Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa tiếp nhận ý kiến đề xuất từ nghiên cứu khoa học của Quỹ Phòng, chống thương vong châu Á về tình trạng sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) cầm tay gây tai nạn giao thông (TNGT). Sắp tới, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ và báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật Giao thông đường bộ để bổ sung những quy định mới, phù hợp với tình hình hiện tại.
Người lái ô tô sử dụng ĐTDĐ rất nhiều
Theo nghiên cứu, những người sử dụng ĐTDĐ khi đang điều khiển phương tiện có đến 61% vẫn giữ nguyên tốc độ, làn xe chứ không giảm tốc, tấp vào lề. Tỉ lệ sử dụng ĐTDĐ khi đang điều khiển phương tiện hằng ngày cao nhất rơi vào nhóm tài xế xe tải (50%), người lái ô tô con (39%) và nhóm lái xe khách/xe buýt (37%).
Việc sử dụng ĐTDĐ có thể làm xác suất xảy ra TNGT tăng cao gấp ba lần đối với ô tô và 20,3 lần đối với xe máy. Tổ chức Y tế Thế giới cũng từng cảnh báo nguy cơ tai nạn sẽ tăng 2-3 lần nếu dùng ĐTDĐ khi lái xe. Thế nhưng hiện nay luật giao thông 2008 chỉ cấm sử dụng ĐTDĐ khi đang lái xe đối với người đi xe máy, còn ô tô lại chưa được đề cập.
Là người trong cuộc, nhiều tài xế cho biết họ cũng rất sợ khi gặp những bạn đồng hành vừa lái xe vừa vô tư “tám” điện thoại. Anh Trần Minh Tâm, một tài xế taxi công nghệ, chia sẻ: “Dù công việc đòi hỏi hay phải dùng điện thoại nhưng tôi không phủ nhận sự nguy hiểm khi lái ô tô mà dùng điện thoại quá lâu. Dù cầm lên nghe hay phát loa, đeo tai nghe… ít nhiều tài xế đều bị phân tâm khi nói chuyện qua điện thoại”.
Anh Văn Đạt, một người thường xuyên sử dụng ô tô, cho biết: “Ở Việt Nam có lẽ chưa có thống kê nhưng xem tin tức, các đoạn clip ở nước ngoài về những tai nạn bất ngờ xảy ra khi người lái xe dùng điện thoại tôi thực sự rất sợ. Đặc biệt tình trạng nghiện điện thoại đang tăng cao, ô tô ngày càng nhiều và người ta cứ đang lái xe mà cũng nhắn tin, chụp ảnh, livestream thì nguy cơ tai nạn rất rõ. Đã đến lúc phải siết chặt việc này”.
Vừa lái xe vừa sử dụng ĐTDĐ tiềm ẩn nguy cơ cao cho bản thân và những người cùng lưu thông trên đường. Ảnh: HOÀNG GIANG
Đưa vào luật để quản lý chặt
Trước tình hình trên, nhóm nghiên cứu đã đề xuất cấm hoàn toàn hành vi sử dụng ĐTDĐ cầm tay khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Liên quan về vấn đề này, một cán bộ thanh tra giao thông tại TP.HCM cho biết nếu xét về mức độ thương vong thì các vụ tai nạn xảy ra từ ô tô hầu hết cao hơn xe máy. Điều này cho thấy các tài xế ô tô càng phải thận trọng hơn khi lưu thông trên đường. “Theo tôi nên đưa quy định cấm sử dụng ĐTDĐ khi điều khiển ô tô vào luật. Thực tế tỉ lệ xảy ra tai nạn khi tài xế ô tô dùng ĐTDĐ khá cao và nhóm tài xế này sử dụng ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, phải tăng mức xử phạt để mang tính răn đe hơn, giảm tối đa số lượng người vi phạm” - vị này nêu quan điểm.
Đồng tình, một cán bộ CSGT tại TP.HCM nhận định: “Với tất cả phương tiện khi đang lưu thông thì người lái không nên làm bất cứ việc gì khác vì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tay lái. Chỉ cần sơ sẩy một giây là hậu quả rất khó lường. Việc đưa quy định cấm dùng ĐTDĐ khi lái ô tô vào luật là rất cần thiết, vừa để người dân nâng cao ý thức, vừa giúp cơ quan quản lý chặt chẽ hơn”.
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết sẽ chuyển kết quả nghiên cứu trên tới các cơ quan có liên quan, điều này rất cần thiết để tiếp tục nghiên cứu nhằm hoàn thiện cả về quy định lẫn các biện pháp xử phạt, cưỡng chế thực thi khi sửa đổi Luật Giao thông đường bộ sắp tới.
Tháng 7-2015, Carlee Bollig (17 tuổi, Minnesota, Mỹ) vừa lái xe vừa nhắn tin nên đã vượt đèn đỏ, tông tử vong ông Charles Maurer và con gái ông, bé Cassy, chỉ mới 10 tuổi. Ngày 9-12-2016, Brooke Miranda Hughes (18 tuổi) và người bạn của cô đã tử vong vì va chạm với xe tải trên đường cao tốc ở Pennsylvania, Mỹ. Cảnh sát cho biết khi xảy ra tai nạn cô đang vừa lái xe vừa dùng ĐTDĐ livestream trên Facebook và có thể vì vậy mà thiếu tập trung. Ngày 1-7-2017, Dasha Medvedeva (24 tuổi) và Sofia Magerko (16 tuổi) cũng tử vong vì mải livestream khi lái xe rồi tông vào cột điện trên đường ở TP Izyum, Kharliv, Ukraine. |