Được, chưa được từ quy định mới cấm điện thoại

Cứ tưởng việc sử dụng điện thoại cho việc học là quá tốt nên mọi người sẽ tán thành nhưng lại đang có người ưng ý, người không.

Các ý kiến phản hồi của bạn đọc cho thấy hiện có đủ dạng phản ứng đối với quy định nêu trên của Thông tư 32. Có không ít người cự nự Bộ GD&ĐT đã xả cảng vô lý dễ dẫn đến mất kiểm soát mặc dù Thông tư 32/2020 vẫn tiếp tục cấm đoán, chỉ cho phép một loại trừ duy nhất nêu trên. Cũng có không ít người chê trách Bộ GD&ĐT như muốn “ép phụ huynh mua smartphone” để học sinh đáp ứng được yêu cầu dạy học của thầy cô…

Bỏ qua những nhầm lẫn (có thể từ cách nói gọn của báo chí là “cho học sinh dùng điện thoại trong lớp”) và nghi vấn không có căn cứ nêu trên thì số lớn không đồng ý không phải vì không hiểu đúng quy định mới mà là vì lo ngại những phát sinh có liên quan.

Hy vọng là nhà trường, phụ huynh và số đông học sinh sẽ luôn có sự hợp tác tích cực và biết cách điều chỉnh để việc sử dụng điện thoại của các em phù hợp và có lợi cho việc học. Ảnh: HG

Mỗi người mỗi ý nhưng tựu trung là: Với việc được dùng điện thoại trong giờ học cho mục đích học tập, các học sinh có thể lạm dụng để học thì ít mà chơi thì nhiều.

Chẳng hạn, có người nói việc cho mở điện thoại trong giờ học sẽ khiến lớp học mất tập trung, làm ảnh hưởng đến việc dạy lẫn học. Người bảo lâu nay ý là cấm tiệt mà các em vẫn mở điện thoại để chơi game, xem phim, tán gẫu…; giờ cho phép dùng thì coi chừng tiếng là để phục vụ việc học nhưng các em sẽ lợi dụng để được chơi nhiều hơn nữa. Người cho là khi sĩ số lớp học đông thì thầy cô khó lòng quản lý xuể, các em có thể táy máy chụp ảnh, quay phim những hình ảnh không mấy đẹp trong lớp rồi cắt xén khỏi bối cảnh để tung lên mạng…

Những ưu tư ấy rất đáng ghi nhận do đến từ những trường hợp không hay đã xảy ra tuy không phổ biến nhưng không ai dám chắc là con em của mình sẽ không bị dính vào. Thế nhưng vẫn cần phải tách bạch các loại vi phạm thì mới có được tiếng nói chung về Thông tư 32/2020 chỉ một tháng nữa là có hiệu lực.

1. Tính hợp lý của sự cho phép có giới hạn

Trong việc phát triển văn hóa đọc, Điều 24 của thông tư trên quy định: Trường trung học tạo điều kiện cho học sinh… tiếp cận và sử dụng thông tin từ thư viện, các nguồn thông tin hữu ích khác để phát triển văn hóa đọc. Trường trung học có trách nhiệm phát triển kỹ năng đọc và kỹ năng tìm kiếm thông tin cho học sinh... Về quyền của học sinh, khoản 1 Điều 35 của thông tư quy định học sinh được sử dụng trang thiết bị, phương tiện phục vụ các hoạt động học tập… của nhà trường theo quy định.

Như vậy, việc cho phép học sinh được sử dụng các tiện ích của công nghệ thông tin thông qua chiếc điện thoại di động “khi đang học tập trên lớp” để “phục vụ cho việc học tập” và được “giáo viên cho phép” (như quy định của khoản 4 Điều 37 của thông tư) là hoàn toàn phù hợp, bảo đảm được sự xuyên suốt, hợp lý giữa các quy định trong thông tư.

Theo đó, đối chiếu với các nguyên tắc luật định, hiệu trưởng, giáo viên, học sinh… các trường trung học có nhiệm vụ thi hành quy định mới của thông tư. Tất nhiên, các phụ huynh cũng sẽ tham gia hỗ trợ để con em của mình thực thi tốt sự cho phép dùng điện thoại có giới hạn ở lớp học.

Giáo viên Trường THPT số 2 Bảo Thắng (Lào Cai) hướng dẫn học sinh tìm tài nguyên học tập trên smartphone. Ảnh: GDTĐ 

2. Cách thức triển khai để tăng lợi, giảm hại

Do thông tư chỉ đưa ra quy định chung nên các trường cần có sự triển khai cụ thể, phù hợp để sự cho phép có giới hạn của Bộ GD&ĐT phát huy được mặt lợi, giảm được mặt hại do cách dùng không đúng của học sinh.

Từ cách làm hiệu quả của một số trường tại TP.HCM, các trường khác có thể ban hành hướng dẫn loại giờ học, thời gian… mà học sinh được dùng điện thoại. Đối với các trường hợp sử dụng sai mục đích, vi phạm nội quy của trường, lớp, thậm chí là vi phạm pháp luật về việc dùng mạng xã hội thì tùy mức độ mà các em được nhắc nhở hay bị áp dụng các hình thức chế tài phù hợp.

Riêng những vùng xa, mạng Internet chưa phát triển hoặc ở nơi mà học sinh chưa có nhiều điện thoại thông minh thì nhà trường, giáo viên sẽ chưa tổ chức các tiết học mà các học sinh cần phải dùng điện thoại để tránh những phiền toái không cần thiết.

Tóm lại, với quy định mới của Thông tư 32/2020, hy vọng là nhà trường, phụ huynh và số đông học sinh sẽ luôn có sự hợp tác tích cực và biết cách điều chỉnh để việc sử dụng điện thoại của các em phù hợp và có lợi cho việc học. Những chuyện chưa được liên quan đến điện thoại, nhất là khi không phải trong giờ học, sẽ được các phụ huynh cùng nhà trường tiếp tục sát cánh định hướng ý thức, hành vi thay vì lo sợ và muốn triệt tiêu hết thảy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm