Theo Báo cáo e-Conomy SEA mới nhất do Google, Temasek và Bain & Company công bố, thanh toán kỹ thuật số của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Với tổng giá trị giao dịch tăng từ 105 tỉ USD trong năm 2022 lên 149 tỉ USD vào năm 2024, dự kiến đạt 300 - 350 tỉ USD vào năm 2030.
Ngân hàng số phát triển mạnh
Mới đây, Visa cho biết, ngân hàng số Cake by VPBank (Cake) vừa trở thành ngân hàng đầu tiên hợp tác với Visa triển khai thành công hệ thống quản lý thẻ toàn diện trên điện toán đám mây tại Việt Nam.
Đáng chú ý, Cake cũng là đơn vị đầu tiên trên thế giới triển khai thành công hệ thống này thông qua hạ tầng Google Cloud.
Sự hợp tác này đánh dấu bước đột phá quan trọng trong hiện đại hóa quy trình thanh toán và khẳng định vị thế tiên phong về giải pháp công nghệ số trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam.
Được biết, gần đây Cake đã cho vận hành công nghệ thẻ ghi nợ ảo dùng một lần đầu tiên của Việt Nam trên nền tảng Visa Cloud Connect.
Ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc Quốc gia, Google Cloud Việt Nam cho biết: "Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi sang hình thức thanh toán không tiền mặt một cách nhanh chóng. Với hệ thống quản lý thẻ toàn diện ứng dụng Visa Cloud Connect của Cake lần đầu tiên trên thế giới được triển khai trên Google Cloud, giúp mang lại trải nghiệm thanh toán thuận tiện, liền mạch và an toàn cho khách hàng”.
Bà Đặng Tuyết Dung - Giám đốc Visa Việt Nam và Lào, chia sẻ: “Hệ thống quản lý thẻ trên nền tảng đám mây giúp nâng cao hiệu quả vận hành và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, phù hợp với tầm nhìn của Visa về một tương lai số hóa tại Việt Nam. Điều này cũng nhấn mạnh cam kết của Visa trong việc hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực fintech và thúc đẩy tài chính toàn diện tại khu vực”.
Nhìn từ phía cơ quan quản lý, Phó Thống đốc NHNN, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh: "Việt Nam có quy mô thị trường lớn với gần 100 triệu dân, nếu không có giải pháp đột phá, không sử dụng công nghệ sẽ khó tăng tốc. Mặc dù thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả trong ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số dịch vụ tài chính, song thực trạng bức tranh tiếp cận dịch vụ cho thấy vẫn còn dư địa lớn để cải thiện".
Giao dịch số tại nhiều ngân hàng đạt 97%
Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng giám đốc Vietinbank nhìn nhận: Sự bùng nổ của công nghệ đã mang đến vô vàn tiện ích cho khách hàng, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính. Ngày càng nhiều dịch vụ và sản phẩm tài chính ra đời, đáp ứng đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng.
Thực tế cho thấy, tại nhiều ngân hàng thương mại hiện đang có tới 97% số lượng giao dịch thực hiện trên kênh số.
Đồng quan điểm, TS Trần Văn - Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) phân tích: Việc áp dụng công nghệ giúp các dịch vụ tài chính - ngân hàng có thể được cung cấp ở bất cứ nơi nào, kể cả không có sự hiện diện của ngân hàng. Nhờ đó, những rào cản đối với tài chính toàn diện như thu nhập, chi phí và khoảng cách địa lý gần như được xóa bỏ, giúp cho cả những người nghèo, người thu nhập thấp - những đối tượng trước đây chưa từng tiếp cận với dịch vụ tài chính có điều kiện tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính thuận lợi hơn.
Nhưng khi chuyển đổi ngân hàng số, vấn đề an ninh, an toàn trên không gian mạng càng trở thành những vấn đề “sống còn” đối với hệ thống tài chính ngân hàng không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, theo số liệu từ Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin truyền thông), nửa đầu năm 2024, số sự cố tấn công mạng vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng là 341, chiếm 13,7% tổng số sự cố được báo cáo từ 230 thành viên mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia. Đặc biệt, trong các vụ tấn công nặng bằng mã độc tống tiền thì nhiều tổ chức trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng là đích đến “yêu thích” của các tin tặc và các đối tượng lừa đảo.