Dùng trí tuệ nhân tạo phát triển siêu đô thị TP.HCM

(PLO)- Để có thể ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực hành chính công, TP.HCM phải giải quyết ba vấn đề: Nguồn nhân lực, hạ tầng và xác định các bài toán cốt lõi.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 27-12, Sở TT&TT TP.HCM tổ chức hội thảo ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực hành chính công năm 2022.

AI giúp tăng năng suất lao động của cán bộ

Tại hội thảo, Giám đốc Sở TT&TT Lâm Đình Thắng cho biết năm 2022, kết quả triển khai chuyển đổi số của TP.HCM có những chuyển biến tích cực. TP đã ra mắt một số nền tảng số quan trọng như: Hệ thống giám sát xử lý phản ánh, kiến nghị người dân theo thời gian thực; hệ thống giải quyết thủ tục hành chính; dashboard tổng hợp thông tin kinh tế - xã hội...

Giám đốc Sở TT&TT Lâm Đình Thắng phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: PV

Giám đốc Sở TT&TT Lâm Đình Thắng phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: PV

Tuy nhiên, TP vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm. Trong đó, hai vấn đề cần tập trung là ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tăng năng suất lao động của công chức; tạo lập, liên thông, chia sẻ, sử dụng hiệu quả dữ liệu giữa các cấp, ngành, các địa phương. Từ thực tế dữ liệu chưa đáp ứng được yêu cầu dẫn đến khai thác ứng dụng trí tuệ nhân tạo để thúc đẩy hiệu quả chính quyền số còn bị hạn chế.

Theo Giám đốc Sở TT&TT, đối với ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trọng tâm của TP sẽ đặt ở lĩnh vực hành chính công.

Trong thời gian qua, nhiều cơ quan hành chính đã ứng dụng khá tốt trí tuệ nhân tạo, điển hình như TP Thủ Đức với dịch vụ “định danh khách hàng điện tử”. Quận Bình Tân, quận 12 ứng dụng AI trong quản lý trật tự xây dựng.

Công an TP ứng dụng AI trong hệ thống camera; Sở TT&TT ứng dụng AI trong hệ thống 1022 trong đợt cao điểm phòng chống dịch COVID-19. Nhiều sở, ngành, địa phương, thậm chí các phường đã ứng dụng hệ thống Chatbot/Voicebot để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp… Tuy vậy, việc ứng dụng AI trong khu vực hành chính công TP vẫn chưa thật sự có tính hệ thống, bài bản, đồng bộ và chưa nhiều.

Giám đốc Sở TT&TT cho rằng hội thảo này là nơi trao đổi, chia sẻ những vấn đề, bài toán cần giải quyết của các cơ quan quản lý nhà nước, những nghiên cứu của các nhà khoa học, chuyên gia tại các trường, viện, những giải pháp ứng dụng của các doanh nghiệp về trí tuệ nhân tạo đối với các lĩnh vực trong hành chính công.

Đồng thời thông qua đây, Sở TT&TT trở thành cầu nối để gắn kết ba nhà: Cơ quan quản lý nhà nước, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp trong việc đưa giải pháp trí tuệ nhân tạo đi vào thực tế cuộc sống.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức: “Phải dùng AI để giải quyết các bài toán khó trong phát triển siêu đô thị TP.HCM”.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức: “Phải dùng AI để giải quyết các bài toán khó trong phát triển siêu đô thị TP.HCM”.

Dùng AI gỡ khó trong phát triển siêu đô thị TP.HCM

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức nhìn nhận việc sử dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết, tháo gỡ các bài toán quan trọng để phát triển siêu đô thị như TP.HCM trên các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục…

Phó chủ tịch UBND TP nêu để ứng dụng thành công AI trong lĩnh vực hành chính công, ba vấn đề mà thời gian tới TP cần giải quyết là nguồn nhân lực, hạ tầng và xác định các bài toán cốt lõi. Theo đó, về nguồn nhân lực, đây là việc mang tính chất liên tục, cần cải thiện trong ngắn hạn và dài hạn. Sau đó là tập trung xây dựng hạ tầng về phần cứng, phần mềm. Cuối cùng là thường xuyên nghiên cứu các vấn đề xảy ra trong thực tiễn vận hành TP nhằm nêu các bài toán, mời gọi các tổ chức tham gia giải quyết.

Trí tuệ nhân tạo (AI) đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết, tháo gỡ các bài toán quan trọng để phát triển siêu đô thị như TP.HCM trên các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục

Theo ông Đức, năm 2023 TP chọn chủ đề năm là nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Trong đó, một trong những trọng tâm mà TP quan tâm là việc đẩy nhanh chương trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo trong nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ người dân.

Theo phó chủ tịch UBND TP, với vai trò thường trực của chương trình chuyển đổi số cũng như chương trình ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Sở TT&TT phải là đơn vị đi đầu, là hạt nhân, đầu mối phối hợp với các sở, ban ngành đẩy nhanh việc chuyển đổi số, đưa trí tuệ nhân tạo vào công tác đổi mới, đặc biệt là lĩnh vực hành chính công.•

AI hướng tới giải quyết nhu cầu hằng ngày của người dân

Tại hội thảo, ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ KH&CN, nhìn nhận hiện tại nền khoa học công nghệ của Việt Nam chưa đủ nguồn lực để xây dựng những hệ thống tính toán lớn. Vì vậy, việc phát triển trí tuệ nhân tạo trong nước không đặt kỳ vọng dẫn đầu mà hướng tới mục tiêu giải quyết vấn đề trước mắt của chính quyền, người dân.

Theo ông Duy, việc phát triển trí tuệ nhân tạo cần hướng tới việc phục vụ nhu cầu hằng ngày của người dân về học tập, giải trí, đời sống và thực hiện thủ tục hành chính... Ngoài ra cần giúp chính quyền thực hiện công tác quản lý trong hành chính, đô thị, tài nguyên môi trường.

Tham dự hội thảo, GS-TS Nguyễn Thiện Nhân cho rằng việc ứng dụng AI trong hành chính công sẽ giúp cán bộ quản lý, phân loại hồ sơ dễ dàng, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ của người dân.

Ông Nhân nhận định AI sẽ có thể hỗ trợ cán bộ đối chiếu văn bản, rà soát, đối chiếu hồ sơ và tra lại các văn bản pháp lý dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, việc quản lý hồ sơ bằng trí tuệ nhân tạo sẽ giảm chi phí quản lý, in ấn và tránh thất lạc hồ sơ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm