Thí điểm không tổ chức HĐND, sao chưa gút?

Điều kỳ lạ là cũng cho đến lúc này việc thí điểm không tổ chức HĐND (cấp quận, huyện, phường áp dụng cho 10 tỉnh, thành phố) theo Nghị quyết 26/2008 của Quốc hội khóa XII vẫn chưa có kết luận chính thức dù đã kéo dài qua hơn sáu năm.

Nghĩa là hơn sáu năm qua HĐND ở 67 huyện, 32 quận và 483 phường ở 10 tỉnh, thành thực hiện việc thí điểm tạm thời “biến mất”. Phương thức tổ chức và vận hành bộ máy ở các cấp này cũng đã thay đổi trong chừng ấy thời gian.

Quá trình sơ kết, tổng kết từng bước việc thí điểm này đã cho ra những kết quả tích cực. Báo cáo của Bộ Nội vụ - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về thí điểm này tại lần tổng kết bước hai (năm 2012) cho hay thông qua việc thí điểm, hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy nhà nước các cấp tại địa phương những nơi thí điểm luôn được vận hành thông suốt, phù hợp, hiệu lực, hiệu quả. Đặc biệt, quá trình thí điểm đã có sự phân định về tổ chức bộ máy của chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Bên cạnh đó, việc thực hiện quyền đại diện và quyền làm chủ của nhân dân trên địa bàn được duy trì. Đại diện của TP.HCM khi đó cũng cho hay mọi hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền khi tiến hành thí điểm được thông suốt, hiệu quả hơn. Và mới đây nhất, báo cáo của đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến vấn đề này cũng cho hay nhiều cử tri Hà Nội cho rằng hoạt động của HĐND ở những cấp này còn mang nặng tính hình thức, cử tri đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương để khắc phục những tồn tại trên.

Ấy thế mà trong cuộc góp ý gần đây của các đại biểu Quốc hội chuyên trách cho dự luật tổ chức chính quyền địa phương, phương án “vũ như cẩn” - tức là vẫn giữ nguyên cách thức nơi đâu có UBND thì phải tổ chức HĐND, có chiều hướng thắng thế. Những ý kiến muốn thay đổi, đột phá dần trở nên lẻ loi, yếu ớt hơn.

Phải chăng chính việc ra nghị quyết thí điểm nhưng không đưa ra kết luận chính thức cuối cùng trong suốt bao năm qua đã làm cho cơ sở thực tiễn của việc đổi mới tổ chức chính quyền địa phương trong dự luật này bị lung lay? Vì nếu không phải thế thì các kết quả tích cực cho những lần sơ kết, tổng kết từng bước trên đây là chưa đủ độ thuyết phục.

Đó là chưa nói đến chuyện điều này chắc sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức bộ máy của các địa phương liên quan. Vì cho đến nay, bộ máy ở những nơi này đã được tổ chức và vận hành theo một phương thức khác, không ít vị trí cán bộ đã bị thay đổi, điều chuyển. Vậy “số phận” của họ tới đây sẽ như thế nào?

Mặt khác, những kỳ vọng vào việc tổ chức chính quyền đô thị khác chính quyền nông thôn (với đặc trưng căn cơ nhất là thông suốt, hạn chế tầng nấc, cắt khúc) có khả năng sẽ nằm lại trên giấy. Trong khi đó điều này là rất cần thiết để đổi mới phương thức vận hành bộ máy hành chính ở các đô thị, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn của đời sống kinh tế-xã hội năng động ở những nơi đây. Đó cũng chính là đòn bẩy quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội cho các đô thị, bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc gia.

Và trên hết, việc thí điểm hơn nửa thập niên qua cần phải có những đúc kết cụ thể, không thể kéo dài hơn nữa. Người dân cần câu trả lời cuối cùng là việc thí điểm ấy có mang lại hiệu quả không? Có đáp ứng yêu cầu cải cách, đổi mới bộ máy nhà nước không? Hướng tới đây sẽ như thế nào?

Nhân dân đang đợi câu trả lời ấy từ Quốc hội.

MINH CƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm