'Đừng gây rối đập phá, làm cho đời sống của dân xáo trộn nữa'!
Sáng 22-6, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cùng các đại biểu Quốc hội TP.HCM gồm ông Phan Nguyễn Như Khuê – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM và bà Trịnh Ngọc Thúy – Phó chánh án Tòa án nhân dân TP.HCM đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận Thủ Đức.
Mong những ngày cuối tuần bình yên
Tại cuộc tiếp xúc, nhiều cử tri quận Thủ Đức cho rằng QH lùi thời gian chưa thông qua Luật Đặc khu là sáng suốt, tuy nhiên việc không lấy ý kiến nhân dân trước khi trình QH là điều chưa ổn. Từ đó để xảy ra các cuộc tụ tập đông người, kích động, gây rối.
Cử tri kịch liệt lên án và đề nghị nghiêm trị những hành vi gây rối.
TS Trần Thị Rồi. Ảnh: TÁ LÂM
TS Trần Thị Rồi – Phó khoa Khoa học cơ bản Đại học Luật TP.HCM không ủng hộ việc ném đá, làm mất an ninh, gây bất ổn cho cộng đồng. Theo bà Rồi, đó là việc không nên và vi phạm pháp luật. Trong sự việc gây rối vừa qua, bà Rồi cho rằng lòng yêu nước của nhiều người dân đã bị lợi dụng.
Bà cho rằng nếu có Luật Biểu tình là hành lang pháp lý, người dân có thể biểu lộ tình cảm suy nghĩ của mình. Có luật sẽ có cơ sở để thực hiện, không vi phạm pháp luật.
Với những vụ việc gây rối vừa qua, theo bà Rồi, những người tham gia hầu hết là người trẻ. Đôi khi thông tin không đầy đủ, nhiều bạn trẻ thậm chí còn không đọc hai dự thảo luật, mà chỉ nghe người ta nói rằng phản đối nhà nước cho Trung Quốc thuê đất 99 năm là sôi sục lên ngay.
Từ đó, bà Rồi đề nghị dự án Luật Đặc khu nên lấy ý kiến công khai, đặc biệt là thanh niên. “Tương lai đất nước thuộc về thế hệ thanh niên, thế hệ trẻ. Đại biểu QH nên có cuộc tiếp xúc với đoàn thanh niên, các bạn sinh viên ở các trường đại học”- bà Rồi nói.
Ông Đỗ Hồng Thái, cử tri phường Linh Trung, cũng tỏ thái độ phản đối chuyện tụ tập đông người, kích động gây rối, đập phá cơ quan công quyền, hành hung người thi hành công vụ. “Trụ sở cơ quan công quyền là tiền mồ hôi xương máu, nước mắt, đóng góp của dân, trong đó có tôi, sao nỡ đang tâm đập phá. Tôi phản đối kịch liệt”- ông Thái nói.
Theo ông Thái, người dân đa phần là vẫn thắc mắc và bị lợi dụng nội dung cho thuê đất 99 năm. Ông đặt vấn đề, sau khi xảy ra các vụ tụ tập gây rối thì các cơ quan tuyên truyền, công tác dân vận ở đâu trong khi thông tin mà người dân nhận được rất ít.
“Trong vụ việc vừa qua, có nhiều luồng thông tin làm cho người dân hiểu nôm na cho thuê 99 năm là bán nước. Tại sao không giải thích cho dân hiểu, để rồi kẻ cơ hội làm rối tình hình. Phải nghiêm trị những kẻ kích động”- ông Thái đề nghị.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Đoài, phường Trường Thọ, cho rằng sau hai ngày QH dừng lại dự án Luật Đặc khu, ông mới nhận được cuộc gọi họp chi bộ khẩn cấp liên quan đến tụ tập đông người. “Không có tuyên truyền trên loa. Công tác vận động tuyên truyền quá yếu kém nên dân không hiểu hết được Luật Đặc khu”- ông băn khoăn.
Ông Trần Việt Trung, phường Trường Thọ, nói rằng như rất nhiều người khác, những thông tin liên quan đến chủ quyền với Trung Quốc luôn khiến ông quan tâm và lo ngại. “Tôi là người chưa đồng ý với một số điều trong dự thảo Luật Đặc khu. Thế nhưng vì chưa đồng tình mà tập trung đông người để phản đối dự luật nói trên, tôi không đồng ý”- ông Trung nói.
Ông cho rằng đến hôm nay, những người thực sự hiểu vấn đề họ không còn tham gia nữa. Chỉ còn một số ít người chưa hiểu bị kích động, và những kẻ cố tình gây rối.
“Theo tôi, bây giờ phải siết lại việc cư trú. Ai đến, ai đi, phải nắm địa bàn cho thật chắc. Phải nói cho dân hiểu về âm mưu thâm độc của những người muốn gây rối để trục lợi, để dân mà thấy ai lạ tới lôi kéo, hoặc phát hiện bất cứ hành vi, âm mưu gây rối nào sẽ báo ngay lập tức cho cảnh sát khu vực”- ông Trung nói.
Ông Trung cũng tỏ ra lo ngại, vụ việc sẽ làm cho công nhân mất việc làm, tải sản công bị phá hoại, đời sống bị xáo trộn. “Dịp cuối tuần cần được nghỉ ngơi. Nếu ai có công việc ở các khu trung tâm thì đều thấy lo ngại về an ninh trật tự và kẹt xe”- ông Trung nói và cho rằng người dân chỉ mong muốn được bình an để làm ăn, không ai muốn xáo trộn. Dần dần rồi dân cũng hiểu ra những âm mưu gây xáo trộn.
“Tôi rất mong và tin rằng Đảng và Nhà nước sẽ lắng nghe ý kiến người dân về việc này. Và mong rằng Đảng và Nhà nước đã nói gì hứa gì với dân về việc này thì nên làm đúng như vậy”- ông nói.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TÁ LÂM
Công tác tuyên truyền còn chậm
Chia sẻ với cử tri, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết tiếp thu ý kiến người dân, QH đã dừng thông qua Luật Đặc khu ở kỳ họp này để lắng nghe ý kiến người dân, chuyên gia và các nhà khoa học.
Bà Quyết Tâm nói QH đã nhìn thấy công tác tuyên truyền ở vụ việc vừa qua còn chậm. “Ngay cả Thành ủy, UBND TP cũng thấy rằng để xảy ra mất trật tự xã hội vừa rồi có phần trách nhiệm của công tác tuyên truyền chưa kịp thời và thiếu đồng bộ. Chứ còn nói không tuyên truyền là không đúng”- bà Tâm nói và cho biết bà đã theo dõi rất nhiều thông tin tuyên truyền về Luật Đặc khu trên VTV nhưng không quá nhiều như người dân mong muốn.
Bà Tâm khẳng định khi vụ việc xảy ra lãnh đạo TP.HCM đã họp lại và rút kinh nghiệm sâu sắc và ngay lập tức sửa sai bằng cách tuyên truyền mạnh hơn.