Sẽ không có gì phải bàn nếu việc thành lập các đô thị này xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của đời sống kinh tế-xã hội và các địa phương này đủ điều kiện để phát triển lên đô thị chứ không phải là sự “giú ép”. Vì lên đô thị nghĩa là sẽ tiếp cận với nhiều giá trị văn minh hơn, chất lượng quản lý của bộ máy nhà nước cũng vận hành để phục dân tốt hơn và đời sống vật chất - tinh thần của người dân cũng sẽ được nâng theo.
Thế nhưng thực tế phát triển của các đô thị ở nước ta cho thấy điều này không phải lúc nào cũng đã đúng như thế. Không ít vùng nông thôn khi “bứt phá” lên các đô thị hoặc các đô thị “nâng cấp mở rộng” mà chưa được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng các điều kiện cần thiết đã tạo ra những đô thị chắp vá, nham nhở, kiểu “phố mặc áo làng”. Hình ảnh những đô thị vẫn còn trâu, bò dọc ngang, nhà cao tầng chen giữa những khoảng đồng mênh mông không phải là điều quá khó bắt gặp ở nước ta.
Nhiều chuyên gia cho rằng có một thời kỳ các đô thị thi nhau mọc lên, nâng cấp để mang cho được cái danh “thành phố”, rồi thành phố loại hai, loại một. Để từ đó mà dễ đi xin tiền, xin biên chế hơn. Không nhiều các nơi lên “thành phố” từ sự trỗi dậy của chính mình. Và thực tế hiện nay đâu có bao nhiêu đô thị “tự lực cánh sinh” cho chính đời sống của mình mà không phải đi xin trung ương. Thiết nghĩ phải xem việc hình thành các đô thị xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, từ nội lực tự thân của các địa phương này chính là cách tốt nhất để các địa phương lớn mạnh, hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào “bầu sữa” trung ương. Muốn thế cần phải có những nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, khoa học và hạn chế tối đa sự cảm quan, duy ý chí.
Mặt khác, trong điều kiện ngân sách quốc gia hạn hẹp, con số nợ công cao như hiện nay việc bỏ cả chục ngàn tỉ đồng cần phải được cân nhắc một cách hết sức kỹ lưỡng, thấu đáo. Một đồng tiền ngân sách bỏ ra cần phải tính toán các giá trị sản sinh tương ứng, vì chúng ta đã có quá nhiều bài học xương máu về việc “thả lỏng” đường đi của ngân sách để thất thoát những con số khổng lồ. Điều này nếu còn tiếp diễn sẽ làm suy yếu nguồn lực của quốc gia.
Và trên hết khi phát triển hoặc mở rộng đô thị, mục tiêu đồng thời cũng là mục đích cuối cùng là chất lượng đời sống của người dân nơi đó phải được nâng lên một cách thực sự. Muốn thế, không còn cách nào khác là các điều kiện để chuẩn bị cho sự “chuyển mình” đó phải được hình thành một cách bài bản, đúng yêu cầu đặt ra. Đừng để người dân sau một đêm từ người nông thôn trở thành người thành thị lại “mơ màng nghe chim hót trên cao”; chưa biết mình sẽ được lợi ích gì, ngoài cái mác “thị dân” vừa được thông báo.
MẠNH LÊ