EVN lo lắng hướng phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản góp ý Dự thảo Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

Trong văn bản góp ý, EVN thể hiện sự lo lắng về những khó khăn khi triển khai Quy hoạch điện VIII sau này.

Lý do được “nhà đèn” đưa ra là bởi Quy hoạch điện VIII là quy hoạch ngành, được xây dựng phù hợp với các Quy hoạch quốc gia, Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội các tỉnh và yêu cầu đồng bộ với quy hoạch các ngành kinh tế khác, nhất là quy hoạch các ngành hạ tầng kinh tế.

Thế nhưng khi Quy hoạch điện VIII xây dựng thì các quy hoạch này đều đang trong quá trình xây dựng, thậm chí chưa được triển khai nên lo ngại về tính đồng bộ giữa các quy hoạch, tiềm ẩn khó khăn khi triển khai thực hiện.

Góp ý về các định hướng chính trong Quy hoạch điện VIII, EVN cho rằng quy hoạch không đưa ra được đánh giá nguồn năng lượng sơ cấp. Theo đó, Quy hoạch chưa đánh giá đến vấn đề nhập khẩu cũng như hạ tầng phục vụ nhiên liệu LNG, than,…

EVN cũng cho rằng, trong Quy hoạch điện VIII chủ yếu định hướng phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo và nguồn điện sử dụng LNG, nhưng với quy hoạch mang tính động, mở nên chưa xác định quy mô, vị trí, tiềm ẩn một số khó khăn trong quá trình thực hiện. Đồng thời, tỉ trọng nguồn truyền thống thấp trong khi tỉ trọng năng lượng quá lớn sẽ tác động lớn đến công tác đầu tư, vận hành hệ thống điện và đảm bảo an ninh cung cấp điện.

EVN cũng đề nghị xác định lại tỉ lệ nhất định nguồn năng lượng tái tạo đưa vào cân bằng công suất trong cân đối nguồn - tải và khả năng dự phòng từ các nguồn khác khi nguồn năng lượng tái tạo không thể vận hành.

Dự thảo Quy hoạch điện VIII đưa ra tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2021-2030 khoảng 128,3 tỉ USD. Giai đoạn 2021 – 2030, trung bình mỗi năm cần đầu tư khoảng 12,8 tỉ USD. Ảnh: NG

Góp ý về quy hoạch lưới điện truyền tải, EVN đánh giá quy hoạch lưới điện truyền tải vẫn được phát triển theo hướng tiếp tục xây dựng các đường dây truyền tải 500kV-220kV trên cơ sở nhu cầu truyền tải sẽ dẫn đến khối lượng đầu tư lưới rất lớn, sẽ gặp nhiều khó khăn trong thực hiện, đặc biệt là việc bố trí quỹ đất cho các công trình điện.

Bên cạnh đó, đường trục 500kV Bắc - Nam được đấu nối quá nhiều nguồn điện nên không thực hiện được vai trò là "xương sống" của hệ thống điện Việt Nam nhằm vận hành tối ưu các nguồn điện.

"Đến nay, hệ thống điện Việt Nam đã là hệ thống điện lớn và phát sinh rất nhiều khó khăn trong việc vận hành an toàn ổn định hệ thống. Do vậy, cần quy hoạch và lộ trình thực hiện để từng bước phân tách hệ thống điện theo các miền/vùng/tiểu vùng nhằm giảm dòng ngắn mạch, nâng cao độ tin cậy, giảm thiểu các tác động, các sự cố lan truyền trên hệ thống. Trong đó xem xét sớm đưa vào công nghệ truyền tải 1 chiều như đường dây 1 chiều áp dụng cho truyền tải Bắc - Nam và liên kết các vùng miền" - EVN nêu ý kiến.

Khác với Quy hoạch điện V, VI, VII, tại Quy hoạch điện VIII chia hệ thống điện Việt Nam thành 6 vùng và 19 tiểu vùng. Tuy nhiên, trong đề án phân chia vùng chưa phù hợp với phân vùng kinh tế hiện nay. Cách phân vùng này cũng khác với đề xuất phân tành 7 vùng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ để lập quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Vì vậy, EVN lo ngại có thể sẽ khó khăn khi tích hợp quy hoạch điện lực với quy hoạch các vùng.

Cạnh đó, EVN cũng nêu quan điểm phân vùng phụ tải cần phù hợp với phân vùng kinh tế với bài toán quy hoạch điện và lý do phân vùng của dự thảo để phát triển tối ưu lưới điện liên kết giữa các vùng chưa đủ thuyết phục.

Đồng thời, việc lựa chọn giới hạn truyền tải của 6 phân vùng phụ tải tính toán cho năm 2025 để cho tính toán lựa chọn phương án phát triển nguồn tối ưu cho 6 vùng giai đoạn đến 2045 là không có cơ sở. Nếu hợp lý có thể tăng/giảm giới hạn truyền tải này tùy theo chi phí đầu tư xây dựng, vận hành cũng như nhu cầu phụ tải của các vùng.

Do vậy, để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện Quy hoạch điện VIII, EVN kiến nghị xem xét lại cơ cấu nguồn – phụ tải – lưới điện truyền tải, liên kết với lưới điện khu vực hợp lý, đảm bảo tính khả thi khi triển khai thực hiện cũng như an toàn cung cấp điện và an ninh năng lượng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm