Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đang làm đình trệ nhiều hoạt động kinh tế - xã hội của TP.HCM, trong đó có các dự án ngầm hóa.
Trong bối cảnh đó, Tổng Công ty điện lực TP.HCM (EVNHCMC) đã chủ động triển khai các công tác chuẩn bị để sẵn sàng cho giai đoạn triển khai các dự án ngầm hóa sau khi hết giãn cách xã hội.
Tự tin từ kết quả đạt được
Trong giai đoạn 2011 - 2020, Tổng Công ty Điện lực TPHCM đã thực hiện thành công những mục tiêu của đề án “Ngầm hóa lưới điện TP.HCM để nâng cao năng lực, độ tin cậy và an toàn cung cấp điện, kết hợp với ngầm hoá dây thông tin trên trụ điện giai đoạn đến năm 2020” do UBND TP.HCM thông qua.
EVNHCMC đã phối hợp cùng các đơn vị như Viettel, VNPT, FPT, SCTV, Tradincorp, Mobifone... thực hiện hoàn thành 240 dự án ngầm hóa tại 195 tuyến đường.
Các tuyến đường ở khu vực trung tâm thành phố đã được ngầm hóa 100% lưới điện.
Theo đó, tỉ lệ ngầm hóa lưới điện trung thế toàn thành phố tăng từ 25% vào năm 2011 lên 45% vào cuối năm 2020 (kế hoạch đề ra là 35%). Đến nay, cơ bản đã hoàn tất ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông khu vực trung tâm TP (quận 1 và quận 3) với tỉ lệ ngầm hóa đạt 98%; khu vực nội thành bao gồm các quận 4, 5, 6, 10, 11, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú và Gò Vấp đạt tỉ lệ 60% (chỉ tiêu đề ra là ngầm hóa khu vực các quận nội thành đạt trên 50%).
Những hiệu ứng tích cực từ đề án ngầm hóa và cáp viễn thông giai đoạn 2011 – 2020 đã được lãnh đạo và người dân thành phố đánh giá cao.
Trong hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện đề án diễn ra vào tháng 2-2021 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã đánh giá rất cao những nỗ lực, giải pháp thực tiễn của các đơn vị để đẩy nhanh tiến độ công tác ngầm hóa trong những năm vừa qua. Các công trình đã sử dụng giải pháp ngầm hóa theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, quản lý tập trung hệ thống công trình hạ tầng ngầm kỹ thuật đô thị.
Đồng thời, sự phối hợp đồng bộ giữa công tác ngầm hoá với việc chỉnh trang, cải tạo vỉa hè, không chỉ đem lại vẻ mỹ quan đô thị, góp phần nâng cao năng lực cung ứng điện, an toàn trong vận hành, mà còn góp phần cải thiện môi trường sống cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển kinh tế xã hội của TP.HCM.
Sẵn sàng triển khai ngay khi hết dịch
Ngày 21-5, UBND TP.HCM thông qua “Đề án Ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa cáp viễn thông trên địa bàn TP.HCM, giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030”. Trong đó giao Tổng Công ty Điện lực TP.HCM tiếp tục là đơn vị nòng cốt triển khai các dự án ngầm hóa của TP.HCM.
Theo đề án, trong giai đoạn từ 2021 – 2025, TP.HCM sẽ tập trung ngầm hóa 1.850 km lưới điện trung, hạ thế và cáp viễn thông. Trong đó, đối với địa bàn quận 1, quận 3, phấn đấu đạt tỷ lệ ngầm hóa 80 - 90% lưới điện hạ thế, 100% lưới điện trung thế. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện ngầm hóa các tuyến đường trung tâm tại các quận nội thành còn lại và các tuyến đường đã thực hiện ngầm hóa một số cung đoạn trong giai đoạn trước.
EVNHCMC cũng từng bước ngầm hóa lưới điện một số tuyến đường trục chính tại các huyện ngoại thành như Củ Chi, Cần Giờ, Bình Chánh, Hóc Môn. Đặc biệt đẩy nhanh việc thực hiện ngầm hóa các tuyến đường, trục đường chính của TP Thủ Đức với các giải pháp tiên tiến nhất phù hợp theo tiêu chuẩn đô thị hiện đại trên cơ sở quy hoạch nhằm đạt mục tiêu ngầm hóa 100% tuyến đường, trục đường trên địa bàn.
Tại Thành phố Thủ đức, 100% các tuyến đường chính đã được ngầm hóa lưới điện.
Trong giai đoạn 2026 – 2030 sẽ cơ bản hoàn tất ngầm hóa lưới điện trung, hạ thế và cáp viễn thông các tuyến đường và hẻm đã được xây dựng ổn định trên địa bàn TP Thủ Đức và các quận nội thành. Đồng thời sẽ tiến hành thực hiện ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông một cách phù hợp theo sự phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn các huyện ngoại thành. Khối lượng ngầm hóa khoảng 850 km lưới điện trung thế (đạt tỉ lệ 60-70% toàn thành, 100% tại các quận trung tâm và TP Thủ Đức) và 1.500 km lưới điện hạ thế (đạt tỉ lệ 40-45% toàn thành và 60% tại TP Thủ Đức).
Đại dịch COVID-19 hiện nay đang làm cho nhiều hoạt động của TP bị ảnh hưởng, trong đó có công tác đầu tư xây dựng, ngầm hóa và chỉnh trang mỹ quan đô thị. Để giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch, phấn đấu hoàn thành tiến độ của đề án ngầm hóa giai đoạn 2021-2030, Tổng Công ty Điện lực TP.HCM đã chủ động triển khai các công tác chuẩn bị như xây dựng kế hoạch chi tiết các dự án, xây dựng các giải pháp thiết kế mới… để sẵn sàng triển khai nhanh chóng các công tác hiện trường khi dịch bệnh được kiểm soát.
Trong thời gian này, EVNHCMC đang triển khai chương trình Chuyển đổi số EVNHCMC giai đoạn 2021-2025. Trong đó đối với công tác đầu tư xây dựng sẽ tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong quản lý thi công và giám sát công trình, giúp nâng cao chất lượng công trình cũng như hiệu quả vận hành hệ thống cáp ngầm sau khi hoàn thành.
Tổng công ty đang phối hợp chặt chẽ cùng các sở, ngành và các đơn vị viễn thông chủ động chuẩn bị điều kiện thi công các công trình ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa cáp viễn thông ngay khi dịch bệnh được kiểm soát. Song song đó là đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý thi công, quyết tâm hoàn thành đề án ngầm hóa 2021-2030 đúng tiến độ và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về tính mỹ quan, văn minh và hiện đại cho TP.HCM.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP.HCM cho biết trong giai đoạn 2021-2025, EVNHCMC đề ra các nhiệm vụ trọng tâm như: Ngầm hóa dứt điểm các tuyến đường liên quận và đã thực hiện ngầm hóa 1 số cung đoạn, các tuyến đường thuộc khu vực trung tâm hành chính, các tuyến đường chính đã được quy hoạch ổn định của các quận, huyện. EVNHCMC cũng hoàn tất các dự án có trong danh mục ngầm hóa khởi công giai đoạn trước và các dự án tái bố trí lưới điện ngầm đồng bộ với các dự án nâng cấp, mở rộng đường, các hạ tầng kỹ thuật khác (viễn thông, cấp, thoát nước…). Ông Nguyễn Văn Thanh kỳ vọng: “Các dự án cải tạo ngầm hóa lưới điện được triển khai hiệu quả, đúng kế hoạch sẽ góp phần giúp EVNHCMC đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện của TP vào năm 2025 với tổng công suất khoảng 7.000 MW; sản lượng điện thương phẩm đạt khoảng 36,4 tỉ kWh với tăng trưởng bình quân 6,8 - 7,1%/năm. Từ đó tiến tới đạt được mục tiêu phát triển ngang tầm các Công ty Điện lực của các nước phát triển trên thế giới”. |