Đường sắt đô thị Hà Nội, TP.HCM cần cơ chế đột phá, vượt trội

(PLO)- Tiến độ triển khai 18 tuyến đường sắt đô thị từ nay đến năm 2050 ở Hà Nội và TP.HCM quá chậm chạp đang đòi hỏi những cơ chế đột phá, vượt trội cho hai trung tâm kinh tế chính trị lớn nhất cả nước.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam


Sáng nay, 17-1, UBND hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM đã đồng tổ chức hội thảo khoa học về phát triển hệ thống đường sắt đô thị với sự tham dự của nhiều nhà khoa học, chuyên gia, cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế.

Hai thành phố lớn hai đầu đất nước từ nhiều năm nay đã quy hoạch và đang triển khai một số tuyến đường sắt đô thị, với vốn đầu tư rất lớn, nhưng tiến độ các dự án đều rất chậm. Tiến độ ấy như nhiều chuyên gia nhận định là hai thành phố “không thể không làm đường sắt đô thị” và “không thể làm muộn hơn được nữa” nếu không sẽ không đáp ứng được nhu cầu về phát triển, nhu cầu đi lại của người dân.

Tuy nhiên, thách thức là những vướng mắc, bất cập trong cơ chế, chính sách, mà nếu không tháo gỡ thì hai đầu tàu kinh tế cả nước khó đạt mục tiêu 200 km đường sắt đô thị vào năm 2035, như Kết luận 49 của Bộ Chính trị, tháng 2-2023.

Đường sắt đô thị Hà Nội, TP.HCM cần cơ chế đột phá, vượt trội
Ông Đặng Huy Đông, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển (Ảnh: TP)

“Mục tiêu này là hết sức đúng đắn và không thể muộn hơn nếu Việt Nam không muốn bị tụt hậu so với các nước khác. Tuy nhiên đây là nhiệm vụ bất khả thi nếu phải triển khai thực hiện theo đúng các quy định pháp luật hiện hành” – ông Đặng Huy Đông, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển chia sẻ.

Theo ông Đông, giải pháp phải đến tư duy đột phá, một khung pháp lý “may đo” riêng cho Hà Nội, TP.HCM. Tư duy và khung pháp lý đó phải vượt trội về quy hoạch, đất đai, đầu tư, tài chính, xây dựng, giao thông, doanh nghiệp, tiêu chuẩn. Cơ chế này phải tiệm cận với TOD mà nhiều nước đã thành công - tức lấy định hướng phát triển giao thông công cộng làm định hướng quy hoạch, phát triển đô thị.

“Cần phân cấp, ủy quyền cho Hà Nội và TP.HCM được ban hành các tiêu chí, tiêu chuẩn về đô thị, cũng như trình tự thủ tục riêng về điều chỉnh quy hoạch liên quan đến hệ thống đường sắt đô thị gắn liền với phát triển chỉnh trang đô thị lân cận các nhà ga…” – ông Đông nói.

duong-sat-do-thi-sakaki.jpg
Ông Sakaki Shigeyuki, Điều phối viên Chương trình giao thông vận tải, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

Góp ý tại hội thảo, ông Sakaki Shigeyuki, Điều phối viên Chương trình giao thông vận tải, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD có nhiều ưu điểm. Đó là giảm thiểu lệ thuộc vào ô tô; cải thiện khả năng tiếp cận giao thông công cộng của cư dân; thân thiện với xe đạp và đi bộ; sử dụng đất đai hiệu quả; các cộng đồng gắn kết và sôi động; giá trị tài sản cao hơn…

Theo ông Sakaki Shigeyuki, để triển khai theo mô hình này thì cần coi TOD định hướng chính sách, trên cơ sở đó mới thiết kế hành lang pháp lý. “Việt Nam có thể lấy tuyến tàu điện thí điểm ở Hà Nội để xây dựng cơ chế đặc biệt cho TOD, rồi từ triển khai thí điểm mà thể chế hóa” – ông Sakaki Shigeyuki gợi ý.

Ở khía cạnh khác, GS Vũ Minh Khương, Học viện Hành chính công Lý Quang Diệu cho rằng phát triển đường sắt đô thị không chỉ là câu chuyện kinh tế, mà cả an ninh quốc phòng trên cơ sở hệ thống đô thị ngầm của nó. Thậm chí cần nhìn thấy ở đường sắt đô thị tiềm năng một ngành kinh tế chiến lược, không thua kém ngành bán dẫn.

“Đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực, công nghiệp phụ trợ, năng lực hợp tác quốc tế và trình độ quản lý các dự án lớn cần được coi là ưu tiên hàng đầu. Các cơ quan Trung ương cần huy động đội ngũ tinh nhuệ nhất để tư vấn và hỗ trợ hai thành phố, qua đó Việt Nam có những bước tiến vượt bậc trong phát triển đường sắt đô thị những năm tới” - ông Khương nói.

Đến nay, Hà Nội và TP.HCM đã được quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị tổng chiều dài khoảng 647km.

Cụ thể, Hà Nội có 10 tuyến (9 trục chính, 1 trục nối), với 342,2km cầu cạn và trên mặt đất, cùng 75,6 km đi ngầm, đến nay mới triển khai thí điểm ba dự án, trong đó đưa vào khai thác tuyến 2A đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, dài hơn 13km; và đang triển khai tuyến 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội, tuyến 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

Còn tại TP.HCM, theo quy hoạch có 8 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 172,6 km và 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray với tổng chiều dài 56,5 km. Hiện mới đang trong quá trình triển khai hai dự án là tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên, tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương.

Tầm nhìn thể hiện qua các quy hoạch thì lớn lao, nhưng kết quả sau nhiều năm triển khai thì còn khiêm tốn, với nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan. Vậy nên hội thảo hiếm hoi do chính quyền Hà Nội và TP.HCM đồng tổ chức kéo dài 3 ngày từ 17 đến 19-1, hi vọng sẽ đưa ra những kiến nghị đột phá, gắn với mô hình TOD - lấy định hướng phát triển giao thông công cộng làm định hướng quy hoạch, phát triển đô thị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm