Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà sau cuộc họp về đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Đề xuất cơ chế chính sách đặc thù đặc biệt
Theo đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu phương án phát triển đường sắt tốc độ cao đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với xu hướng trên thế giới, tốc độ thiết kế 350 km/giờ và thực sự trở thành trục xương sống; đồng thời khai thác hiệu quả tuyến đường sắt hiện có.
Bộ GTVT cũng được giao chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, địa phương và doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách đặc thù đặc biệt cả gói để báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội khi thông qua chủ trương đầu tư.
Cơ chế này bao gồm huy động và sử dụng các nguồn vốn; sử dụng tiền thu từ sử dụng đất ở các địa phương; đào tạo, sử dụng cán bộ, kỹ sư; nội địa hóa gắn với phát triển ngành công nghiệp đường sắt; thu hút đầu tư PPP; cơ chế hợp tác, thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ thông qua FDI; mô hình tổ chức vận hành - kinh doanh...
Điểm đầu, điểm cuối tuyến tại trung tâm Hà Nội và TP.HCM
Về hướng tuyến đường sắt tốc độ cao, Phó Thủ tướng lưu ý nghiên cứu sử dụng hiệu quả các giải pháp công trình cầu, hầm để đảm bảo hướng tuyến thẳng nhất có thể, đảm bảo khả năng thoát lũ, hạn chế ảnh hưởng đến các khu bảo tồn và chia cắt cộng đồng; xem xét phương án bố trí điểm đầu, điểm cuối tuyến tại trung tâm Hà Nội và TP.HCM.
“Do dự án có quy mô lớn, phức tạp về kỹ thuật - công nghệ, thời gian thực hiện dài (trên 10 năm) nên cần làm rõ việc tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư chỉ là ước tính ban đầu, số liệu chính xác sẽ tiếp tục được cập nhật ở các bước tiếp theo khi đủ điều kiện, tránh hiểu nhầm trong trường hợp tổng mức đầu tư dự án tăng trong giai đoạn triển khai”- Phó Thủ tướng cho hay.
Mới đây, Bộ GTVT trình Thường trực Chính phủ đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với ba kịch bản sau:
Kịch bản 1, đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/giờ, tải trọng 17 tấn mỗi trục, chỉ khai thác tàu khách. Tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu được nâng cấp để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư kịch bản này khoảng 67,32 tỉ USD.
Kịch bản 2, xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tốc độ thiết kế 200 - 250 km/giờ, tải trọng 22,5 tấn/trục, khai thác chung tàu khách và hàng. Tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu được hiện đại hóa để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 72,02 tỉ USD.
Kịch bản 3, đầu tư tuyến đường sắt Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/giờ, tải trọng 22,5 tấn/trục, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu. Tuyến đường sắt hiện hữu nâng cấp để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư dự án 68,98 tỉ USD.
Kịch bản 3 nếu đầu tư hạ tầng, thiết bị, phương tiện để khai thác tàu hàng chạy Bắc - Nam thì vốn đầu tư dự án khoảng 71,69 tỉ USD.
Trên cơ sở phân tích, Bộ GTVT đề xuất lựa chọn kịch bản 3 cùng một số cơ chế, chính sách đặc thù để rút ngắn tiến độ, huy động vốn đầu tư, đào tạo nhân lực.
Theo tính toán của tổ tư vấn, với kịch bản ba dự kiến tàu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) - Thủ Thiêm (TP.HCM) dự kiến dừng tại 6 ga trên hành trình Bắc - Nam sẽ mất 5 giờ 26 phút, nếu dừng ở 23 nhà ga trên hành trình sẽ mất 7 giờ 54 phút. Các chặng ngắn như Hà Nội - Vinh, Nha Trang - Thủ Thiêm sẽ mất từ 1 - 2 tiếng di chuyển, tùy vào số lượng ga tàu dừng trên hành trình di chuyển.