Được cấp sổ, mong bất động sản du lịch hồi sinh

(PLO)- Cần có quy định cụ thể về quyền lợi, trách nhiệm của chủ sở hữu condotel, chủ đầu tư và đơn vị quản lý vận hành khai thác, tránh tranh chấp phát sinh.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Quy định cấp sổ hồng cho bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng được các doanh nghiệp (DN) kỳ vọng giúp hàng chục ngàn căn hộ condotel, biệt thự nghỉ dưỡng… tại nhiều TP du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc... được gỡ vướng pháp lý.

Người mua condotel thở phào

Theo Nghị định 10/2023 vừa được Chính phủ ban hành (hiệu lực từ ngày 20-5-2023), căn hộ khách sạn, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng (condotel), văn phòng lưu trú (officetel), biệt thự du lịch nghỉ dưỡng và những công trình khác phục vụ lưu trú, du lịch trên đất thương mại, dịch vụ nếu đủ điều kiện theo quy định của pháp luật (về đất đai, xây dựng, kinh doanh BĐS) thì được chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ.

Hiệp hội BĐS TP đề nghị xem xét có cơ chế đặc thù để cấp lại sổ hồng với thời hạn sở hữu condotel gắn liền với quyền sử dụng đất theo thời hạn của dự án, tối đa không quá 50 năm để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng và chủ đầu tư.

Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM

Ông Nguyễn Đức Tân (quận 6, TP.HCM) cho biết ông và nhiều người bạn đã mua căn hộ condotel tại một dự án khu du lịch nghỉ dưỡng tại Khánh Hòa từ cuối năm 2019. Theo hợp đồng mua bán, khách hàng sẽ đóng tiền theo tiến độ dự án. Sau khi bàn giao nhà hai tháng, người mua sẽ nhận được hồ sơ xin cấp sổ hồng. Tuy nhiên, hiện nay nhiều khách hàng như ông Tân vẫn chưa nhận được sổ dù đã trả hết tiền mua condotel. Lý do chủ đầu tư đưa ra là do toàn bộ dự án được cấp sổ là đất hỗn hợp, bên cạnh đất thương mại dịch vụ thì có đất ở nông thôn - đất ở không hình thành đơn vị ở. Theo quy định của Luật Đất đai và Luật Nhà ở thì chưa đủ điều kiện để cấp sổ.

“Trong năm đầu tiên, chủ đầu tư cam kết trả đúng lợi nhuận nhưng năm sau do dịch bệnh nên chủ đầu tư không trả nữa. Giờ có đòi sổ cũng không được vì vướng pháp lý. Nghe thông tin nghị định mới cho cấp sổ đúng là thở phào, trút bỏ lo lắng bao lâu nay” - ông Tân vui vẻ nói.

Một dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Q.HUY
Một dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Q.HUY

Về phía DN, ông Đoàn Thanh Ngọc, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh, đánh giá đây là tin vui đối với thị trường BĐS nghỉ dưỡng. Hầu như đơn vị phát triển BĐS nào cũng có sản phẩm condotel, officetel… ở nhiều tỉnh, thành du lịch. Số lượng cả nước hơn 80.000 căn condotel, nếu tính cả officetel, biệt thự nghỉ dưỡng, shophouse… thì số lượng rất lớn.

“Nếu tháo được vướng mắc pháp lý cho condotel và sản phẩm BĐS du lịch, nghỉ dưỡng có hành lang pháp lý rõ ràng thì chắc chắn sẽ giúp phục hồi thị trường đầy tiềm năng này” - ông Ngọc chia sẻ.

Vẫn cần quy định rõ ràng hơn

Ông Nguyễn Duy Thành, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý nhà Toàn Cầu (Global Home), cho biết cần có thêm khung pháp lý quy định cụ thể về quản lý, khai thác, vận hành… các loại hình condotel, officetel. Lý do là loại hình này khai thác lưu trú nghỉ dưỡng nên liên quan chặt chẽ ba bên là người sở hữu căn hộ condotel, chủ đầu tư và đơn vị quản lý vận hành.

Ngoài ra, trong các dự thảo Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đất đai, Luật Nhà ở đang sửa đổi cần định nghĩa rõ loại hình condotel, officetel… từ đó các quy định pháp lý đi theo cho phù hợp. Ví dụ, nếu condotel là căn hộ khách sạn thì quản lý theo pháp luật du lịch nhưng nếu là căn hộ thì lại quản lý theo pháp luật nhà chung cư.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), có một bất cập của khoản 4 Điều 1 Nghị định 10 là chỉ quy định việc cấp giấy chứng nhận cho công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú theo quy định của pháp luật về du lịch. Trong khi trên thực tế còn có nhiều loại công trình sử dụng vào mục đích lưu trú theo quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng, pháp luật về kinh doanh BĐS chứ không chỉ căn cứ vào mỗi pháp luật về du lịch.

Bên cạnh đó, trong hơn 10 năm qua đã có hàng ngàn condotel được cấp giấy chứng nhận, công nhận quyền sở hữu căn hộ gắn liền với quyền sử dụng đất ở không hình thành đơn vị ở ổn định lâu dài. Các trường hợp này đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận là cấp sổ trái pháp luật. Tuy nhiên, Nghị định 10 chưa quy định xử lý chuyển tiếp việc cấp lại sổ đối với các trường hợp này.

“Vì vậy, nghị định cần có quy định giấy chứng nhận không chỉ cho condotel, officetel mà cả cho căn hộ dịch vụ (serviced apartment), căn hộ cửa hàng (shophouse). Cơ quan chức năng cần khái quát chung là các công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú trên đất thương mại, dịch vụ để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và tính khái quát cao về phạm vi điều chỉnh của quy phạm pháp luật” - HoREA kiến nghị.

Nên cho người nước ngoài mua condotel?

Ông Nguyễn Hoàng, chuyên gia BĐS, phân tích Nghị định 10/2023 đã tạo cơ sở pháp lý cho loại hình BĐS nghỉ dưỡng như condotel nhưng để thị trường này phát triển hơn thì nên có quy định cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu condotel tại Việt Nam.

Lý do là hiện nay Luật Nhà ở đã cho phép người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam với những điều kiện kèm theo như không được mua quá 30% số lượng căn hộ, nhà ở tại dự án đó và không ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng…

Quay lại với việc condotel nếu được cấp sổ hồng thì quyền sở hữu cũng sẽ có thời hạn theo thời hạn đất thương mại dịch vụ là 30-50 năm. Hơn nữa, condotel chỉ là căn hộ lưu trú, người nước ngoài cũng không được ở mà chỉ có nghỉ dưỡng (thời gian theo hợp đồng), phần lớn thời gian căn condotel sẽ cho khách thuê. Dự án condotel khi triển khai cũng phải xin phép về những vấn đề ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng… Như vậy, nếu cho người nước ngoài mua condotel thì sẽ tăng thu hút đầu tư, thu ngoại tệ mà không ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất, sở hữu tài sản. Giúp tăng đầu ra cho dự án condotel, kéo theo lĩnh vực kinh tế khác như du lịch, dịch vụ, tài chính cũng phát triển.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm