Bộ GTVT vừa trình Thường trực Chính phủ đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) trên trục Bắc - Nam để Chính phủ tiếp tục xem xét cho ý kiến trước khi trình Bộ Chính trị, Quốc hội thông qua. Trong đó, Bộ GTVT đưa ra nhiều kịch bản đầu tư tuyến ĐSTĐC Bắc - Nam.
Bộ GTVT từng thống nhất tốc độ tối đa 250 km/giờ
Năm 2019, Bộ GTVT đưa ra bốn kịch bản đầu tư ĐSTĐC Bắc - Nam và tới Hội đồng thẩm định Nhà nước tập trung đánh giá, góp ý cho hai kịch bản chính.
Cụ thể, kịch bản 1 là xây dựng mới một tuyến đường sắt đôi, khổ ray 1.435 mm, chiều dài 1.545 km, tốc độ thiết kế tối đa 350 km/giờ, tốc độ khai thác 320 km/giờ để vận tải hành khách, đường sắt hiện hữu dành riêng cho vận tải hàng hóa. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 58,71 tỉ USD. Kịch bản 2 là xây dựng đường sắt đôi, khổ đường 1.435 mm để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ tối đa 180-225 km/giờ. Tổng mức đầu tư khoảng 64,8 tỉ USD. Tuyến hành khách hiện hữu sẽ được nâng cấp khi có điều kiện.
Với vai trò là chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước, bộ trưởng Bộ KH&ĐT lập tổ chuyên gia thẩm định liên ngành và thuê tư vấn quốc tế tiến hành thẩm tra. Tư vấn đã có bốn báo cáo gửi cơ quan thường trực hội đồng. Trong đó phân tích các ưu, nhược điểm của hai kịch bản nêu trên và khuyến nghị chọn kịch bản 2.
Tiếp thu khuyến nghị của Hội đồng thẩm định Nhà nước và lãnh đạo Chính phủ, ngày 12-10-2022, Bộ GTVT có văn bản thống nhất phương án với Bộ KH&ĐT về việc lựa chọn kịch bản 2 để báo cáo cấp có thẩm quyền.
Ngày 29-3-2023, Hội đồng thẩm định Nhà nước tiến hành họp thẩm định dự án. Trong đó, hội đồng thống nhất cao với đề xuất của tư vấn vì kịch bản 2 có các lợi thế như vận chuyển được hành khách và hàng hóa, Nhà nước không bù lỗ khi dự án đưa vào khai thác, trong nước sẽ dần làm chủ được công nghệ, giá vé hợp lý…
Song song quá trình này, Bộ GTVT tham mưu cho Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo với tên đầy đủ là “Xây dựng đề án chủ trương đầu tư ĐSTĐC Bắc - Nam và các dự án đường sắt quốc gia”. Quá trình này, Bộ GTVT tổ chức đoàn công tác đi học hỏi kinh nghiệm tại một số quốc gia có hệ thống ĐSTĐC phát triển như ở châu Âu, Trung Quốc để cập nhật, bổ sung hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Bổ sung kịch bản mới
Mới đây, Bộ GTVT chỉnh sửa hai kịch bản trên và bổ sung một kịch bản đầu tư ĐSTĐC Bắc - Nam.
Cụ thể, kịch bản 1 là đầu tư xây dựng mới tuyến ĐSTĐC Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/giờ, tải trọng 17 tấn mỗi trục, chỉ khai thác tàu khách. Tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu được nâng cấp để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư kịch bản này khoảng 67,32 tỉ USD. Kịch bản này có ưu điểm chi phí giải phóng mặt bằng và chi phí đầu tư thấp hơn hai phương án khác nhưng không có khả năng tăng công suất nếu nhu cầu vận tải hàng hóa trên tuyến đường sắt hiện hữu quá tải.
Kịch bản 2 là xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tốc độ thiết kế 200-250 km/giờ, tải trọng 22,5 tấn/trục, khai thác chung tàu khách và hàng. Tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu được hiện đại hóa để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 72,02 tỉ USD. Ưu điểm của kịch bản 2 là vận chuyển cả hành khách và hàng hóa trên cùng tuyến. Kết nối liên vận quốc tế thuận lợi, song tốc độ lưu thông thấp.
Kịch bản 3 là đầu tư tuyến đường sắt Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/giờ, tải trọng 22,5 tấn/trục, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu. Tuyến đường sắt hiện hữu nâng cấp để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư dự án 68,98 tỉ USD.
Kịch bản 3 nếu đầu tư hạ tầng, thiết bị, phương tiện để khai thác tàu hàng chạy Bắc - Nam thì vốn đầu tư dự án khoảng 71,69 tỉ USD. Ưu điểm của kịch bản 3 là tàu vận tải riêng hành khách nên tốc độ cao, tiện nghi, an toàn, có khả năng cạnh tranh với phương tiện khác. Tuy nhiên, nhược điểm là chi phí đầu tư cao, chênh lệch tốc độ giữa tàu khách với tàu hàng càng lớn làm giảm năng lực thông qua.
Trên cơ sở phân tích, Bộ GTVT đề xuất lựa chọn kịch bản 3 cùng một số cơ chế, chính sách đặc thù để rút ngắn tiến độ, huy động vốn đầu tư, đào tạo nhân lực.•
Bộ Xây dựng, Bộ KH&ĐT góp ý
Góp ý cho các kịch bản, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, thành viên ban chỉ đạo xây dựng, thực hiện đề án, thống nhất đầu tư ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam theo kịch bản 3. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành xây dựng cho rằng chi phí đầu tư đường sắt Bắc - Nam lên tới hàng chục tỉ USD, vì vậy để đảm bảo tính khả thi của đề án, Bộ GTVT cần bổ sung các căn cứ pháp lý để đề xuất sơ bộ tổng vốn đầu tư.
Trong khi đó, theo Bộ KH&ĐT, kịch bản 3 còn bất hợp lý là phương án đầu tư có tốc độ thiết kế 350 km/giờ nhưng tổng mức đầu tư dự án lại thấp hơn kịch bản 2 có tốc độ thiết kế 250 km/giờ; chưa có nội dung liên quan phương án vận tải hàng hóa, cơ sở tính toán chỉ số hoàn vốn nội bộ, chỉ số lợi ích - chi phí...
Bộ này cũng cho rằng đợt công tác học tập kinh nghiệm của Đức, Tây Ban Nha, Trung Quốc cho thấy các nước phát triển đường sắt vận tốc trên 300 km/giờ đều là nước làm chủ về công nghệ đường sắt cao tốc. Khi đầu tư phát triển loại hình này, các quốc gia này đã có mạng lưới đường sắt vận tải hàng hóa hoàn chỉnh và có GDP cao hơn nhiều lần so với Việt Nam. Trong khi đó, đề án của Bộ GTVT chưa đề cập đến xây dựng ngành công nghiệp đường sắt tiến tới làm chủ công nghệ.
Trên cơ sở đó, Bộ KH&ĐT khẳng định ba kịch bản Bộ GTVT đưa ra chưa phù hợp và đề nghị thực hiện rà soát, hoàn thiện các kịch bản. Trong đó, Bộ KH&ĐT lưu ý nghiên cứu bài học của các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam về quy mô kinh tế, điều kiện tự nhiên, xã hội.