Hội thảo đã nhận hơn 70 bài tham luận cùng nhiều ý kiến phát biểu của các lão thành cách mạng, các lãnh đạo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Các tham luận đã làm rõ thân thế, sự nghiệp hoạt động cách mạng và khẳng định công lao của ông Dương Quang Đông đối với cách mạng miền Nam, với Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định.
Người chiến sĩ cộng sản kiên trung - Dương Quang Đông
Làm rõ vai trò người lãnh đạo của ông Dương Quang Đông trong việc chỉ huy xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh đầu tiên trên biển, Thiếu tướng Nguyễn Bình Ban phân tích: Đầu năm 1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 15 để xác định đường lối cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới và nhấn mạnh “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là con đường cách mạng bạo lực”. Đầu năm 1960, phong trào Đồng Khởi của nhân dân miền Nam với các hình thức đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang lan rộng toàn miền Nam. Trong bối cảnh đó, yêu cầu chi viện của miền Bắc-hậu phương lớn của của cả nước về vũ khí cho miền Nam là yêu cầu vô cùng cấp thiết.
Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang trò chuyện với các lão thành cách mạng tại hội thảo, sáng 28-4. Ảnh: P.ĐIỀN
Cùng với đường Hồ Chí Minh trên đất liền, Bộ Chính trị quyết định mở tuyến vận tải trên biển để cung cấp vũ khí, quân trang, quân dụng, quân y… cho cách mạng miền Nam.
Theo đó, đầu tháng 11-1961, cấp trên giao nhiệm vụ cho ông Dương Quang Đông, một cán bộ đã từng phụ trách vận chuyển tiếp tế bằng đường biển cho chiến trường Nam Bộ, Lào và Campuchia trong kháng chiến chống Pháp nghiên cứu, tổ chức cho một số cán bộ đi ra Hải Phòng báo cáo rõ tình hình và đề nghị đưa tàu chở vũ khí chi viện cho chiến trường bằng đường biển.
Đồng thời Trung ương Cục giao nhiệm vụ cho ông trở lại Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu tuyển chọn, tổ chức đưa người ra miền Bắc để đón tàu chờ vũ khí vào Nam. Với lực lượng của miền Nam cùng lực lượng của địa phương, ông đã tổ chức thành một đơn vị mới, lấy phiên hiệu là Đoàn 555.
Vấn đề lựa chọn người đi chuyến đầu tiên ra miền Bắc được ông quan tâm chỉ đạo, cân nhắc cẩn trọng.
Dưới sự chỉ đạo của ông Dương Quang Đông, đoàn đã lựa chọn được 6 thủy thủ hầu hết đều là ngư dân quen với sóng nước, có nhiều kinh nghiệm đi biển, tinh thần quyết tâm cao. Trước khi đi các thủy thủ được học tiếng Quảng Đông để đề phong lạc vào vùng biển các địa phương Trung Quốc.
Đúng 14 giờ ngày 27-2, ông đã tiển 6 thủy thủ của Đoàn 555 tại bến Hồ Cốc, lên đường ra Bắc nhận vũ khí chi viện.
Sau ba tháng vật lộn trên biển, đấu tranh với kẻ thù, 6 thủy thủ của bến Lộc An đã hoàn thành nhiệm vụ. Những thủy thủ trên chiếc tàu đầu tiên ra Bắc được biên chế vào Đoàn vận tải 759, trở thành những chiến sĩ trực tiếp theo những con tàu bí mật, đưa vũ khí của Trung ương cung cấp chi miền Đông Nam Nộ qua bến Lộc An.
“Những đoàn viên, đảng viên ưu tú của Đoàn 55 và Đoàn 1500 sau này, vững vàng am hiểu sông, biển, không ngại gian khổ, sẵn sàng hi sinh vì lý tưởng cách mạng. Đây là những hạt nhân góp phần to lớn cho công tác tiếp nhận và vận chuyển vũ khí tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển.
Sự nghiệp cách mạng của ông Dương Quang Đông để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau tấm gương trong sáng, mẫu mực về cuộc đời cống hiến của lớp đảng viên cộng sản đầu tiên hết lòng vì nước, vì dân, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân.”, thiếu tướng Ban nhấn mạnh.
Trước đó phát biểu khai mạc hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Thân Thị Thư nhấn mạnh, năm tháng có thể qua đi nhưng tinh thần người chiến sĩ cộng sản Dương Quang Đông, tinh thần hết mình vì sự nghiệp cách mạng, vì nhân dân, phẩm chất đạo đức đạo đức của đồng chí mãi là những dấu ấn không thể phai mờ. Đồng chí để lại cho đời, các thế hệ hôm nay và mai sau nhiều bài học quý để vận dụng xây dựng TP.HCM, một TP đang phấn đấu xây dựng trở thành TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Ông Dương Quang Đông (tên gọi khác là Năm Đông), sinh năm 1902 (ấp Mỹ Cẩm, xã Mỹ Hòa, Cầu Ngang, Trà Vinh); mất ngày 10-5-2003. Ông là một trong những người đầu tiên tham gia Công hội đỏ do Chủ tịch Tôn Đức Thắng lãnh đạo. Sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, Xứ ủy Nam Kỳ được thành lập, ông đã kiên cường tham gia các hoạt động của Xứ ủy và từng giữ chức Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ từ năm 1943-1945. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên cương vị phụ trách công tác hậu cần xây dựng căn cứ Xứ ủy tại rừng Chằng Riệc - Tây Ninh, Phó ban Hàng hải Nam bộ, phụ trách Ban Giao bưu A53 Trung ương Cục Miền Nam… ông đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. 80 năm hoạt động cách mạng, 70 năm tuổi Đảng, ông Dương Quang Đông đã được Đảng và Nhà nước trao tặng và truy tặng nhiều danh hiệu cao quý như: Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhì; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất… |