Được nới lỏng giãn cách, chủ xe ô tô cần làm gì để tránh trượt kiểm định

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Từ ngày 1-10, TP.HCM chính thức nới lỏng giãn cách sau thời gian dài, theo đó nhiều chủ xe có dự định sẽ đi kiểm định xe từ ngày ngày mai.

Làm gì để không bị trượt kiểm định?

Theo số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, TP.HCM là địa phương có lượng ô tô quá hạn đăng kiểm nhiều nhất cả nước. Cụ thể, sau hơn hai tháng áp dụng các biện pháp giãn cách, hạn chế đi lại, lượng ô tô quá hạn kiểm định 1-3 tháng tại TP.HCM đã lên đến hơn 30.000 chiếc. Trong số này có ô tô con, ô tô chở khách kinh doanh dịch vụ vận tải, xe tải và xe chuyên dụng.

Dự kiến từ ngày mai, lượng ô tô đi kiểm định tại TP.HCM tăng cao. Ảnh: TN

Dự kiến từ ngày mai khi được nới lỏng giãn cách, số lượng ô tô này sẽ ùn ùn đi kiểm định. Nhiều chủ xe lo lắng, sau thời gian dài xe không hoạt động sẽ dẫn đến hư hỏng một số bộ phận dẫn đến trượt kiểm định.

Anh Ngô Văn Tùng (Quận 3, TP.HCM) chia sẻ: “Xe tôi đã hết kiểm định hơn 1 tháng rồi, trước khi cho nằm bãi tôi cũng không kịp bảo dưỡng xe nên không biết ngày mai đi kiểm định thì có bị trượt hạng mục nào không”.

Tương tự như vậy, một số chủ xe có đời xe từ năm 2000 cũng lo lắng trượt kiểm định ở các hạng mục như phanh, đèn xe và đặc biệt là khí thải.

Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cho biết, hiện nay ô tô đã được sản xuất với trình độ tiên tiến hơn nên việc để xe nằm im một chỗ không ảnh hưởng gì đến các bộ phận của xe.

"Sau thời gian dài không hoạt động, xe có thể bị giảm áp suất lốp, bình ắc quy. Trường hợp xe nằm ngoài trời, phơi sương phơi nắng thì cũng không bị ảnh hưởng nhiều”- ông Đồng cho hay.

Trao đổi với PLO, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng khuyến cáo các chủ xe để xe luôn ở trạng thái hoạt động tốt, đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường thì các lái xe, chủ xe cần quan tâm đến công tác bảo dưỡng định kỳ, kiểm tra thường xuyên phương tiện trước trong và sau mỗi chuyến đi, đặc biệt cần tuân thủ quy định, khuyến cáo về bảo dưỡng, hướng dẫn sử dụng phương tiện từ nhà sản xuất.

Chủ xe có thể bảo dưỡng ô tô trước khi đi kiểm định. Ảnh: TN

“Lái xe, chủ xe có thể tra cứu thông tin phạt nguội trước trên Cổng thông tin điện tử của Cục CSGT và của Cục Đăng kiểm Việt Nam trước khi đi kiểm định”- vị đại diện nói.

Nhiều quy định mới từ 1-10

Vừa qua, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 16/2021 thay thế cho thông tư 70/2015 về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Theo đó, Thông tư này có nhiều điểm mới mà chủ xe, lái xe cần lưu ý.

Cụ thể, từ ngày 1-10, chủ xe có trách nhiệm khai báo về việc kinh doanh vận tải (KDVT) vào phiếu theo dõi hồ sơ theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 16/2021.

Cũng từ ngày mai, chủ xe cơ giới khi làm thủ tục kiểm định phương tiện (kể cả lần đầu và định kỳ) tại các trung tâm đăng kiểm không còn phải xuất trình giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của phương tiện. Theo đó, chủ xe cơ giới khi làm thủ tục đăng kiểm lần đầu phải nộp các loại giấy tờ, gồm: Giấy đăng ký xe (bản chính Giấy đăng ký xe do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc giấy biên nhận giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đang thế chấp của tổ chức tín dụng) hoặc giấy hẹn cấp giấy đăng ký.

Cũng từ 1-10, nhiều quy định mới về kiểm định xe có hiệu lực. Ảnh: TN

Trường hợp chủ xe cơ giới khi làm thủ tục đăng kiểm định kỳ, theo quy định mới tại Thông tư 16/2021, chỉ cần cung cấp Giấy đăng ký xe (bản chính giấy đăng ký xe do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc giấy biên nhận giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đang thế chấp của tổ chức tín dụng) hoặc giấy hẹn cấp giấy đăng ký xe. Riêng với trường hợp xe mới cải tạo, chủ xe cơ giới phải nộp kèm bản chính giấy chứng nhận kiểm định cải tạo xe.

Đáng chú ý, Thông tư 16 quy định ô tô chở người các loại đến 9 chỗ có KDVT có thời hạn sản xuất đến 5 năm, chu kỳ kiểm định lần đầu sẽ là 24 tháng, tăng 6 tháng so với quy định hiện nay. Các chu kỳ kiểm định tiếp theo có thời hạn 12 tháng/lần (tăng 6 tháng). Tuy nhiên, sau thời hạn 5 năm và đối với xe đã sản xuất trên 5 năm, chu kỳ đăng kiểm định kỳ là 6 tháng/lần như hiện nay.

Chu kỳ đầu chỉ áp dụng đối với xe cơ giới chưa qua sử dụng kiểm định lần đầu trong thời gian 2 năm, tính từ năm sản xuất. Đối với những các loại xe ô tô dưới 9 chỗ có cải tạo, thời gian đăng kiểm vẫn được giữ nguyên là 12 và 6 tháng như hiện nay.

Cùng với quy định về tăng thời hạn đăng kiểm, Thông tư này cũng bổ sung quy định về mẫu tem kiểm định mới để phân biệt giữa ô tô có KDVT và ô tô không KDVT. Cụ thể, từ ngày 1.10 tới, xe ô tô các loại đến 9 chỗ có KDVT sẽ dán mẫu tem kiểm định có màu vàng cam.

Làm gì để không phải chờ đợi tới lượt kiểm định?

Trao đổi với PLO, ông Trần Văn Chủ, Giám đốc Chi nhánh TTĐK 5003V (TP Thủ Đức, TP.HCM), sau thời điểm giãn cách, khả năng lượng xe đến kiểm định tăng cao nhưng khó xảy ra tình trạng ùn ứ bởi hiện nay các địa phương có khá nhiều Trung tâm đăng kiểm, riêng TP.HCM có gần 20 trạm. Một ngày các trạm có thể kiểm định được tối đa 200 xe.

Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng cho biết đã lên phương án đảm bảo số lượng người dân kiểm định xe nhiều sau thời gian giãn cách. Trong đó, nhiều đơn vị đăng kiểm đã áp dụng dịch vụ đăng ký kiểm định qua điện thoại, qua website; gọi điện, nhắn tin thông báo hạn kiểm định đến lái xe, chủ xe từ nhiều năm nay. Do đó, các chủ xe, lái xe có thể liên hệ trước khi đi kiểm định. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm