Bộ GTVT vừa có quyết định dừng kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (Quyết định 24/2016), để thực hiện Nghị định 10/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1-4-2020.
Hành lang pháp lý rõ ràng
Theo đó, ô tô có sức chứa dưới chín chỗ đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng trước ngày 1-4, nếu tiếp tục hoạt động kinh doanh vận tải theo hợp đồng phải thực hiện cấp lại phù hiệu và dán cố định trên ô tô, thời gian thực hiện xong trước 1-7-2021. Nếu có nhu cầu thực hiện theo loại hình taxi, xe phải được cấp lại phù hiệu xe taxi để hoạt động kinh doanh theo quy định.
Lãnh đạo Vụ Vận tải Bộ GTVT cho biết sau thời gian thí điểm, đã có hành lang pháp lý mới là Nghị định 10/2020 thay thế Nghị định 86/2016 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải. Việc dừng thí điểm là để thực hiện theo quy định của Nghị định 10 và điều đó không ảnh hưởng gì tới các doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động trong lĩnh vực này.
“Các doanh nghiệp này vẫn hoạt động bình thường nhưng sẽ cần có một số điều chỉnh để tuân thủ theo quy định mới. Thực tế, các quy định mới trong Nghị định 10 còn giúp doanh nghiệp rộng cửa hoạt động hơn. Nghị định đưa hoạt động của xe công nghệ vào quy chuẩn hơn và loại hình vận tải này được công nhận chính thức chứ không chỉ ở mức thí điểm như trước đây…” - vị lãnh đạo Vụ Vận tải cho hay.
PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế-tài chính, cho rằng Nghị định 10 cơ bản giải quyết được những tranh cãi trước đây. Giờ đây, loại hình xe công nghệ và taxi truyền thống có sự bình đẳng trong kinh doanh vận tải.
“Nghị định 10 có một số điểm mới. Cụ thể, với loại hình xe công nghệ, Nghị định tạo khung pháp lý để đảm bảo có sự quản lý chặt chẽ hơn của cơ quan nhà nước nhưng theo tôi, hoạt động của loại hình này không có sự thay đổi nhiều. Còn về hiệu quả của Nghị định cần thời gian để kiểm nghiệm…” - ông Ngô Trí Long cho hay.
Cũng theo ông Long, Nghị định 10 đã phân biệt khá rõ giữa đơn vị kinh doanh vận tải và công ty công nghệ. Theo đó, doanh nghiệp nào tham gia ít nhất một trong các công đoạn chính như điều hành phương tiện, quyết định giá cước… thì được gọi là doanh nghiệp vận tải. Ngược lại, đơn vị nào không tham gia các công đoạn trên thì được xem là doanh nghiệp cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải. “Căn cứ vào đây, các doanh nghiệp có thể nghiên cứu nhằm đưa ra mô hình hoạt động phù hợp cho mình” - ông Ngô Trí Long nói.
Tới đây, loại hình taxi công nghệ sẽ được hoạt động trên phạm vi toàn quốc. Ảnh: V.LONG
Xe công nghệ vẫn hoạt động bình thường
Anh Nguyễn Hà, ngụ phường Cống Vị, quận Ba Đình (tài xế GrabCar), cho rằng cá nhân đã nghiên cứu Nghị định 10 và nhận thấy tài xế công nghệ không bị ảnh hưởng lớn, vẫn hoạt động bình thường. Ngược lại, nghị định tạo điều kiện thuận lợi khi cho phép mở rộng địa bàn hoạt động của xe công nghệ, điều này không chỉ tăng thu nhập cho tài xế mà còn tạo môi trường làm việc tốt hơn.
“Trước đây tài xế ngoài vùng thí điểm phải đưa xe lên Hà Nội để đăng ký hoạt động thì nay được quyền đăng ký ở các địa phương. Bên cạnh đó, các cuốc xe từ Hà Nội đi các tỉnh sẽ tăng lên, đồng nghĩa với tăng thu nhập, hạn chế được chiều chạy rỗng từ tỉnh về…” - anh Hà nói.
Theo đại diện Grab, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 10, Bộ GTVT có Quyết định 146 thông báo về việc hết hiệu lực của đề án thí điểm (Quyết định 24) là hoạt động bình thường của cơ quan quản lý nhà nước. Hiện nay Grab đang tích cực làm việc với các cơ quan chức năng có liên quan để triển khai thực hiện các quy định của Nghị định 10 một cách nghiêm túc, đúng pháp luật.
“Thay vì hoạt động trong khuôn khổ một đề án thí điểm, từ ngày 1-4-2020, Grab và các mô hình như Grab có thể chính thức hoạt động trên phạm vi toàn quốc theo luật định. Trên tinh thần của Quyết định 146 và Nghị định 10, chúng tôi đã, đang và sẽ tích cực làm việc với các cơ quan chức năng để tìm hiểu kỹ hơn về các quy định của pháp luật dành cho mô hình hoạt động của mình. Tuân thủ pháp luật, đảm bảo tối đa quyền lợi của khách hàng, đối tác tài xế và hướng đến sự phát triển của cộng đồng luôn là tôn chỉ hoạt động mà Grab hướng đến…” - đại diện Grab khẳng định.
Xe công nghệ, taxi không cần gắn hộp đèn Nghị định 10 quy định xe taxi và xe hợp đồng điện tử đều không bắt buộc gắn hộp đèn (Nghị định 46/2016 bắt buộc xe taxi phải gắn hộp đèn). Theo đó, ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, được quyền lựa chọn gắn hộp đèn với chữ “TAXI” cố định trên nóc xe với kích thước tối thiểu là 12 x 30 cm hoặc niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE TAXI” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe với kích thước tối thiểu 6 x 20 cm. Đối với các xe công nghệ (GrabCar, beCar), điểm a Điều 7 Nghị định 10 quy định: Xe hợp đồng phải niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe với kích thước tối thiểu là 6 x 20 cm. |