EVN phản hồi ý kiến việc dừng huy động công suất điện mặt trời Trung Nam, Ninh Thuận

(PLO)- EVN cho rằng việc dừng huy động phần công suất 172,12 MW chưa có cơ chế giá của nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam là tuân thủ đúng với các văn bản pháp lý theo quy định của pháp luật.

Ngày 23-10, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phát đi thông tin liên quan đến việc dừng huy động một phần công suất (172,12 MW) của nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam (450MW) chưa có giá.

EVN cho biết, vừa qua Chính phủ và Bộ Công Thương đã có nhiều chỉ đạo với nội dung là “EVN huy động phát điện của nhà máy ĐMT Trung Nam trên cơ sở hợp đồng PPA đã ký và theo các quy định của pháp luật”. Như vậy, cụm từ “các quy định của pháp luật” ở đây được hiểu là theo quy định cụ thể ở các văn bản pháp lý nào?

EVN cho rằng, theo các văn bản pháp lý hiện hành, việc dừng huy động phần công suất chưa có giá của nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam 450 MW căn cứ trên các văn bản pháp lý sau:

- Văn bản số 12158/BCT-ĐTĐL ngày 19-12-2016 của Bộ Công Thương chỉ đạo: “Kể từ ngày 1-1-2017, nếu các nhà máy điện (trừ các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh được quy định tại Quyết định 2012/QĐ-TTg ngày 24-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ, ....) không có hợp đồng mua bán điện hoặc có hợp đồng mua bán điện nhưng giá điện đã hết hiệu lực, Bộ Công Thương yêu cầu EVN chỉ đạo các đơn vị liên quan không huy động các nhà máy điện này phát điện lên lưới điện quốc gia trừ trường hợp cần thiết huy động để đảm bảo an ninh cung cấp điện.”.

Một dự án điện mặt trời của Trung Nam tại tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: TNG

-Điều 4 Thông tư số 13/2017/TT-BCT ngày 3-8-2017 của Bộ Công Thương quy định:“Tập đoàn Điện lực Việt Nam không thực hiện việc tạm thanh toán hoặc thanh toán tiền điện cho nhà máy điện khi vận hành, phát điện lên lưới mà không ký kết chính thức hợp đồng mua bán điện.

Trong trường hợp phải huy động các nhà máy này do yêu cầu đảm bảo an ninh cung cấp điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương, phối hợp với đơn vị phát điện thực hiện việc huy động, vận hành và thanh toán tiền điện cho nhà máy điện.”

“Như vậy với các căn cứ nêu trên, việc dừng huy động phần công suất 172,12 MW chưa có cơ chế giá của điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam là tuân thủ đúng với các văn bản pháp lý theo quy định của pháp luật”- EVN nêu quan điểm.

Trước đó, ngày 5-10, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp về dự án trên.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về quản lý nhà nước đối với ngành điện có trách nhiệm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt những vấn đề còn tồn tại, bất cập hiện nay của ngành điện, chủ động xử lý theo quy định pháp luật.

Bộ Công Thương chịu trách nhiệm xem xét, hướng dẫn, xử lý dứt điểm các kiến nghị của Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam về việc dừng khai thác phần công suất chưa có cơ chế giá điện của Nhà máy điện mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Trong quá trình xử lý các kiến nghị cần xem xét toàn diện các vấn đề có liên quan về đầu tư xây dựng nhà máy điện gắn với đầu tư lưới điện truyền tải đấu nối giải tỏa công suất nguồn điện trong khu vực, hợp đồng mua bán điện giữa các bên, công nhận vận hành thương mại của cơ quan có thẩm quyền… bảo đảm sự thống nhất, đúng quy định.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại văn bản số 5047/VPCP-CN ngày 9-8-2022 của Văn phòng Chính phủ về cơ chế đối với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp.

Về việc này, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã nhiều lần gửi báo cáo đến Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kiến nghị về việc chỉ đạo EVN tiếp tục huy động phần công suất chưa có giá bán điện ở dự án nhà máy điện mặt trời 450MW của Tập đoàn Trung Nam.

UBND tỉnh Ninh Thuận dẫn theo báo cáo của chủ đầu tư, việc dừng khai thác công suất chưa có giá điện của dự án từ ngày 1-9-2022, gây thiệt hại cho dự án khoảng gần 2 tỉ đồng/ngày, tính đến thời điểm báo cáo số tiền thiệt hại do dừng huy động công suất lên tới 80 tỉ đồng.

UBND tỉnh Ninh Thuận cho rằng, việc kéo dài thời gian ngừng huy động phần công suất chưa có giá điện của dự án sẽ gây lãng phí nguồn điện từ năng lượng tái tạo, thiệt hại cho nhà đầu tư và ảnh hưởng đến đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Tỉnh Ninh Thuận mong Chính phủ, bộ ngành, EVN sớm giải quyết dứt điểm nhằm tạo niềm tin cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kì tháng 9, diễn ra chiều ngày 1-10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong 450 MW của dự án điện mặt trời Trung Nam, đã có 278 MW được nghiệm thu và đã được EVN ký hợp đồng thống nhất giá mua điện. 172 MW còn lại, theo hợp đồng, EVN vẫn ký kết và mua nhưng hiện nay chưa có cơ chế giá.

"Trong vấn đề này, về phía Trung Nam cũng có những thiếu sót là chưa hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu công trình theo quy định của pháp luật và EVN đã huy động đưa vào lưới điện" - Ông Hải thông tin.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay, cơ quan này đã tổ chức cuộc họp gồm có EVN và Công ty Trung Nam, đã có thông báo ngày 11-3-2022, trong đó nêu rõ việc huy động nhà máy điện, mua bán điện giữa 2 doanh nghiệp dựa trên hợp đồng mua bán đã ký, khả năng truyền tải công suất của lưới điện và nhu cầu phụ tải hệ thống điện từng thời điểm để đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN khai thác, huy động nguồn điện thuộc thẩm quyền của EVN trên cơ sở các thỏa thuận, hợp đồng đã ký giữa 2 bên và quy định của pháp luật khác liên quan. Bộ yêu cầu phía Trung Nam hợp tác với EVN để được xem xét giải quyết trên cơ sở hợp đồng 2 bên đã ký.

Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam khẩn trương phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan để hoàn thành hồ sơ nghiệm thu công trình theo quy định của pháp luật và báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, sau đó có văn bản nghiệm thu của chủ đầu tư theo đúng quy định của pháp luật và các quy định khác.

Bộ Công Thương khẳng định, trong chức năng thẩm quyền của mình sẽ tiếp tục phối hợp với chủ đầu tư, EVN, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để thực hiện theo thẩm quyền và đúng theo quy định pháp luật hiện hành.

Theo quyết định 13/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, đối với tỉnh Ninh Thuận, các dự án điện mặt trời nối lưới đã có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp và có ngày vận hành thương mại trước ngày 1-1-2021 với tổng công suất tích lũy không quá 2.000 MW sẽ được hưởng giá mua bán là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương với 9,35 UScents/kWh), thời gian hưởng giá ưu đãi 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

Tuy nhiên, tính đến hết năm 2020, số lượng dự án điện mặt trời trang trại tại tỉnh Ninh Thuận đã vượt quá 2.000 MW, trong đó có 172,12MW của dự án điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam.

Quyết định số 13 đã hết hiệu lực sau ngày 31-12-2020, đến nay chưa có quyết định mới thay thế. Vì vậy, các dự án điện mặt trời vượt công suất 2.000 MW tại Ninh Thuận và các dự án điện mặt trời khác hoàn thành sau ngày 1-1-2021 vẫn chưa có mức giá mới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới