Được quyền kiện nhờ sửa luật

Năm 1998, ông TVA có vay 100 triệu đồng của ông NVL để bổ sung vốn kinh doanh mua bán. Khi vay tiền, ông A. có lập biên nhận và hẹn trong thời hạn ba năm sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền trên cùng với mức lãi suất 3%/tháng cho ông L.

Có quyền kiện nhờ luật thay đổi

Đến năm 2008, ông L. khởi kiện tranh chấp hợp đồng vay tài sản yêu cầu ông A. phải trả số tiền đã vay và lãi suất phát sinh theo quy định kể từ ngày vay đến ngày tòa giải quyết xong vụ kiện. Tuy nhiên, tòa án huyện đã ra thông báo trả lại đơn khởi kiện cho ông L. vì tranh chấp trên theo luật hiện hành (thời điểm khởi kiện) đã hết thời hiệu khởi kiện.

Sau khi BLTTDS sửa đổi, bổ sung có hiệu lực, biết được luật mới có thay đổi về thời hiệu khởi kiện nên vào đầu năm 2013 ông L. đã khởi kiện tranh chấp đòi tài sản để yêu cầu ông A. phải trả 100 triệu đồng. Vụ kiện đã được tòa án thụ lý giải quyết theo quy định hiện hành.

Trong quá trình giải quyết, ông A. thừa nhận vào năm 1998 có vay của ông L. 100 triệu đồng và thỏa thuận lãi suất, thời hạn trả theo đúng lời ông L. đã trình bày. Tuy nhiên, vào năm 2005, ông A. đã trả toàn bộ số tiền vốn và lãi cho ông L. nhưng việc trả nợ không có lập biên nhận. Đồng thời, ông A. cũng không có lấy lại biên nhận vay tiền vì lúc đó ông L. cho rằng đã thất lạc biên nhận vay tiền. Mặt khác, ông A. nghĩ rằng do luật hiện hành tại thời điểm trả nợ thì tranh chấp hợp đồng vay giữa hai bên đã hết thời hiệu khởi kiện, ông L. không thể khởi kiện đòi tiền mình được nên không yêu cầu ông L. lập biên nhận về việc trả nợ.

Phía ông L. thì luôn khẳng định ông A. chưa trả nợ cho ông nên căn cứ vào quy định hiện hành ông đề nghị tòa xử chấp nhận yêu cầu của ông.

Sau khi xem xét các tài liệu chứng cứ kèm theo, HĐXX sơ thẩm đã xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu của ông L. với nhận định: Việc vay tiền giữa ông A. và ông L. là có thật và được hai bên thừa nhận. Tuy nhiên, việc ông A. khai nại rằng đã trả tiền cho ông L. là không có cơ sở vì không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh.

Luật sửa đổi theo hướng có lợi cho đương sự

Ở vụ án trên, có thể thấy ban đầu khi áp dụng BLTTDS năm 2004 (khi BLTTDS sửa đổi, bổ sung chưa ra đời) thì thời hiệu khởi kiện đã hết. Nhưng theo BLTTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011 thì thời hiệu khởi kiện vụ này vẫn còn, khác chăng là tòa chỉ xem xét yêu cầu trả lại tài sản gốc chứ không xem xét tiền lãi.

Cụ thể hơn, Nghị quyết số 03 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (ban hành ngày 3-12-2012, có hiệu lực ngày 1-7-2013) có hướng dẫn bằng một ví dụ tương tự như vụ án nói trên.

Ví dụ: Tháng 1-2008, ông A. cho ông B. vay 500 triệu đồng, thời hạn vay là một năm. Đến hạn, ông B. không trả nợ. Tháng 4-2011, ông A. khởi kiện yêu cầu tòa buộc ông B. trả lại cả khoản tiền gốc lẫn tiền lãi.

Nếu như trước kia, đơn khởi kiện của ông A. sẽ bị tòa từ chối thụ lý vì đã hết thời hiệu khởi kiện thì nay theo hướng dẫn mới, tòa sẽ chỉ từ chối thụ lý giải quyết yêu cầu đòi khoản tiền lãi của ông A. Riêng với yêu cầu đòi khoản tiền gốc (tranh chấp đòi lại tài sản) của ông A thì tòa vẫn thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung.

Như vậy, việc sửa đổi quy định về thời hiệu đã tạo điều kiện để đương sự kiện ra tòa nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Đây là bước tiến bộ rất đáng ghi nhận trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật về tố tụng nói chung và tố tụng dân sự nói riêng.

MINH KHÁNH

 

Thời hiệu khởi kiện

Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp pháp luật không có quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự thì thực hiện như sau:

a) Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện;

b) Tranh chấp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thì thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là hai năm kể từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

(Trích Điều 159 BLTTDS đã sửa đổi, bổ sung)

Bỏ thời hiệu khởi kiện?

Một trong những nội dung gây rất nhiều tranh luận tại phiên họp thứ ba mới đây của ban soạn thảo BLDS sửa đổi là có nên quy định thời hiệu khởi kiện hay không. BLDS hiện hành quy định về thời hiệu khởi kiện, theo đó nếu các bên đương sự không khởi kiện hoặc yêu cầu tòa trong thời hạn luật định thì mất quyền được tòa giải quyết theo quy định của pháp luật.

Theo tổ biên tập dự thảo BLDS sửa đổi, quy định trên không đảm bảo công bằng, là căn cứ để tòa từ chối giải quyết vụ việc dân sự. Mặt khác, BLDS hiện hành quy định thời hiệu khởi kiện được tính bắt đầu từ lúc quan hệ được xác lập là không phù hợp với thực tiễn, không bảo vệ được quyền, lợi ích của bên có thiện chí, ngay tình trong quan hệ dân sự.

Để khắc phục hạn chế này, ông Dương Đăng Huệ (Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế Bộ Tư pháp) nói dự thảo dự kiến quy định hai loại thời hiệu là thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự và thời hiệu hưởng quyền dân sự. Theo ông Huệ, “thời hiệu khởi kiện sẽ không quy định lại trong BLDS sửa đổi. Khi người dân khởi kiện vụ việc dân sự thì không phụ thuộc vào thời hiệu khởi kiện. Tòa phải thụ lý, giải quyết trên cơ sở thời hiệu hưởng quyền dân sự và thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự”…

Tuy nhiên, đề xuất này vẫn chưa ngã ngũ vì còn có nhiều ý kiến bàn cãi khác nhau.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm