EU chính thức áp lệnh trừng phạt Belarus

Tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU), các nhà lãnh đạo của 27 nước thành viên đã đạt được đồng thuận về các biện pháp trừng phạt đối với Belarus.

Sau quyết định này, Cộng hoà Cyprus đã yêu cầu EU cũng phải cứng rắn đối với Thổ Nhĩ Kỳ, đài Channel News Asia hôm 2-10 đưa tin.

Một quan chức cấp cao của EU nói với hãng tin Reuters rằng toàn bộ thành viên EU đã đồng ý trừng phạt khoảng 40 quan chức Belarus. Đây là những cá nhân bị cáo buộc làm sai lệch kết quả bầu cử tổng thống Belarus vào ngày 9-8.

Động thái của EU đã hiện thực hoá lời hứa của khối này trong việc hỗ trợ những người biểu tình ở Minsk. Đây cũng là hành động để EU lấy lại tín nhiệm của mình sau nhiều tuần trì hoãn vì không đạt được đồng thuận nội khối về Belarus.

Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hiện vẫn không có tên trong danh sách trừng phạt 40 quan chức. Ngoài ra, ông cho biết thêm rằng các lệnh trừng phạt đối với Belarus có thể được thực hiện ngay lập tức, hãng thông tấn Sputnik hôm 1-10 đưa tin.

Theo một số nhà ngoại giao, trong khi Anh và Canada đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Belarus để thể hiện sự ủng hộ đối với các cuộc biểu tình ở Belarus, thì sự bế tắc về vấn đề trừng phạt đối với Minsk của 27 quốc gia EU đã làm mất uy tín của khối.

Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 20-6-2019 tại thành phố Brussels (Bỉ). Ảnh: AP

Hôm 1-10, Tổng thống Cộng hoà Cyprus Nicos Anastasiades đã yêu cầu EU có thái độ cứng rắn hơn với Thổ Nhĩ Kỳ như một sự “bù đắp” cho Cyprus vì đảo quốc này đã nhượng bộ để EU có sự đồng thuận trong trừng phạt Belarus.

Trước đó, Cộng hòa Cyprus luôn phản đối kế hoạch trừng phạt Belarus của EU vì Cyprus muốn EU cũng phải trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ về việc khai thác khí thiên nhiên trong vùng biển tranh chấp giữa hai nước này. Hãng tin Reuters đã gọi đây là điều kiện "không liên quan".

Ông Anastasiades đã yêu cầu EU phải gửi đi thông điệp rằng việc chính quyền Ankara thăm dò dầu khí trên Địa Trung Hải là không thể chấp nhận được.

Trước đó, Đức luôn phản đối việc áp đặt các lệnh trừng phạt của EU đối với Thổ Nhĩ Kỳ vì lo ngại điều này sẽ phá hoại nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.

Mặc dù quan điểm của Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều bất đồng, nhưng hôm 1-10 vừa qua, tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã thông báo rằng hai thành viên trong liên minh này đã cùng nhau thiết lập một “cơ chế giải quyết xung đột quân sự” nhằm tránh đụng độ ngẫu nhiên trên biển.

Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra vào ngày 1-10 tại thành phố Brussels (Bỉ) và dự kiến sẽ kéo dài trong hai ngày. Trong hội nghị, các nước thành viên EU tập trung thảo luận các vấn đề như quan hệ của EU với Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc, tình hình ở biển Địa Trung Hải, Belarus, ở khu vực ly khai Nagorno-Karabakh của Azerbaijan và vụ đầu độc nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny.

 
Anh, Canada trừng phạt Belarus, Nga lên tiếng cảnh báo
(PL)- Ngày 29-9, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab thông báo London đã phối hợp với chính quyền Canada ban hành các lệnh trừng phạt nhắm vào Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, con trai ông cùng nhiều thành viên chính phủ và lực lượng an ninh nước này, theo hãng tin Reuters.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm