Đừng để gói vay ưu đãi lãi suất 2% mãi nằm trên giấy

(PLO)- Các cơ quan chức năng liên quan cần mở rộng đối tượng cho vay, nới lỏng các điều kiện tiếp cận vốn phù hợp hơn, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, điều kiện cho vay.

Nếu không tháo gỡ hàng loạt nút thắt như quy định hiện tại thì gói vay ưu đãi lãi suất 2% sẽ chưa thể đi vào thực tiễn cuộc sống được. Trong khi đó, các doanh nghiệp tiếp tục khát vốn với chi phí thấp.

Doanh nghiệp (DN) của tôi đã có hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực dệt may, một trong những lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Giữa năm 2022, khi nghe tin các ngân hàng bắt đầu triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ gói 40.000 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước, không chỉ riêng tôi mà bất cứ DNnào cũng vui mừng. Chúng tôi kỳ vọng sẽ được tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Thêm vào đó, lãi suất cho vay trên thị trường theo xu hướng tăng dần và hiện nay đã lên mức rất cao, 13%-15%/năm. Mức lãi suất cao như vậy, DN có làm ra bao nhiêu thì cũng chỉ đủ trả lãi suất ngân hàng, nói gì đến lợi nhuận.

Trong bối cảnh như vậy, các DN coi gói vay ưu đãi lãi suất 2% như “phao cứu sinh”. Thế nhưng đến nay đã gần một năm trôi qua, chúng tôi không thể tiếp cận được gói vay ưu đãi này do rất khó đáp ứng các điều kiện vay. Đơn cử như muốn vay gói lãi suất này, DN phải có tài sản bảo đảm, phải có phương án kinh doanh khả thi, phải có doanh thu dương trong banăm liền kề...

Thực tế để gượng dậy sau đại dịch COVID-19, DN nào còn cầm cự nổi đã là “anh hùng” rồi chứ nói gì đến lợi nhuận dương ba năm liền. Rồi nữa, sau hai năm đại dịch bao nhiêu tài sản nếu có cũng đã đem thế chấp ngân hàng hết thì làm gì còn tài sản thế chấp nữa để vay gói ưu đãi lãi suất 2%/năm. Không chỉ vậy, quy trình, thủ tục để vay gói này cũng vô cùng nhiêu khê từ khâu đăng ký, phê duyệt, giải ngân, quyết toán đến thanh tra, kiểm tra…

Cho nên gói vay ưu đãi lãi suất 2% nói trên vẫn còn xa vời lắm, nó như kiểu “cô gái đẹp cho thiên hạ đứng xa ngắm” vậy thôi.

Vì vậy, tôi cho rằng để chính sách này thực sự đi vào cuộc sống, thực sự trở thành “phao cứu sinh” cho nhà sản xuất, kinh doanh thì các cơ quan chức năng liên quan cần mở rộng đối tượng cho vay, nới lỏng các điều kiện tiếp cận vốn phù hợp hơn, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, điều kiện cho vay.

Bên cạnh đó, tôi cũng tán đồng với ý kiến đề xuất rằng nên điều chuyển một phần nguồn hỗ trợ lãi suất 2% chưa giải ngân được sang hỗ trợ miễn, giảm thuế, phí, lệ phí… cho các DN. Cách làm này có lẽ sẽ giúp DN thiết thực hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới