Đường trên cao mới 30.000 tỉ ở TP.HCM có phá vỡ quy hoạch?

Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM về việc đề xuất nghiên cứu dự án đường trên cao nối từ đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) “xẻ ngang” TP đi tới đường Nguyễn Văn Linh (quận 7).

Dự án đường trên cao Bắc - Nam bắt đầu từ nút giao đường Cộng Hòa - Trường Chinh đến đường Nguyễn Văn Linh. Đồ họa: THÙY TRANG

Là phân đoạn của ba tuyến

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư kỹ thuật TP.HCM (CII), đơn vị đề xuất nghiên cứu dự án, cho biết đơn vị cũng vừa đưa ra đánh giá về sự ảnh hưởng của tuyến mới trên đối với quy hoạch năm tuyến đường trên cao đã được phê duyệt ở TP.HCM.

“Trong báo cáo tóm tắt dự án, chúng tôi có các hình phối cảnh về mặt cắt để hình dung tuyến, đồng thời phương thức đầu tư cũng được đề xuất là làm BOT” - bà Trâm cho hay.

Báo cáo của CII cho biết: Theo Quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt ngày 8-4-2013 thì hệ thống đường trên cao TP gồm năm tuyến (số 1, 2, 3, 4, 5), tổng chiều dài 70,7 km, quy mô bốn làn xe.

Dự án đề xuất đầu tư xây dựng đường trên cao mới, đoạn từ đường Cộng Hòa đến đường Nguyễn Văn Linh (đường trên cao Bắc - Nam) là phân đoạn của ba tuyến đường trên cao (số 1, 2, 3) gộp lại để ưu tiên giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông theo hướng bắc - nam TP. Đường trên cao Bắc - Nam này có ba đoạn.

Đoạn 1, bắt đầu từ nút giao Cộng Hòa và Trường Chinh, theo hướng tuyến quy hoạch của đường trên cao số 1 - đi dọc theo đường Cộng Hòa đến nút giao Lăng Cha Cả. Chiều dài khoảng 3,1 km.

Đoạn 2 sẽ đi theo hướng tuyến quy hoạch của đường trên cao số 2, từ Lăng Cha Cả, tuyến rẽ theo Bùi Thị Xuân đến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, tuyến này cắt qua hẻm 658 đường Cách Mạng Tháng Tám, đi dọc theo đường Bắc Hải đến nút giao với đường Thành Thái. Chiều dài đoạn 2 khoảng 2,6 km.

Đoạn 3, theo hướng tuyến quy hoạch của đường trên cao số 3, từ nút giao Bắc Hải - Thành Thái, tuyến đi dọc theo đường Bắc Hải - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - dọc kênh Ông Lớn và kết thúc tại đường Nguyễn Văn Linh. Vị trí tiếp giáp giữa nút giao là cầu Ông Lớn và cầu Ông Bé trên đường Nguyễn Văn Linh. Chiều dài đoạn 3 khoảng 8,4 km.

Trong tương lai, khi TP.HCM có đủ nguồn lực để xây dựng hoàn thiện các phân đoạn còn lại (của tuyến 1, 2, 3) và các tuyến số 4, 5 sẽ tạo thành hệ thống giao thông trên cao hoàn chỉnh, đồng bộ. “Như vậy, dự án hoàn toàn phù hợp quy hoạch và việc xây dựng đường trên cao các giai đoạn sau hoàn toàn có thể thực hiện được mà không ảnh hưởng đến điều kiện khai thác của dự án” - đại diện CII chia sẻ.

Đánh giá của Sở GTVT

“Đề xuất nghiên cứu ý tưởng của CII là phù hợp định hướng phát triển hạ tầng giao thông TP đã được phê duyệt tại quyết định ngày 31-12-2020 của UBND TP.HCM về đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP giai đoạn 2020-2030” - ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP, nêu trong văn bản gửi UBND TP.

Ngoài ra, đề xuất đường trên cao mới này theo Sở GTVT TP cũng phù hợp với chủ trương của lãnh đạo TP tại hội nghị trước đây về xét duyệt kế hoạch triển khai thực tiễn nhiệm vụ năm 2021 của Sở GTVT.

Theo Sở GTVT, đường trên cao này là tuyến kết hợp một phần tuyến đường trên cao số 1, 2 và 3 (theo quy hoạch) tạo thành hệ thống trục giao thông đô thị Bắc - Nam kết nối với đường vành đai 2. Đồng thời kết nối giữa khu vực nội thành và ngoại thành, kết nối khu vực phía bắc TP (quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp và quận 12), khu vực sân bay Tân Sơn Nhất với khu vực trung tâm TP (quận 1, 3, 4), khu đô thị Nam Sài Gòn và ngược lại.

Đánh giá thêm, CII cho rằng thực tế hiện có tình trạng khó khăn về giao thông nội đô khi các tuyến đường có bề rộng hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu quá lớn của người dân, mật độ đường còn thấp. Ở khu vực các quận phía nam, đi vào trung tâm hiện nay lưu hành qua các tuyến đường chính là Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Hữu Thọ, cầu Kênh Tẻ, đây là hai tuyến đường quá tải do có bề rộng nhỏ, chưa nói đến khu Nam còn tập trung nhiều khu đô thị.

Về hướng bắc TP, sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay đang là điểm nóng về ùn ứ giao thông vào các giờ cao điểm và các dịp lễ, tết. Hướng lưu thông thuận tiện nhất từ các quận, huyện phía bắc và sân bay về trung tâm TP là hai hướng đường Nguyễn Văn Trỗi và đường Cách Mạng Tháng Tám. Hai tuyến đường này hiện nay đã có lòng đường mở rộng theo lộ giới quy hoạch đã được duyệt, tuy nhiên cả hai tuyến vẫn quá tải và có nhiều ngã ba, ngã tư giao cắt, không đáp ứng được lưu lượng giao thông quá lớn.

Vì vậy, theo CII, việc đầu tư xây dựng đường trên cao mới này là cần thiết dù có nhiều khó khăn. “Đúng là tuyến mới thì có nhiều khó khăn nhưng khi chưa làm thì không nói đến việc đó. Cái khó nhất vẫn là khâu bồi thường giải tỏa và phương án hoàn vốn. Như việc giải tỏa, với dự án đường trên cao thì khó hơn dự án dưới bộ vì không thể quẹo hay quẹo lại điều chỉnh được” - bà Trâm nói.

Lưu ý về mỹ quan

TS Dương Như Hùng, Khoa quản lý công nghiệp Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng làm đường trên cao giải quyết kẹt xe nhưng cũng sẽ góp phần tăng ô nhiễm.

“Đường trên cao có thì không khuyến khích được người dân đi phương tiện công cộng. Ngoài ra, về mặt thẩm mỹ thì chi chít đường trên cao như ở Bangkok cũng không được đẹp mắt. Đầu tư đường trên cao cũng tốn kém rất nhiều tiền” - ông Hùng lưu ý thêm.

 
 

Sơ đồ hướng tuyến đường trên cao Bắc - Nam

Dự án đi qua địa bàn các quận Tân Bình, 3, 5, 10, 4, 8 và huyện Bình Chánh. Tuyến xây dựng theo quy hoạch, gồm bốn làn xe trên cao, rộng 30 m, phần đường trên cao bốn làn xe 16 m. Cầu cạn trên tuyến chính đường trên cao có vận tốc 80 km/giờ. Tổng mức đầu tư gần 30.000 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng gần 15.500 tỉ đồng.

Dự án cũng sẽ chỉnh trang đô thị kết hợp tái định cư hai khu vực. Khu vực thứ nhất là nút giao Lăng Cha Cả: Khu Hoàng Văn Thụ - Lê Văn Sỹ - Nguyễn Trọng Tuyển - Tân Sơn Hòa - Phạm Văn Hai - Bùi Thị Xuân (quận Tân Bình) với khoảng 4,9 ha. Khu vực thứ hai là cù lao Nguyễn Kiệu (quận 4) khoảng 2,7 ha.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm