Ngày 8-4 (giờ Mỹ), Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) trình hai đề xuất sửa đổi các qui định ngân hàng.
Đề xuất sửa đổi qui định thứ nhất là vấn đề thanh khoản, số tiền vốn mà một ngân hàng phải duy trì để có thể sẵn sàng sử dụng nếu xảy ra tình trạng khủng hoảng.
Đề xuất thứ hai là nới lỏng tần suất mà các ngân hàng Mỹ và nước ngoài được yêu cầu nộp “di chúc sống”, tức là các tài liệu cho thấy một ngân hàng làm ăn thất bát sẽ kết thúc hoạt động thế nào.
Theo hãng tin AP, các đề xuất chỉ có hiệu lực sau một giai đoạn để dân Mỹ đóng góp ký (sẽ kết thúc vào hè tới) và sẽ sửa đổi thêm dựa trên các góp ý.
Các đề xuất sửa đổi vì lĩnh vực ngân hàng phàn nàn các qui định ban hành -trong một bộ luật năm 2010 sau cuộc cuộc khủng hoảng tài chính 2008- là quá hạn chế.
Khi tranh cử tổng thống Mỹ 2016, tỉ phú Donald Trump từng công kích bộ luật năm 2010, nói nó là một “thảm họa”, vì luật làm giảm số lượng các khoản vay mà các ngân hàng có thể thực hiện, từ đó làm chậm sức tăng trưởng kinh tế.
Các đề xuất sửa đổi được duyệt với 4 phiếu thuận của 4 ủy viên FED. Ông Randal Quarles, người được ông Trump giới thiệu làm phó chủ tịch FED phụ trách giám sát ngân hàng, nói: “Các đề xuất này nhằm tăng tính hiệu quả cho các công ty, mà không làm hại đến khả năng phục hồi mạnh của lĩnh vực tài chính”.
Nhưng nữ ủy viên FED Lael Brainard bỏ phiếu chống, với lý do “các đề xuất này làm suy yếu những biện pháp bảo vệ quan trọng”. Bà nói nó làm tăng rủi ro cho hệ thống tài chính Mỹ và là các đề xuất không cần thiết: “Tôi không thấy có sự thay đổi nào trong môi trường tài chính cần chúng ta làm suy yếu sự bảo vệ cần thiết cho một hệ thống tài chính an toàn, và bảo đảm cho các ngân hàng lớn có chỗ bám trong một cuộc khủng hoảng tài chính, chứ không bảo đảm cho dân đóng thuế”.
Hạ tuần tháng 3, FED đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản trong vùng mục tiêu 2,25 % - 2, 5 %. Lãi suất của FED là một yếu tố quan trọng để xác định lãi suất đối với phần lớn khoản nợ tiêu dùng như thẻ tín dụng và khoản vay tiền mua nhà.
FED cũng quyết định sẽ không phát tín hiệu tăng lãi suất trong năm 2019.
Cuối năm 2018, các thành viên Ủy ban Thị trường Mở (FOMC) đã ước tính hai đợt nâng lãi suất trong năm 2019 sẽ là động thái hợp lý, sau 4 đợt nâng năm 2018.