Được đại diện theo ủy quyền đến đâu?

Ông TVH là nguyên đơn trong một vụ tranh chấp đất tại TAND thị xã Thuận An (Bình Dương). Vì bận rộn nên ông H. ủy quyền cho ông BTL tham gia vụ kiện. Giấy ủy quyền được công chứng ghi rõ ông L. được toàn quyền thay mặt, nhân danh ông H. tham gia tố tụng tại TAND các cấp và các cơ quan có thẩm quyền...

Đã ủy quyền, vẫn phải xuất hiện?

Sau đó, khi ông L. làm giấy mời luật sư thì tòa lại không đồng ý, yêu cầu phải đích thân ông H. mời vì tòa sợ “lỡ ông H. hổng chịu luật sư mà ông L. mời thì sao”. Ông L. trình bày với tòa rằng ông được toàn quyền giải quyết vụ án thì đương nhiên là có luôn quyền mời luật sư. Tòa vẫn không chịu và đưa ra hai hướng giải quyết: Một là ông H. phải đến tòa viết giấy ưng thuận luật sư trước mặt thẩm phán; hai là ông H. và ông L. phải cùng nhau đến xã chứng thực việc ủy quyền mời luật sư.

Thế là ngày 2-5 vừa qua, ông H. phải làm thêm một giấy ưng thuận với nội dung đồng ý chính luật sư mà người đại diện theo ủy quyền của ông đã yêu cầu.

Vụ khác, bà T. là nguyên đơn trong một vụ tranh chấp đất tại TAND huyện Hớn Quản (Bình Phước) và cũng ủy quyền toàn bộ cho ông Đ. thay mặt mình tham gia tố tụng. Khi ông Đ. đến tòa viết bản tự khai thì tòa yêu cầu phải chính bà T. viết. Theo tòa, “đã gọi là tự khai thì đương sự phải tự viết”.

Được đại diện theo ủy quyền đến đâu? ảnh 1

Thế rồi tòa hướng dẫn cho ông Đ. là về bảo bà T. viết bản tự khai rồi mang đến tòa, không cần ngồi viết ngay tại tòa cũng được. Dù vậy, để cho chắc ăn, ông Đ. chở luôn bà T. đến tòa. Tòa nhận bản tự khai và không hỏi gì thêm…

Được ủy quyền tới đâu?

Từ các vụ việc trên, một vấn đề được đặt ra là ở trường hợp các bên ủy quyền toàn bộ thì người đại diện theo ủy quyền có quyền tự quyết mọi việc liên quan đến việc giải quyết án, trong đó có cả chuyện mời luật sư… hay không?

Theo Thẩm phán Lê Hoàng Tấn (TAND TP.HCM), pháp luật dân sự hiện hành chưa có quy định cụ thể về phạm vi ủy quyền. Về nguyên tắc, các bên trong hợp đồng ủy quyền tham gia tố tụng dân sự có quyền thỏa thuận phạm vi ủy quyền với những nội dung khác nhau tùy theo mục đích mà các bên hướng đến. Tòa và các chủ thể khác không được can thiệp nguyên tắc tự do thỏa thuận giữa các bên.

Ở hai vụ án trên, Thẩm phán Tấn nhận xét việc các tòa buộc đương sự phải đích thân làm những việc mà họ đã ủy quyền là chưa hợp lý. Một khi đã được ủy quyền toàn bộ thì người đại diện theo ủy quyền có quyền giải quyết mọi vụ việc theo đúng ý chí của đương sự.

Luật sư Huỳnh Tiến Sỹ (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng đồng tình rằng một khi đương sự đã ủy quyền cho người khác nhân danh mình tham gia tố tụng và toàn quyền quyết định mọi việc thì tòa không thể tách những hành vi nhỏ như mời luật sư, viết bản tự khai… ra để bắt buộc đương sự phải tự làm. Luật sư Sỹ kể trước đây, một tòa quận tại TP.HCM cũng từng bắt buộc đương sự phải tự đứng ra mời luật sư, sau khi ông có ý kiến thì tòa này đã thay đổi quan điểm, cho phép người đại diện được mời luật sư.

Ở một góc nhìn khác, kiểm sát viên Trần Minh Sơn (VKSND TP.HCM) lại cho rằng vì hiện nay chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về phạm vi ủy quyền, mặt khác do tính chất phức tạp của hợp đồng ủy quyền nên trong một số trường hợp, việc tòa chủ động tìm hiểu ý chí của người ủy quyền là cần thiết. Đây là động thái để tòa thực hiện chức năng xét xử, giải quyết vụ án. Hơn nữa, sự thận trọng của tòa cũng nhằm để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người ủy quyền.

Hai dạng ủy quyền trên thực tế

Theo nhiều chuyên gia, hiện nay trong tố tụng dân sự có hai dạng thỏa thuận về ủy quyền giữa các đương sự.

Thứ nhất là các bên thỏa thuận ủy quyền theo dạng liệt kê rõ ràng từng nội dung ủy quyền trong văn bản. Người đại diện theo ủy quyền chỉ được làm những gì mà nội dung ủy quyền cho phép. Chẳng hạn, giấy ủy quyền phải ghi rõ là “ông A được thay mặt tôi kháng cáo bản án sơ thẩm” thì ông A (người đại diện) mới có quyền này.

Thứ hai là các bên thỏa thuận ủy quyền theo dạng bao quát toàn bộ. Căn cứ pháp lý là Điều 73 BLTTDS (về người đại diện) không bắt buộc giấy ủy quyền phải ghi chi ly từng công việc của người đại diện nên chỉ cần ghi có tính bao quát là đủ. Chẳng hạn ghi “ông A được thay mặt tôi tham gia tố tụng” thì ông A đương nhiên có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ xuyên suốt trong mọi giai đoạn tố tụng.

Đúng sai tùy trường hợp

Trong vụ án thứ nhất, tòa phải cho người đại diện theo ủy quyền được mời luật sư. Bởi lẽ khi ông H. ủy quyền cho ông L. tham gia tố tụng và toàn quyền quyết định trong việc giải quyết vụ án thì lúc này, ông L. đã có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ tố tụng như ông H., trong đó có cả quyền nhờ luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ông H.

Còn ở vụ án thứ hai, dù bà T. đã ủy quyền cho ông Đ. tham gia tố tụng nhưng để xác định sự thật khách quan của vụ án thì tòa có quyền yêu cầu bà T. viết bản tự khai. Điều này có nghĩa một khi bà T. đã ủy quyền cho ông Đ. tham gia tố tụng cũng không đồng nghĩa với việc tòa không được triệu tập bà yêu cầu viết bản tự khai, tham gia hòa giải...

ThS NGUYỄN TRƯƠNG TÍN, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM

Ủy quyền dạng nào cũng có cái hay, cái dở

Hiện nay, hai dạng thỏa thuận ủy quyền (liệt kê chi tiết hoặc bao quát) đều hợp pháp bởi về nguyên tắc, các bên có quyền thỏa thuận trong hợp đồng tất cả những gì pháp luật không cấm và không trái đạo đức xã hội. Mỗi dạng thỏa thuận ủy quyền có những đặc điểm riêng. Ví dụ ủy quyền theo dạng bao quát toàn bộ thì tòa có thể không cần hỏi ý kiến của người ủy quyền nhưng người ủy quyền sẽ đối mặt với nguy cơ bị xâm phạm quyền lợi nếu người được ủy quyền “có vấn đề”. Còn ủy quyền theo dạng liệt kê chi tiết thì phạm vi ủy quyền rõ ràng hơn nhưng nhiều trường hợp, người ủy quyền không biết phải liệt kê vấn đề gì. Do đó dù đã ủy quyền, họ vẫn phải tốn thời gian, công sức, tiền bạc để tham gia tố tụng.

Luật sư TRỊNH CÔNG MINH, Đoàn Luật sư TP.HCM

PHƯƠNG LOAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm