Đừng thờ ơ với chuyện chán học của học sinh

(PLO)-  Nhiều người vẫn nghĩ các em đang tuổi ăn tuổi lớn thì chẳng có gì áp lực. Thế nhưng những vấn đề tưởng chừng như rất nhỏ lại có thể ảnh hưởng lớn đến tâm lý, dẫn đến hậu quả khôn lường.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chỉ tính từ tháng 3-2022 đến nay, đã có nhiều vụ việc đau lòng xảy ra đối với học sinh (HS), đặc biệt là tự tử do stress, lo âu, trầm cảm, uất ức… Đơn cử như mới đây, ba HS lớp 7 ăn lá ngón tự tử tại Trường THCS bán trú xã Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An).

Những câu chuyện này để lại nhiều nỗi đau cho gia đình các em và sự trăn trở của những người làm giáo dục, tâm lý.

Con ước được nghỉ học

“Con chán học, con không thích môn đó, con thấy thầy cô không quan tâm đến suy nghĩ của con, con chỉ ước được nghỉ học…” là những tâm sự tôi thường gặp trong phòng tư vấn học đường.

Mong muốn được nghỉ học trải dài trên các độ tuổi nhưng nhiều nhất là ở bậc tiểu học và bắt đầu vào bậc THCS do các nguyên nhân phổ biến gồm: Thầy cô giảng bài trẻ không hiểu; đi học bị các bạn chọc ghẹo; không tìm thấy niềm vui khi đến lớp; giáo viên (GV) thiếu am hiểu tâm lý lứa tuổi; cha mẹ gây áp lực lên con cái.

21,7%

Là số trẻ vị thành niên trong 12 tháng qua có vấn đề về sức khỏe tâm thần, trong đó 3,3% đáp ứng các tiêu chí đối với một rối loạn. Lo lắng là vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến nhất (18,6%), tiếp theo là trầm cảm (4,3%).

Trong 12 tháng qua, chỉ 8,4% vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần đã tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ hoặc tư vấn các vấn đề về cảm xúc và hành vi.

Đây là kết quả nghiên cứu “Điều tra sức khỏe tâm thần vị thành niên Việt Nam” do Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam công bố ngày 18-11-2022. Cuộc điều tra dựa trên kết quả phỏng vấn thành công với 5.996 cặp cha mẹ - vị thành niên, diễn ra từ tháng 9 đến tháng 12-2021 ở 38 tỉnh, TP.

Tôi còn nhớ một nam sinh nước mắt lưng tròng chia sẻ bị các bạn chọc “khùng điên”. Bạn giận đập tay thật mạnh vào chiếc bàn nhựa, hai tay ứa máu. Tôi an ủi và dạy bạn cách ứng xử sao cho phù hợp. Tuy nhiên, nhiều bạn vẫn trêu chọc, đánh, mắng em khiến em thấy ngày nào đến trường cũng là ngày tồi tệ. Em thường chạy vào phòng tư vấn tâm lý, xem nơi đây như một nơi “trú ẩn” vào những giờ ra chơi. Đáng nói là nếu tôi không lên tiếng can thiệp thì GV và nhà trường không có động thái nào quan sát, hỗ trợ những HS như vậy.

Cô đơn, thất vọng và đòi chết

Tôi còn nhớ một phụ huynh ở tỉnh Tây Ninh cầu cứu giúp con trai chị đang học lớp 6 nhưng đòi bỏ học đi làm. Nếu mẹ không đồng ý, con sẽ khóa trái phòng không ăn uống. Bản thân chị một mình chăm hai con trai nên vừa bận vừa bất lực trong việc ứng xử với con.

Khi tìm hiểu, tôi nhận ra “cậu bé quá cô đơn”, đi học không ai quan tâm, giúp đỡ học bài, tuổi dậy thì đầy xáo trộn nhưng chẳng thể chia sẻ với ai. Lên lớp thì sự ngây ngô, ngoại hình quá khổ của cậu trở thành tâm điểm chế giễu của bạn bè. Có lần cậu còn dự định bỏ nhà đi bụi. Cậu không thiết tha đến lớp, cậu vừa lo âu, sợ hãi, vừa ghét trường học. Đòi nghỉ học, đi làm phụ mẹ thì mẹ phản đối, lâu dần cậu trở nên ù lì, sợ giao tiếp và sợ đám đông…

Tương tự, nữ sinh lớp 7 tên NK (quận 7, TP.HCM) cũng bày tỏ cảm giác trống trải, hụt hẫng và chịu đựng áp lực quá nhiều từ gia đình dẫn đến rối loạn lo âu, có một số dấu hiệu của chứng trầm cảm nhẹ. Mẹ của K đã ly hôn với chồng và cáng đáng mọi việc để nuôi ba đứa con. Chị gái đầu thường xuyên gây áp lực, đánh mắng các em. Em gái thì toàn xưng hô “mày tao” với K. Nhưng mẹ K thì ít quan tâm và không có giải pháp giáo dục cụ thể khiến K rất thất vọng. K mang cảm xúc này đến lớp, rồi dần thu mình lại, không có động lực học tập và đòi chết rất nhiều lần.

Đồng hành và giải tỏa tâm lý cùng con

Để không còn HS nào “ước gì được nghỉ học” nữa, người lớn rất cần hành động cụ thể để đồng hành và giải tỏa tâm lý cho các em. Trong đó, sự quan tâm, động viên kịp thời và hành động phù hợp với tâm lý lứa tuổi giữ vai trò cực kỳ quan trọng, có thể giúp “xoay chuyển tình thế”.

Về phía gia đình, nhất thiết phải lắng nghe con trẻ giãi bày tâm tư, suy nghĩ. Dành nhiều thời gian hỏi han, trò chuyện, kể chuyện cho con và nghe con kể về việc học, trường lớp, bạn bè. Cần lưu tâm nhất chính là không áp đặt tư tưởng, suy nghĩ chủ quan của người lớn lên các con mà hiểu tâm lý độ tuổi, điều con thích và không thích để giao tiếp phù hợp.

Nhất thiết cần để tâm đến các dấu hiệu bất thường ở con so với ngày thường như căng thẳng, mất ngủ, chán ăn, mệt mỏi, buồn bã, khí sắc trầm… để có thể hỗ trợ kịp thời.

Từ góc độ trường học, GV cần sáng tạo trong giảng dạy, nhiệt tình trong giao tiếp với trẻ, tạo niềm tin và bày tỏ thái độ thiện chí khi dạy học trên lớp. Quan sát, thu nhận thông tin kịp thời về các hành vi có dấu hiệu bạo hành, bạo lực học đường của HS, cũng như tâm lý sợ hãi, lo lắng của nhóm HS yếu thế. Từ đó khéo léo chấn chỉnh, tránh gây ra tổn thương không cần thiết đến cá nhân hoặc tập thể HS không liên quan nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả “dạy người” trong trường học.

Giúp học sinh đến trường vui vẻ hơn

Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên Tiền phong cần thực hiện nhiều phong trào phù hợp lứa tuổi để hình thành tinh thần hợp tác, làm việc nhóm, giao tiếp với đám đông, thích nghi với môi trường tập thể của HS, giúp trẻ đến trường với tâm trạng vui vẻ, phấn khởi hơn.

Phòng tư vấn tâm lý cần truyền thông và vận động sự tham gia nhiệt tình của HS, toàn thể GV đối với các chủ đề: Văn hóa học đường, ứng xử đẹp, tình bạn đẹp hay khuyến khích HS chia sẻ khó khăn tâm lý với GV, chuyên viên tâm lý.

Thạc sĩ tâm lý MINH HUÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm