Do căng thẳng ở Địa Trung Hải, Liên minh châu Âu (EU) đã không thể thông qua các biện pháp trừng phạt chính quyền Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, hãng tin Reuters cho hay.
Dù thủ lĩnh phe đối lập Belarus Svetlana Tikhanovskaya đã tới TP Brussels (Bỉ) để kêu gọi trừng phạt chính quyền Minsk, ngoại trưởng 27 quốc gia thành viên EU hôm 21-9 không thông qua được các biện pháp hạn chế đối với khoảng 40 quan chức Belarus.
Cộng hòa Síp (CH Síp) đã phản đối kế hoạch trừng phạt Belarus vì quốc đảo Địa Trung Hải này muốn EU cũng phải trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ liên quan hoạt động khai thác khí thiên nhiên trong vùng biển tranh chấp. Reuters gọi đây là điều kiện "không liên quan".
Thủ lĩnh phe đối lập Belarus Svetlana Tikhanovskaya (phải) và Đại diện cấp cao về an ninh và chính sách đối ngoại EU Josep Borrell (trái). Ảnh: REUTERS
"Mặc dù có ý chí rõ ràng về việc áp đặt trừng phạt (lên các quan chức Belarus - PV) nhưng EU chưa đạt được sự nhất trí cần thiết" - Đại diện cấp cao về an ninh và chính sách đối ngoại EU Josep Borrell tiếc nuối về kết quả cuộc họp.
Reuters lưu ý rằng trong phiên họp đặc biệt của Hội đồng châu Âu (EC) sẽ diễn ra vào ngày 24-9 tới, lãnh đạo 27 nước thành viên vẫn còn cơ hội thông qua các biện pháp trừng phạt Belarus.
Ông Borrell cảnh báo việc EU không thể trừng phạt chính quyền Minsk có thể khiến uy tín của tổ chức khu vực này "bị đe dọa".
Các nước vùng Baltic và một số quốc gia Đông Âu thuộc EU được cho là tích cực ủng hộ kế hoạch trừng phạt chính quyền ông Lukashenko.
Ngày 21-9, các lãnh đạo Lithuania, Ba Lan và Romania đề cập với báo giới về việc các nước này sẽ yêu cầu EU thông qua gói hỗ trợ kinh tế cho Belarus nếu chính quyền Minsk tổ chức bầu cử phù hợp các tiêu chuẩn của châu Âu.
Gói hỗ trợ này có thể bao gồm cơ chế thương mại ưu đãi của EU dành cho Belarus, chính sách miễn thị thực và hỗ trợ quốc gia Đông Âu này gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Thủ lĩnh phe đối lập Belarus Svetlana Tikhanovskaya (trái) và Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli gặp nhau tại Brussels, Bỉ. Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, Ngoại trưởng CH Síp Nikos Christodoulides cho rằng phản ứng của EU trước bất kỳ hình thức nào vi phạm các giá trị và nguyên tắc cốt lõi và cơ bản của tổ chức này cần phải nhất quán và "không thể là một món riêng lẻ được gọi theo yêu cầu".
Quan hệ giữa CH Síp với Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia thuộc Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhưng không thuộc EU - từ lâu đã căng thẳng vì chính quyền Ankara hậu thuẫn cho chính quyền ly khai ở bắc đảo Síp.
Trả lời báo giới sau cuộc họp với các ngoại trưởng EU, bà Tikhanovskaya nói rằng: "Các nhà lãnh đạo EU có lý do để không thúc đẩy các biện pháp trừng phạt nhưng tôi yêu cầu họ phải dũng cảm hơn".
Bà Tikhanovskaya cho rằng sự trừng phạt từ EU có vai trò quan trọng đối với hoạt động của phe đối lập tại Belarus vì điều này sẽ góp phần gây áp lực buộc chính quyền Minsk đối thoại với Hội đồng Chuyển tiếp do bà thành lập hồi giữa tháng 8.
Bà Tikhanovskaya đã rời khỏi Belarus và tạm lánh ở nước láng giềng Lithuania. Bà là một cựu giáo viên tiếng Anh và là vợ của một chính trị gia đối lập Belarus Sergei Tikhanouskaya. Người chồng đang chịu án phạt vì gây rối trật tự công cộng.
Bà Tikhanovskaya đã thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống Belarus hôm 9-8. Theo chính quyền Minsk, nữ chính trị gia "không chuyên" giành được hơn 10% phiếu ủng hộ, chỉ bằng 1/8 so với Tổng thống Lukashenko.
Tuy nhiên, từ sau khi kết quả bầu cử được công bố, hàng trăm ngàn người dân Belarus đã xuống đường biểu tình ủng hộ phe đối lập và phản đối chính quyền ông Lukashenko.