Tổng cục Hải quan vừa có công văn hướng dẫn ghi xuất xứ trên hàng hóa xuất khẩu. Cụ thể, doanh nghiệp có thể ghi nhãn theo thỏa thuận với bên nhập khẩu và tự chịu trách nhiệm trong trường hợp có xảy ra tranh chấp hoặc khiếu kiện của phía nước ngoài.
Tuy nhiên, hướng dẫn này cho phép “cơ quan hải quan căn cứ vào thông tin khai trên tờ khai hải quan và thực tế hàng hóa (đối với hàng hóa phải kiểm tra thực tế) để quyết định thông quan”.
Trước đó, báo Pháp luật TP.HCM có phản ánh trường hợp DN sản xuất túi xách, balô, vỏ mặt sau đồng hồ... muốn ghi trên sản phẩm xuất xứ là Trung Quốc, Nhật Bản dù sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam.
Tuy nhiên, việc ghi nhãn theo ý muốn của DN có thể khiến người tiêu dùng hiểu lầm về hàng hóa. Trong khi đó, khá nhiều DN có sản phẩm tương tự đã chọn cách ghi nhiều thông tin hơn và rõ ràng hơn, không gây hiểu nhầm.
Ví dụ: ba lô có nguyên liệu 100% Trung Quốc, sản xuất tại Việt Nam; động cơ đồng hồ Nhật Bản, vỏ máy Việt Nam...
Ngoài ra, việc ghi xuất xứ trên nhãn mác của sản phẩm khác với chuyện ghi xuất xứ hàng hóa trên hồ sơ hải quan và chứng nhận xuất xứ (C/O). Doanh nghiệp có thể ghi nhãn theo thỏa thuận, như Tổng cục Hải quan hướng dẫn trên, nhưng trong hồ sơ hải quan và xin cấp C/O thì phải ghi theo nguyên tắc và quy định về chứng nhận xuất xứ, ưu đãi thuế quan chứ không thể ghi theo thỏa thuận giữa bên xuất – bên nhập được.