Dưới biển, trên bờ khổ vì titan

Trên các số báo trước, chúng tôi đã phản ánh chuyện khai thác titan vô tội vạ, xuất khẩu lậu quặng thô làm phá vỡ quy hoạch, ô nhiễm môi trường ở Bình Định.

Tại Bình Thuận, tình trạng cũng tương tự, không chỉ người dân mà ngay cả chính quyền cũng đau đầu về chuyện đào xới tài nguyên làm ảnh hưởng môi trường, đảo lộn các dự án, cuộc sống của người dân ở tỉnh này…

Hiện tỉnh Bình Thuận có bảy khu vực khai thác titan kéo dài từ các xã thuộc huyện Bắc Bình đến các huyện ven biển Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và thị xã La Gi trên diện tích gần 1.200 ha do Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh cấp phép khai thác.

Các doanh nghiệp đua nhau khai thác titan vì đây là địa phương có trữ lượng lớn.

San hô đổ gãy, đất nhiễm mặn…

Một trong những “điểm nóng” khai thác titan hiện nay ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động du lịch ở vùng biển Phan Thiết là khu vực Thiện Ái, Bắc Bình.

Từ năm 2007, tỉnh Bình Thuận cho phép Công ty Cổ phần Đường Lâm khai thác titan trên diện tích 136 ha tại Thiện Ái và khu vực dự án sân golf South Fork. Công ty này cũng được cấp phép theo thời vụ tận thu titan trên biển. Sau ba năm, tuy chỉ mới khai thác khoảng 1/6 diện tích được cấp nhưng việc khai thác này đã kịp đẩy môi trường biển và cả đất liền quanh khu vực vào tình trạng bị xâm hại.

Hầu hết các đơn vị khai thác titan đều dùng nước biển tuyển quặng và xả nước lẫn cát thải ra biển. Ảnh: PN

Ngay khi bắt tay vào khai thác, công ty này đã cho hút nước biển lên đất liền để tuyển quặng. Nước, cát thải được xả thẳng ra biển đỏ quạch như màu cua luộc. Hậu quả là hàng loạt cây ăn quả, giếng nước của hàng chục hộ dân nằm gần khu vực khai thác bị nhiễm mặn: cây cối ở đây bắt đầu héo lá rồi chết, còn giếng nước ngọt bao đời nay trở nên mặn chát, mang nước giếng đi tưới rau thì rau cháy héo như bị tưới nước sôi… Công ty phải bồi thường cây trái, hoa màu bị thiệt hại và cấp tiền cho bà con mua nước tinh khiết để uống và đã làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của người dân…

Trên bờ là thế, môi trường dưới biển cũng ảnh hưởng nghiêm trọng vì việc khai thác titan. Theo các ngư dân, hòn Nghề (một cù lao nhỏ rộng 1,2 ha, cao 15 m so với mực nước biển, nằm cách đất liền vài trăm mét) đang có nguy cơ biến thành cù lao chết. San hô nằm quanh hòn Nghề gục chết, gãy đổ hàng loạt. Các loài hải sản, thủy sinh không còn chọn nơi đây làm nơi trú ngụ mà “di tản” đi tìm vùng biển trong lành để sinh sống.

Chưa hết, việc khai thác titan còn làm các doanh nghiệp đầu tư du lịch kêu trời vì nước thải từ hoạt động khai thác titan chỉ luẩn quẩn gần bờ làm bờ biển ô nhiễm, du khách bỏ đi…

Lòng đất bị bức tử, bão cát vùi đường

Theo quy định, khai thác titan không được khoan sâu quá 11 m. Tuy nhiên, càng xuống sâu trữ lượng titan càng lớn nên hầu hết đơn vị khai thác đều vi phạm.

Theo tỉnh Bình Thuận, từ 2008 đến tháng 5-2010, qua kiểm tra, các ngành chức năng đã lập biên bản 19 trường hợp, xử phạt 239 triệu đồng mà phần lớn là vi phạm độ sâu. Riêng việc sử dụng nước biển để tuyển quặng và xả cát thải ra biển ảnh hưởng môi trường, UBND tỉnh đã tạm đình chỉ hoạt động một số đơn vị và sẽ đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép nếu như không khắc phục những vi phạm. Tuy nhiên, từ năm 2005 đến nay vẫn chưa có một đơn vị nào bị thu hồi giấy phép mặc dù việc vi phạm của họ được đánh giá là nghiêm trọng.

Việc khai thác titan mang lại lợi nhuận lớn nên các doanh nghiệp không ngại vi phạm khi khai thác. Ngày 5-7, một cơn “bão cát” khủng khiếp mang theo hàng trăm ngàn m3 cát đỏ tràn lấp cả một đoạn đường nhựa Mũi Né-Hòa Thắng dài gần 1,5 km, nơi dày nhất mà cát phủ lên mặt đường được xác định đến 1,5 m mà nguyên nhân là do Công ty Cổ phần Dương Anh khai thác titan ở độ cao 25 m so với mặt đường của con lộ nằm sát biển. Công ty đã đắp một hồ chứa khổng lồ để chứa nước khai thác titan nhưng bờ bao hồ nước đắp bằng cát nên rò rỉ. Với khối nước khổng lồ trên đầu người đi đường như thế nhưng không có cơ quan chức năng nào phát hiện cho đến khi xảy ra sự cố…

Ông Hồ Dũng Nhật, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, trong buổi họp báo ngày 8-7 đã hỏi: Sao lại có chuyện cấp phép khai thác titan bám mặt đường, bám biển để gây ô nhiễm và đào xới gây hư hỏng những con đường bạc tỉ mà ngân sách nhà nước đã bỏ ra làm?

Sẽ tìm hướng ra…

Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, hầu hết ở Bình Thuận chỗ nào cũng có titan và việc thăm dò, khai thác sẽ phá vỡ hoàn toàn quy hoạch của tỉnh. Bởi đến thời điểm tháng 7-2010 có đến gần 80 dự án du lịch, dân sinh… với diện tích hơn 25.000 ha bị chồng lấn trong ranh giới đề án khai thác; 63 dự án khác trên diện tích hơn 3.700 ha nằm ngoài ranh giới của đề án nhưng lại nằm trong khu vực đề nghị thăm dò titan…

Trước nguy cơ quy hoạch của tỉnh bị phá vỡ vì việc cấp phép thăm dò, khai thác titan, từ năm 2009 đến nay, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận đã liên tục gửi nhiều công văn đến Bộ Chính trị, Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan cầu cứu, đề nghị có giải pháp cho tỉnh vì nếu cấp phép khai thác đồng loạt, ngoài việc quy hoạch bị phá vỡ, dự án bị chồng lấn, nhà đầu tư quay lưng mà ngành du lịch mũi nhọn của địa phương cũng sẽ bị ảnh hưởng vì ô nhiễm môi trường.

Ông Dũng cũng cho hay tháng 10 tới, Cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam sẽ công bố bản đồ chi tiết sa khoáng titan-zicon trong tầng cát đỏ trên địa bàn Bình Thuận. Tỉnh đã có kiến nghị về việc phân vùng khai thác và quy hoạch những địa điểm giàu titan để dự trữ cho quốc gia trong khoảng 50-100 năm. Trên vùng dự trữ quốc gia không được xây dựng các công trình kiên cố. Tỉnh cũng sẽ báo cáo để Thủ tướng quyết định việc khai thác titan hay xây dựng khu đô thị mới Long Sơn-Suối Nước (Phan Thiết)…

Phải cân nhắc để có quyết sách

“Bình Thuận là tỉnh có một lợi thế rất lớn là du lịch. Hằng năm có hàng ngàn du khách trong nước và quốc tế đến với Bình Thuận. Có thể nói du lịch của Bình Thuận đang thu hút du khách nhiều hơn so với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tuy nhiên, tỉnh Bình Thuận đang bị ảnh hưởng môi trường do khai thác cát đen (titan) ở dọc bờ biển nên phải cân nhắc kỹ để có quyết sách phù hợp.”

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát biểu trong chuyến thăm và làm việc tại Bình Thuận ngày 8 và 9-7

PHƯƠNG NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới