Ngày 10-5, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Phòng Thương mại Công nghiệp Việt - Pháp (CCIFV), Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức Hội thảo Triển vọng và xu hướng ngành trang trí nội - ngoại thất tại thị trường EU.
Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC cho biết, EU được đánh giá là một trong những thị trường nhập khẩu các sản phẩm đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, trang trí nội ngoại thất lớn thứ 13 của Việt Nam.
Từ năm 2016 -2019, nhập khẩu đồ trang trí của EU đã tăng từ 2,1 tỉ lên 2,5 tỉ euro. Tuy nhiên, từ năm 2020 do sự bùng phát của dịch COVID -19 và mới đây là xung đột Nga- Ukraine đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường EU. Điều này dẫn đến xu hướng tiêu dùng thay đổi trong đó có trang trí nội thất.
“Hội thảo cung cấp cho doanh nghiệp (DN) những thông tin quan trọng về tiêu chuẩn xuất khẩu- chứng chỉ xuất khẩu sang Châu Âu, xu hướng và triển vọng thị trường… nhằm mang lại sự tiếp cận thị trường hiệu quả cho DN”-ông Tuấn nói.
Bà Phạm Thị Hồng Quang, Giám đốc Công ty TNHH thủ công mỹ nghệ Nguồn Việt (gần 20 năm xuất khẩu sang thị trường EU) chia sẻ, EU là thị trường đòi hỏi rất cao về thiết kế, đầu tư cho nhà máy sản xuất và tiêu chuẩn chất lượng.
Thời điểm này DN muốn xuất khẩu sang thị trường EU cần đặc biệt chú trọng đầu tư cho cơ sở sản xuất, nâng cao khả năng phát triển mẫu mã.
Theo bà Quang, khác với thị trường Mỹ, xu hướng của thị trường EU là luôn thay đổi, một mặt hàng ít khi khách hàng sử dụng hai, ba năm trong khi thị trường Mỹ sản phẩm có thể sử dụng ba năm, sáu năm…
Công nhân Công ty Cổ phần chế biến gỗ Đức Thành sản xuất thớt gỗ xuất khẩu. Ảnh minh họa: T.DƯƠNG |
Bên cạnh đó, DN cần phải đầu tư đa dạng về chất lượng sản phẩm, quy chuẩn sản xuất, những tiêu chí về trách nhiệm xã hội dành cho người lao động, môi trường sản xuất, tại nơi mà DN tạo ra sản phẩm.
Theo bà Quang, yếu tố rất quan trọng hiện nay EU đang nhắm tới đó là nguồn gốc xuất xứ nguyên vật liệu và chất lượng lao động tạo ra sản phẩm đó. Tất cả nguyên liệu có xuất xứ rõ ràng, hợp lệ, họ nghiêm cấm sử dụng vật liệu có hại môi trường. Khuyến khích sử dụng vật liệu tự nhiên, từ rừng trồng có chứng chỉ, đặc biệt, nghiêm cấm sử dụng lao động trẻ em.
"Đó là điều kiện tiên quyết mà Châu Âu quyết định chọn đặt nhà máy ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới" - bà Quang nói.
Bà Quang cũng cho biết, bên cạnh cơ hội, thị trường xuất khẩu đang bị ảnh hưởng bởi logistics, vận chuyển từ Việt Nam sang Mỹ, Châu Âu giá cước tàu biển tăng 5-7 lần so với trước dịch. Đây là bài toán khó cho các DN xuất khẩu.
“Từ vấn đề trên các nhà máy nên cải tiến trong sản phẩm để việc đóng gói đem lại lợi ích cho khách hàng. Chẳng hạn trước đây họ đóng 2.000 sản phẩm/container, bây giờ với thiết kế của DN thì có thể đi 5.000 sản phẩm/container sẽ giúp khách hàng tiết kiệm chi phí tối đa”- bà Quang gợi ý.
Theo bà Quang nhu cầu thị trường Châu Âu đối với các sản phẩm đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, trang trí nội ngoại thất rất đa dạng và rất cao. Các nhà mua hàng luôn đến Việt Nam tìm những sản phẩm mới với những nhà máy đủ năng lực để cung ứng.
Đặc biệt từ khi dịch COVID-19 xảy ra đến nay, các nhà máy lớn nhất ở Trung Quốc cũng gặp vấn đề về vận chuyển, logistics nên Châu Âu bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Họ chuyển hướng sang Việt Nam tìm nhà cung cấp đủ năng lực hiện đang là nhu cầu cấp bách. Đây là cơ hội lớn cho DN Việt Nam.