Đường hầm sông Sài Gòn sau 10 năm: An toàn khi thử tải trọng

(PLO)- Các hư hỏng ở đường hầm sông Sài Gòn được tư vấn kiểm định đánh giá là chưa ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của công trình.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Sở GTVT TP.HCM, cho biết Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP (đơn vị quản lý đường hầm sông Sài Gòn) vừa có báo cáo sở về kết quả kiểm định của đường hầm sông Sài Gòn. Theo báo cáo, sau 10 năm khai thác, đường hầm này đã có nhiều hư hỏng và cần được theo dõi.

Các đơn vị đang thực hiện kiểm định và thử tải hầm Thủ Thiêm hồi cuối năm 2021. Ảnh: ĐÀO TRANG

Các đơn vị đang thực hiện kiểm định và thử tải hầm Thủ Thiêm hồi cuối năm 2021.
Ảnh: ĐÀO TRANG

Kết quả kiểm định các đốt hầm

Theo đó, về kết cấu bê tông hầm dẫn chữ U (hầm dẫn lên xuống) xuất hiện nhiều vết nứt, các vết nứt phân bố chủ yếu hai bên vách hầm theo chiều thẳng đứng chạy dọc từ đỉnh tường đến sát mặt đất.

Về kết cấu hầm đào và lấp, dù tường ngoài (trong đất) đã được phun vữa bê tông nhưng vẫn xuất hiện nhiều vị trí thấm. Các vị trí thấm đã được xử lý bằng biện pháp bơm keo hoặc đổ trám bằng bê tông. Tuy nhiên vẫn còn một số vị trí thấm cần theo dõi và sửa chữa.

Vách hầm, trần hầm đều xuất hiện các vết nứt, bao gồm cả các vết nứt cũ đã được sửa chữa, xử lý và các vết nứt mới...

Về kết cấu hầm dìm, vách tường trong, trần hầm xuất hiện nhiều vết nứt mới, một số vết nứt cũ được xử lý trám vá hoặc bơm keo nứt trở lại và phát triển thêm. Tuy nhiên, các vết nứt này đều là các vết nứt cục bộ, phân bố không theo quy luật.

Bên cạnh đó, tại vị trí mối nối giữa các đốt hầm dìm xuất hiện tình trạng tấm thép đáy tại các mối nối có dấu hiệu bị han gỉ hư hỏng tại một số vị trí được đánh giá mức độ A. Gối cao su tại J2 bị xẹp - phình cần được thường xuyên kiểm tra theo dõi để kịp thời phát hiện các hư hỏng bất thường ảnh hưởng đến an toàn kết cấu và tuổi thọ công trình.

Ngoài ra, một số hư hỏng khác được ghi nhận như mặt đường bê tông xe chạy xuất hiện nhiều vết nứt cả ở làn xe máy và ô tô, một số vết nứt lớn đã được xử lý trám vá. Mặt đường tại một số vị trí có hiện tượng đọng nước cục bộ, tuy đã xử lý nhưng chưa triệt để...

Theo báo cáo, sau 10 năm khai thác, hầm Thủ Thiêm nằm dưới lòng sông Sài Gòn đã được phát hiện có nhiều hư hỏng và cần được theo dõi.

Hầm vẫn an toàn dưới tác động của tải trọng thử

Báo cáo cũng cho thấy hầm dẫn chữ U, cầu thang bộ, hầm dìm làm việc rất an toàn dưới tác dụng của tải trọng thử.

Riêng với hầm dìm cũng làm việc an toàn dưới tác dụng của tải trọng thử (tải trọng đã có tham khảo và xét đến tải trọng trong trường hợp tắc xe trong hầm). Đối với hầm dìm này, các hư hỏng xuất hiện nếu có thì hoạt tải chỉ đóng vai trò rất phụ. Nguyên nhân chính gây hư hỏng là do các tải trọng khác ngoài hoạt tải như trọng lượng bản thân, áp lực nước, áp lực đất, co ngót, từ biến… Theo thời gian, đất xung quanh hầm dần đã ổn định, co ngót, từ biến còn lại rất nhỏ nên các hư hỏng sẽ phát triển chậm dần. Bản thân hầm còn tốt nên khả năng có hư hỏng đột biến là rất thấp nên công tác bảo trì thực hiện đúng quy định.

Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP cũng nêu một số lưu ý như đối với các vết nứt bê tông có độ mở rộng lớn hơn 0,3 mm thì biện pháp sửa chữa chủ đạo là bơm (áp lực cao) keo epoxy vào các vết nứt để tránh thẩm thấu hơi nước và độ ẩm không khí làm gỉ cốt thép trong bê tông.

Đối với các vết nứt có độ mở rộng nhỏ hơn 0,3 mm, cần tiếp tục quan trắc, theo dõi sự phát triển vết nứt định kỳ để sửa chữa kịp thời khi đã phát triển lên mức độ A. Đặc biệt cần sửa chữa với các hư hỏng thấm nước mức độ A (khi nước thấm nhỏ giọt trên 30 giọt/phút tại bất kỳ điểm nào hoặc khi lượng nước thấm tính trung bình cho diện tích mặt trong của hầm lớn hơn 5 ml/giờ/m2). Với hư hỏng này, biện pháp xử lý thấm chủ đạo là sử dụng bơm/tiêm áp lực cao vật liệu keo epoxy vào vết nứt, lỗ rò gây thấm, kết hợp trám vá bề mặt sau khi bơm...

Chưa ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của công trình

“Các hư hỏng này tư vấn kiểm định đánh giá là chưa ảnh hưởng ngay đến khả năng chịu lực của công trình, tuy nhiên cần tiến hành theo dõi thường xuyên và sửa chữa kịp thời đảm bảo tuổi thọ và độ bền khai thác lâu dài của công trình. Hiện tại công trình chưa cần điều chỉnh chế độ vận hành, khai thác, bảo trì” - văn bản của Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP nêu.

Ngoài ra, kết quả thí nghiệm kiểm tra cường độ bê tông và độ đồng nhất của bê tông tại một số vị trí đại diện cho thấy cường độ bê tông kết cấu hầm dìm và kết cấu hầm dẫn chữ U đều cao hơn cường độ bê tông thiết kế. Độ đồng nhất của bê tông đều có độ đồng nhất tốt. Kết quả thí nghiệm hàm lượng sunfat trong các mẫu bê tông cho thấy tất cả mẫu thử đều có hàm lượng sunfat nằm trong giới hạn cho phép.

Sau khi tiếp nhận báo cáo của Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP, Sở GTVT TP đã có văn bản gửi trung tâm này về việc thông báo ý kiến kết quả kiểm định công trình này. Theo đó, Sở GTVT TP yêu cầu triển khai sửa chữa ngay các hư hỏng nhỏ của công trình.

Sở GTVT TP cũng yêu cầu rà soát, đánh giá quy trình quản lý vận hành và bảo trì kết cấu và thiết bị đường hầm sông Sài Gòn. Trên cơ sở đó, đề xuất điều chỉnh, bổ sung nhằm xây dựng đầy đủ cơ sở dữ liệu để đánh giá mức độ xuống cấp (suy giảm) theo thời gian của cường độ vật liệu (bê tông).

Hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn dài gần 1,5 km, khánh thành năm 2011, đường hầm rộng 33 m, cao 9 m, sáu làn xe (mỗi bên ba làn cho ô tô và xe máy); tốc độ 60 km/giờ. Thời điểm năm 2011, đây là hầm vượt sông đầu tiên của Việt Nam và là đường hầm thi công bằng công nghệ đúc, dìm dài nhất Đông Nam Á.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm