Cú bắn quyết định ghi 10,7 điểm giúp tay súng Việt Nam đoạt huy chương vàng (HCV) Olympic khiến nhiều người không tin vào mắt mình. Có người đã rơi nước mắt khi lần đầu được nghe bài Tiến quân ca trong lễ trao HCV thế vận hội Rio 2016.
Nín thở, bóp cò ra vàng 10
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh từng nhiều lần bước lên đỉnh vinh quang ở cự ly 10 m súng ngắn hơi nam. Tuy nhiên, ở đấu trường khắc nghiệt như Olympic, đây là lần đầu tiên tay súng số một Việt Nam thực hiện được điều tưởng chừng như không thể đấy.
Bốn năm trước, tại Olympic London 2012, Hoàng Xuân Vinh đã khiến mọi kỳ vọng trở nên bẽ bàng. Phát đạn cuối lệch tâm đã khiến anh vuột mất chiếc HCĐ đầy tiếc nuối.
Bốn năm sau, tại trường bắn Olympic Rio 2016, người hâm mộ bắt gặp một Hoàng Xuân Vinh khác hẳn. Ở loạt đấu chung kết 10 m súng ngắn hơi nam, Vinh xuất sắc loại nhà vô địch Olympic 2008 Pang Wei, liên tục dẫn đầu trước đương kim số một thế giới Felipe Almeida Wu (Brazil). Thế nhưng trước loạt đạn cuối, một lần nữa Vinh khiến người hâm mộ thót tim khi để Almeida Wu vọt lên dẫn 0,2 điểm.
Ngay thời điểm ấy, ký ức buồn Olympic 2012 thoáng ùa về trong tâm trí người hâm mộ. Vinh ngắm bắn thật lâu. Thời gian như tra tấn đối thủ, tra tấn cả hàng triệu triệu người ngồi xem trực tiếp qua màn hình. Sự hồi hộp vì thế thêm căng tràn, ngột ngạt khi Vinh lạnh lùng ngắm thật lâu rồi nín thở bóp cò...
Sau tiếng súng nổ, tất cả như vỡ òa khi bảng điểm hiện con số 10,7 điểm. Số điểm đủ để Hoàng Xuân Vinh vượt qua Almeidu Wu 0,4 điểm, chính thức đoạt chức vô địch đồng thời phá kỷ lục Olympic.
HLV Nguyễn Thị Nhung, người từng nhiều năm theo Vinh chinh chiến khắp các đấu trường, sau đó thú nhận không dám nhìn học trò bắn phát đạn cuối đấy. Chị chia sẻ: “Cho đến khi mọi người nhảy tung lên ăn mừng, tôi vẫn chưa tin Vinh đoạt HCV”.
Ba ngày sau chiếc HCV làm thay đổi lịch sử thể thao Việt Nam, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành tiếp chiếc HCB Olympic 50 m súng ngắn nam với số điểm 191,3, xếp sau nhà vô địch Jin Jong-oh (Hàn Quốc, 193,7 điểm).
Thế giới kinh ngạc với bia giấy thô sơ
Hầu hết các đối thủ đều trố mắt ngạc nhiên khi biết tin Hoàng Xuân Vinh tập luyện trong điều kiện trang thiết bị lạc hậu nhưng vẫn đoạt chức vô địch Olympic. Những điều quá đỗi bình thường như bắn bia giấy, thiếu đạn để tập luyện, trường bắn Nhổn (Hà Nội) thiếu thiết bị đạt quy chuẩn quốc tế… bất ngờ trở thành những yếu tố khiến Liên đoàn Bắn súng Đông Nam Á lập tức tổ chức giải vô địch khu vực tại Việt Nam. Nhờ giải đấu này, xạ thủ các nước có cơ hội hiểu thêm về giá trị của chiếc HCV Olympic do tay súng Việt Nam đạt được.
Quả thật, khi tận mắt chứng kiến rồi bắn thử nghiệm với bia giấy thô sơ tại Việt Nam, nhiều xạ thủ quốc tế đã ngả mũ thán phục. Họ không thể tin nổi một trường bắn thô sơ, lạc hậu như vậy lại có thể sản sinh ra một nhà vô địch thế giới.
Sau chiến công của Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Rio, bắn súng Việt Nam kỳ vọng Chính phủ sẽ đầu tư lại trường bắn Nhổn để giúp các xạ thủ hội nhập nhanh với thế giới. Tuy nhiên, dự án cải tạo trường bắn với kinh phí khoảng 200 tỉ đồng đang gặp ách tắc do chưa tìm ra ngân sách. Theo dự kiến, nếu Việt Nam đăng cai SEA Games 31 - 2021, trường bắn mới có thể được đưa vào danh sách các hạng mục được cải tạo hoặc xây mới.
Quỹ từ thiện “Vinh quang và sự biết ơn”
Với thành tích đoạt 1 HCV, 1 HCB Olympic, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh trở thành VĐV Việt Nam được nhận tiền thưởng cao nhất mọi thời đại, hơn 5 tỉ đồng. Thế nhưng Vinh không chi tiêu riêng toàn bộ số tiền đó cho cá nhân mình. Anh cùng với HLV Nguyễn Thị Nhung thành lập quỹ từ thiện “Vinh quang và sự biết ơn” với khẩu hiệu “Một tấm lòng gọi triệu tấm lòng” để tiếp sức các trẻ em nghèo hiếu học, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn khắp mọi miền đất nước.
Với tấm lòng hảo tâm của mình, Vinh tự bỏ tiền túi 10.000 USD (hơn 220 triệu đồng), cùng các thành viên khác đóng góp vào quỹ. Hằng tháng, Vinh cùng các thành viên của quỹ đến thăm và tặng quà cho các bệnh nhi, học sinh nghèo hiếu học, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh Quảng Trị, Bình Định, Hải Phòng, Hà Nội…
Đặc biệt, chương trình “Nồi cháo nhân ái” còn được xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tổ chức và duy trì trong vòng một năm, như một nghĩa cử để tri ân quê hương Quảng Trị.