Dừng thí điểm xe công nghệ: Các hãng không gặp khó

Nói về việc sẽ tạm ngưng thí điểm triển khai gọi xe công nghệ từ ngày 1-4, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết tất cả thông tin, yêu cầu từ Bộ GTVT đã được nêu rõ trong Nghị định 10/2020.

Vì vậy, các doanh nghiệp liên quan cần nghiên cứu kỹ nghị định này để làm theo. Trong nghị định này, Bộ GTVT cũng nêu rõ trách nhiệm của các sở GTVT. Do đó phía Sở GTVT cũng sẽ có văn bản nhắc nhở các doanh nghiệp chú ý thực hiện cho đúng.

Các đơn vị vận tải chủ động triển khai

Nói về Nghị định 10/2020, đại diện hãng Grab cho biết đây là một hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước và không gây ảnh hưởng hay khó khăn gì đến hoạt động của Grab trên thị trường hiện nay.

Bên cạnh đó, đại diện Grab cũng cho hay đang nghiên cứu Nghị định 10/2020 của Chính phủ để tìm ra lựa chọn tốt nhất cho mô hình hoạt động của mình. Đồng thời tích cực làm việc với các cơ quan chức năng để tìm hiểu kỹ hơn về các quy định của pháp luật dành cho mô hình hoạt động đó.

“Nhưng dù lựa chọn phương án nào thì tuân thủ pháp luật và đảm bảo tối đa quyền lợi của khách hàng, đối tác tài xế, hướng đến sự phát triển của cộng đồng luôn là tôn chỉ hoạt động mà Grab hướng đến” - đại diện này nói.

Trong khi đó, đại diện FastGo cho hay: Ngay từ đầu đơn vị vẫn ưu tiên lựa chọn theo mô hình là ứng dụng kết nối vận tải, tức là mô hình thứ ba trong Nghị định 10/2020. Theo đó, FastGo sẽ cung cấp các giải pháp ứng dụng giúp các doanh nghiệp taxi và đơn vị kinh doanh xe hợp đồng để quản lý đối tác, tài xế, thiết lập chính sách kinh doanh phù hợp với từng đối tượng khách hàng.

Việc thí điểm kinh doanh taxi công nghệ sẽ dừng từ ngày 1-4. Ảnh: ĐÀO TRANG

Với các đơn vị taxi hoặc kinh doanh chưa có hệ thống điều hành, FastGo sẽ hỗ trợ miễn phí. Với các đơn vị đã có ứng dụng công nghệ, FastGo cũng cho phép kết nối hai hệ thống với nhau để cùng khai thác khách hàng. Nghị định mới này chỉ trong phạm vi Việt Nam, không ảnh hưởng đến các thị trường nước ngoài mà FastGo đang triển khai.

Các quy định mới trong Nghị định 10/2020 là tương đối cởi mở, tân tiến, tạo điều kiện bình đẳng cho các doanh nghiệp cũ và mới, truyền thống và công nghệ tham gia vào lĩnh vực kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, sẽ cần thêm các thông tư hướng dẫn chi tiết hơn về một số quy định và ràng buộc cụ thể để các doanh nghiệp hiểu và áp dụng đúng các quy định trong quá trình hoạt động.

Việc có ảnh hưởng gì đối với các tài xế hay không thì thời điểm này chưa thể nói trước được, chỉ khi áp dụng chính thức (1-4) mới biết. Nhìn chung thì cũng không có sự thay đổi gì nhiều. Nhưng tôi nghĩ hãng xe mà tôi đang chạy sẽ phải thay đổi về hình thức (có thể là công ty vận tải hoặc là công ty cung cấp phần mềm ứng dụng). Hình thức nào cũng được, miễn sao tài xế chúng tôi nhận được đầy đủ quyền lợi và cũng có lợi cho người dân là được.

Anh NGUYỄN THANH HÀmột tài xế xe công nghệ ở TP.HCM 

Kiến nghị về thời hạn chuyển đổi

Ông Tạ Long Hỷ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, Phó Tổng  Giám đốc Vinasun, cho biết hiện nay chúng ta không thể đánh giá việc chuyển đổi xe công nghệ sang taxi có phù hợp hay không, song pháp luật quy định nên ta phải thực hiện. Theo đó, Nghị định 10/2020 cho phép chuyển đổi thì xe công nghệ có quyền chuyển đổi sang taxi hoặc xe hợp đồng. Chủ phương tiện có quyền lựa chọn phương thức chuyển đổi sao cho phù hợp.

Trường hợp chủ phương tiện chuyển sang hình thức xe hợp đồng thì phải thực hiện đúng hợp đồng nguyên xe, nguyên chuyến và thông tin về cho Sở GTVT địa phương đó nắm. Tất cả sự lựa chọn hiện nay đều là quyền của doanh nghiệp, Nghị định 10/2020 mới thông qua là hoàn toàn phù hợp.

Tuy nhiên, các công ty công nghệ hiện nay phải suy nghĩ, bởi công ty công nghệ thì không được quyền quyết định cước và điều động tài xế. Đơn vị này có thể chuyển về cung cấp nền tảng công nghệ.

“Nhiều người lo ngại taxi hiện nay đang nhiều, không nên chuyển đổi. Tuy nhiên, taxi hiện nay ở TP.HCM đang rất thấp. Trước kia có khoảng 16.000 taxi thì nay chỉ dao động khoảng 6.000-7.000 xe. Số lượng taxi cũng bị giới hạn nên ai chuyển đổi thì chuyển đổi gấp đi” - ông Hỷ nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hỷ, thời gian để các xe chuyển đổi hiện nay quá kéo dài. Cụ thể, hạn cuối là 1-7-2021, gần như các xe công nghệ có thêm một năm để thí điểm. “Vì vậy, hiện Hiệp hội Vận tải ba miền đang có kiến nghị với Bộ GTVT về thời hạn chuyển đổi này” - ông Hỷ nói.

 

Theo Nghị định 10/2020 thay thế cho Nghị định 86/2014, việc thí điểm kinh doanh taxi công nghệ sẽ dừng từ ngày 1-4.

Theo đó, tất cả xe kinh doanh vận tải hành khách dưới chín chỗ được xác định là taxi. Những xe này có quyền lựa chọn gắn hộp đèn taxi trên nóc xe hoặc phải dán chữ “XE TAXI” bằng vật liệu phản quang trên kính trước và kính sau xe.

Trường hợp lựa chọn gắn hộp đèn với chữ “TAXI” cố định trên nóc xe thì không phải niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE TAXI” trên kính phía trước và kính phía sau xe.

Đối với taxi sử dụng phần mềm để đặt xe, hủy chuyến, tính cước chuyến đi (gọi là phần mềm tính tiền) thì trên xe phải có thiết bị kết nối trực tiếp với hành khách để đặt xe, hủy chuyến; tiền cước chuyến đi được tính theo quãng đường xác định trên bản đồ số.

Đồng thời, phần mềm tính tiền của taxi phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử; giao diện dành cho hành khách phải có tên hoặc biểu trưng (logo) của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải. Trước khi thực hiện vận chuyển, phải cung cấp cho hành khách các nội dung tối thiểu gồm: Tên đơn vị kinh doanh vận tải, họ và tên tài xế, biển số xe, hành trình, cự ly chuyến đi (km), tổng số tiền hành khách phải trả và số điện thoại giải quyết phản ánh của hành khách. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm