Ðược nộp phạt giao thông qua bưu điện

“Bưu điện TP.HCM đã có các buổi làm việc với thanh tra giao thông (TTGT, thuộc Sở GTVT TP) bàn về quy trình thực hiện dịch vụ nộp phạt và trả kết quả hồ sơ vi phạm giao thông đối với các lỗi do TTGT lập biên bản vi phạm”. Bà Nguyễn Thị Thu Vân, Phó Giám đốc Bưu điện TP.HCM, cho biết như trên.

Dịch vụ đóng tiền phạt thay

Ông Nguyễn Ngọc Kim, Trưởng phòng Kinh doanh Bưu điện TP, cho biết thêm đơn vị đã đề nghị quy trình để người vi phạm giao thông (do TTGT lập biên bản vi phạm) đóng phạt qua bưu điện. Nhân viên các điểm giao dịch bưu điện cũng đã được hướng dẫn về thủ tục, quy trình thực hiện việc tiếp nhận, đóng phạt thay người vi phạm và nhận giấy tờ liên quan để trả tận tay người dân.

Theo ông Kim, đây là một trong các hoạt động dịch vụ hành chính công nhằm góp phần giảm bớt thời gian đi lại cho người dân. “Chúng tôi đã đề nghị bưu điện sẽ nộp phạt vi phạm giao thông thay ở các lỗi do TTGT lập như chở hàng quá tải; dừng, đậu không đúng nơi quy định…” - ông Kim nói.

Theo Bưu điện TP, khi người vi phạm giao thông có nhu cầu cung cấp dịch vụ nói trên, dựa vào nội dung ghi trên biên bản vi phạm, Bưu điện TP sẽ liên hệ với TTGT để lấy thông tin liên quan đến các khâu xử lý vi phạm sau đó. Khi có quyết định xử phạt ban hành, bưu điện sẽ nộp biên bản vi phạm để nhận bản chính quyết định xử phạt và liên hệ với Kho bạc Nhà nước được chỉ định để đóng phạt.

Sau đó bưu điện sẽ nộp biên lai đóng phạt cho TTGT để nhận các giấy tờ của người vi phạm đã bị tạm giữ rồi chuyển phát toàn bộ các loại giấy tờ trên cùng bản chính quyết định xử phạt, biên lai đóng phạt đến tận tay người dân.

Ông Vũ Việt Hà, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT, cũng xác nhận đã có các buổi làm việc với phía bưu điện về việc cho phép người vi phạm giao thông nộp phạt qua bưu điện. “Chúng tôi ủng hộ thực hiện dịch vụ này nhằm tạo thuận lợi cho người dân nhưng phải chờ hướng dẫn cụ thể để thực hiện” - ông Hà nói thêm.

Bà Rịa-Vũng Tàu đã giải quyết cho hơn 4.000 người vi phạm giao thông đóng phạt qua  ngân hàng. Trong ảnh: CSGT BR-VT xử lý một trường hợp vi phạm giao thông. Ảnh: KHÁNH LY

Nhân viên bưu điện túc trực tại PC67 BR-VT để tiếp nhận đề nghị đóng phạt qua bưu điện. Ảnh: KHÁNH LY

Ngày càng nhiều người lựa chọn

Đến thời điểm này, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) là địa phương duy nhất trên cả nước giải quyết cho người vi phạm giao thông (các lỗi nhẹ, đơn giản) được đóng phạt qua ngân hàng.

Theo Phòng CSGT tỉnh BR-VT (PC67), CSGT tỉnh đã áp dụng hình thức nộp phạt qua ngân hàng và chuyển trả giấy tờ bị tạm giữ qua bưu điện từ năm 2014. Khi triển khai hình thức này, PC67 cũng gặp vướng mắc về pháp lý. Cụ thể, Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt.

Tuy vậy, khi PC67 chủ động đề nghị tạo điều kiện cho người dân đóng phạt qua tài khoản ngân hàng mà không cần tới PC67 nhận quyết định mang ra kho bạc đóng phạt thì Kho bạc Nhà nước tỉnh ủy nhiệm cho Ngân hàng Agribank BR-VT thực hiện...

Đại tá Ninh cho biết luật cho phép đóng phạt qua tài khoản nhưng theo thông tư quy định về quy trình công tác xử lý vi phạm hành chính thì người vi phạm phải trực tiếp ký nhận quyết định xử phạt, nộp phạt sau đó mới đi đóng phạt. Khi nhận lại các loại giấy tờ mà CSGT tạm giữ, họ cũng phải ký nhận trực tiếp. Nếu đóng phạt qua tài khoản, người dân không trực tiếp đến cơ quan công an ký vào các quyết định thì rất dễ phát sinh khiếu nại.

“Nhưng để tạo thuận lợi cho người dân, nhất là những người dân ở các địa phương khác vi phạm giao thông tại tỉnh BR-VT, chúng tôi đề xuất và thí điểm áp dụng. Trước các tiện ích này, người dân lựa chọn sử dụng dịch vụ ngày một nhiều. Tính từ năm 2014 đến tháng 1-2016 đã có hơn 4.000 người vi phạm chọn hình thức đóng phạt như trên” - Đại tá Ninh thông tin thêm.

Được biết mới đây C67 kiểm tra và đánh giá cao cách làm của tỉnh BR-VT. Đại diện C67 cũng cho biết sẽ nghiên cứu, khắc phục những hạn chế để có thể sớm triển khai áp dụng hình thức đóng phạt này trên cả nước.

Chính phủ cho phép đóng phạt qua bưu điện

Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ vào cuối tháng 1-2016, Chính phủ đã giao cho Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost) cung cấp dịch vụ thu, nộp tiền phạt và chuyển phát giấy tờ cho người vi phạm giao thông.

Ngày 4-2, Chính phủ ban hành Nghị quyết 10/2016 cho phép VietnamPost được thu, nộp tiền phạt vi phạm giao thông đường bộ. Các bộ TT&TT, Công an, Tài chính, GTVT, Tư pháp, UBND các tỉnh, thành… hỗ trợ, hướng dẫn VietnamPost tổ chức thực hiện. Ngoài ra Bộ Tư pháp được giao chủ trì nghiên cứu, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 81/2013 (quy định chi tiết Luật Xử lý vi phạm hành chính) để VietnamPost có căn cứ thực hiện.

Tại buổi giao ban của Bộ TT&TT vào ngày 1-2-2016, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết lâu nay Kho bạc Nhà nước thu tiền phạt vi phạm giao thông nhưng hệ thống này chỉ có đến cấp huyện và chỉ làm việc trong giờ hành chính. Vì vậy việc người dân đi lại nộp phạt và nhận lại giấy tờ rất khó khăn.

Ví dụ, một người ở Hà Nội vi phạm giao thông ở Bắc Giang hay Lạng Sơn nhưng rơi vào ngày nghỉ thì phải quay về Hà Nội rồi sau đó trở lại để nộp phạt, lấy giấy tờ. Như vậy người dân phải đi lại nhiều lần, gia tăng thêm áp lực giao thông trên đường.

Vì vậy các bộ GTVT, Công an và Tài chính đã kiến nghị giao VietnamPost thu, nộp tiền phạt và chuyển trả giấy tờ cho người vi phạm qua qua mạng lưới bưu điện trên cả nước.

Ngoài ra VietnamPost được đánh giá cao trong việc tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua mạng bưu chính và thực hiện tốt chuyển phát CMND, hộ chiếu… góp phần tiết kiệm chi phí của người dân, giảm áp lực tiếp công dân của các cơ quan liên quan. Từ các kết quả trên, Văn phòng Chính phủ cũng kiến nghị giao bưu điện thu tiền phạt vi phạm giao thông.

Mức phí 50.000-80.000 đồng/hồ sơ

Bưu điện TP đã triển khai các dịch vụ hành chính công chuyển phát tại nhà phục vụ người dân gồm CMND, hộ chiếu, hồ sơ lý lịch tư pháp, giấy đăng ký xe, kết quả xét nghiệm, giấy phép đăng ký kinh doanh…

Đến nay có hơn 700.000 bộ hồ sơ được Bưu điện TP xử lý, riêng năm 2015 có trên 500.000 bộ hồ sơ được phát trả.

Khi người dân làm các thủ tục tại các điểm giao dịch, nhân viên bưu điện sẽ cung cấp phiếu đăng ký dịch vụ (xem như hợp đồng dân sự), đóng các khoản tiền phạt và phí dịch vụ chuyển phát. Sau đó nhân viên bưu điện sẽ đi đóng phạt thay và liên hệ với các quan chức năng nhận lại các giấy tờ liên quan để giao trả tại địa chỉ theo yêu cầu.

Chi phí dịch vụ đối với các địa điểm trả các quận, huyện tại TP.HCM là 50.000 đồng/bộ hồ sơ, đi các tỉnh là 80.000 đồng/bộ hồ sơ. Ông Kim khẳng định trong trường hợp rủi ro hồ sơ bị thất lạc không đến tay người nhận, bưu điện cam kết sẽ bồi thường thiệt hại và có trách nhiệm liên hệ các cơ quan chức năng để làm lại các giấy tờ liên quan.

Theo bà Trần Thị Kim Nguyên, nhân viên Bưu điện Bà Rịa, tỉnh BR-VT, hằng ngày bà ngồi tại Phòng CSGT tỉnh BR-VT để nhận điện thoại người dân gọi tới khi chọn hình thức đóng phạt qua ngân hàng, nhận giấy tờ từ bưu điện. Trung bình một ngày bà nhận khoảng 40 cuộc điện thoại, song chưa gặp trường hợp nào to tiếng, cáu gắt. Người dân đều hài lòng với dịch vụ và chưa có trường hợp nào bị thất lạc giấy tờ.

Năm 2015, CSGT cả nước xử phạt 4,2 triệu vụ vi phạm giao thông đường bộ với số tiền phạt lên đến 2.800 tỉ đồng. Số vụ vi phạm, số tiền phạt trong các năm 2014, 2013 lần lượt là 4,5 triệu vụ, thu 2.800 tỉ đồng tiền phạt và 5,5 triệu vụ vi phạm, thu 2.900 tỉ đồng tiền phạt.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son, số lượng người vi phạm và số tiền phạt hằng năm rất lớn. Vì vậy việc thu phạt và trả giấy tờ cho người vi phạm qua bưu điện sẽ tạo thuận lợi cho người dân, giảm áp lực tăng lưu lượng giao thông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới