển quốc gia. Bầu Đức chưa bỏ cuộc chơi V-League nhưng sức đầu tư cho đội bóng đã hạn chế hơn bởi ông thừa nhận nhiều lúc mất niềm tin vào VFF và đội ngũ trọng tài. Tương tự, bầu Thắng vẫn cam kết chơi một thứ bóng đá sạch và gắn bó với bóng đá đến khi nào sạch sẽ mới tính tiếp.

Trong buổi tổng kết giải, bầu Kiên cũng nói lên một ý, rằng ông có thể mua cùng lúc năm hoặc 10 đội bóng chơi ở V-League nhưng ông không làm thế. Đấy cũng là một thực tế cần chấn chỉnh khi ba năm qua, một ông chủ ôm hai đội bóng chơi cùng hạng mà Thanh tra VFF vào cuộc tìm hiểu vẫn bất lực hoặc cố tình để con voi chui lọt lỗ kim.

Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ tâm sự ông rất muốn lắng nghe chia sẻ của các doanh nghiệp để bóng đá Việt Nam tốt hơn.

Vấn đề còn lại là VFF sẽ thay đổi ra sao? Đừng để các doanh nghiệp có tâm huyết đầu tư vào bóng đá phải gánh chịu thiệt thòi và chán nản xin dừng cuộc chơi rồi tự mình tổ chức ra một giải đấu trong sạch hoàn toàn.

14 giờ ngày15-9, báoPháp luật TP.HCM tổ chức hội thảo

Doanh nghiệp làm bóng đá và hướng đi cho bóng đá Việt Nam

Qua Hội nghị tổng kết mùa bóng 2011, doanh nghiệp Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) của Hà Nội ACB đã lên tiếng chỉ trích công tác điều hành bóng đá chuyên nghiệp gây mất niềm tin cho người hâm mộ và đặc biệt là các doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư cho bóng đá. Từ những bức xúc đang được xã hội quan tâm, Pháp Luật TP.HCM tổ chức hội thảo “Doanh nghiệp làm bóng đá và hướng đi cho bóng đá Việt Nam” qua nhiều góc nhìn để góp ý xây dựng cho bóng đá Việt Nam.

Cuộc hội thảo có sự góp mặt của ông Lê Hùng Dũng (Phó Chủ tịch VFF, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank), Đoàn Nguyên Đức (HA Gia Lai), Võ Quốc Thắng (ĐT Long An), Nguyễn Đức Kiên (Hà Nội ACB), Lê Tiến Anh (Khatoco Khánh Hòa)…

Cuộc hội thảo sẽ được tường thuật trực tiếp trên Pháp Luật online.

CÔNG TUẤN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm