Dùng đũa mốc coi chừng mang bệnh

Đũa gỗ, tre luôn tiện dụng trong mỗi bữa ăn trong gia đình, gắp thức ăn không trơn tuột, tuy nhiên trong điều kiện môi trường ẩm ướt, tích tụ nước, đũa rất dễ bị mốc và là điều kiện thuận lợi cho các loại nấm mốc phát triển, gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Nhiều loại nấm mốc có trong đũa bị mốc. Ảnh: NGUYÊN HÀ

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Nguyên Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: “Đũa nếu làm bằng tre non thì rất dễ hỏng và thường người ta sử dụng cho loại đũa một lần, đối với đũa ăn hằng ngày của chúng ta làm bằng tre già, gỗ bền, nhựa...thường để được lâu, nhưng thức ăn sẽ bám vào đó, khó rửa sạch. Người ta thường rửa đũa một cách qua loa, vuốt từ thân lên đầu đũa mà không biết rằng chính ra ở đầu ngọn đũa mới là nơi thức ăn dư thừa lưu lại nhiều và dễ bị bỏ qua khi vệ sinh đũa, để lâu trong môi trường ẩm, không khô thoáng sẽ gây ra nấm mốc”.

Theo một nhà chuyên gia về vi sinh học cho biết đũa gỗ hoặc tre khi bị mốc sinh ra nhiều loại nấm mốc khác nhau tùy vào điều kiện nhiệt độ, không khí và môi trường tồn tại. Nấm mốc ở trên đũa còn có thể phát tán vào trong không gian của nhà bếp chúng bám vào các thực phẩm. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh thì “ở những thực phẩm càng giàu lipit (chất béo) như đậu lạc, đậu tương... nó sinh trưởng, phát triển và tích tụ thành độc tố, có thể sinh độc tố Aflatoxin rất độc hại. Nói chung khi đũa bị mốc thì tất nhiên sẽ có hại bởi tất cả các loại mốc đều gây độc tố vi nấm, và mỗi loại gây ra một hệ quả khác nhau”.

Một kết quả nghiên cứu của giảng viên khoa Khoa học ứng dụng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Aflatoxin là một chất gây ung thư mạnh nhất, hấp thụ qua đường tiêu hóa, nếu hấp thụ 2,5mg Aflatoxin trong 89 ngày sẽ thấy xuất hiện ung thư gan sau một năm. Và theo nghiên cứu ở Trường ĐH Cornell (Hoa Kỳ), dù với hàm lượng cực thấp nhưng Aflatoxin đã gây nên những ảnh hưởng bất lợi cho con người qua một thời gian dài tích tụ từ thực phẩm rồi dẫn đến ung thư gan. Nhiễm aflatoxin cấp tính đã được thông báo ở các nước với các biểu hiện chủ yếu là suy chức năng gan cấp, xơ gan và hoại tử nhu mô gan.

Sử dụng bị mốc là nguyên nhân gây bệnh cho con người trong đó có ung thư gan. Ảnh: NGUYÊN HÀ

Thực tế, nhiều gia đình thường có thói quen dùng đũa gỗ chỉ khi đũa bị cong, vênh, hay gãy thì mới sử dụng cái mới. Nhiều người nghĩ dùng nước sôi bình thường (100oC) là có thể loại bỏ được độc tố trên đũa. Tuy nhiên, ví như trên đũa bị nấm mốc có chứa Aflatoxin thì nó lại là một độc tố rất bền vững, có khả năng chịu nhiệt rất tốt và khó có thể tiêu trừ, chỉ bị phá hủy ở 120oC trở lên trong môi trường kiềm.

Bà Kim Phượng (quận 3, TP.HCM) cho biết: “Tôi không nghĩ đũa ăn lại có thể gây ảnh hưởng gì đến sức khoẻ, tôi chỉ quan tâm nó có tiện dụng và ưng mắt hay không, dùng có vừa tay, dễ gắp thức ăn hay không thôi. Khi nào đũa gãy, cong, bị cháy hoặc thất lạc mất thì mới mua đũa mới. Nhưng cứ hai ba tháng tôi lại trụng nước sôi rồi đem lên sân thượng phơi khô, chứ bỏ đi thì uổng”.

Bản thân đũa làm bằng tre, gỗ không gây độc tố, chỉ trong quá trình sử dụng không đúng cách mới sinh ra những nguy hại trên. Từ thực trạng trên, chuyên gia khuyến cáo các gia đình nên luộc đũa nửa tiếng trong nước sôi mỗi tuần một lần, sau đó phơi thật khô rồi mới tiếp tục sử dụng, để đũa trong ống thoáng mát, không đọng nước. Việc làm này có tác dụng tốt trong việc loại bỏ, hạn chế sự sinh sôi của vi nấm sản sinh độc tố. Đặc biệt, khi phát hiện đũa đã mốc thì nên bỏ, để bảo vệ cho sức khỏe cho chính mình. 

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới