Theo báo cáo, nguyên nhân chính gây ra hiện tượng cá chết tại khu vực biển Vũng Áng và ven biển các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế là do các độc tố Phenol, Xyanua từ nguồn thải của Công ty Formosa Hà Tĩnh.
Các nhà khoa học đã xác định độc tố Phenol và Xyanua kết hợp với Hydroxit sắt, tạo thành một dạng phức hỗn hợp (Mixel), có tỉ trọng lớn hơn nước biển, theo dòng hải lưu di chuyển theo hướng Bắc - Nam từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế là nguyên nhân chính làm hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt, nhất là ở tầng đáy.
Nhà máy của Công ty Formosa Hà Tĩnh (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh)
Báo cáo cũng nhấn mạnh sự cố môi trường do Formosa xả thải đã gây ra hậu quả hết sức nghiêm trọng đến đời sống xã hội trên địa bàn, từ kinh tế, xã hội, môi trường đến an ninh trật tự; ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, việc làm, thu nhập, tâm lý, sinh hoạt của người dân, đặc biệt là khu vực ven biển.
Từ ngày 6 đến 18-4, tại khu vực ven biển thuộc thị xã Kỳ Anh các loại thủy sản nuôi trồng chết khoảng 82 tấn; các loại thủy, hải sản tự nhiên chết trôi dạt vào bờ đã được thu gom, chôn lấp khoảng 10 tấn.
Số liệu tổng hợp kết quả kê khai bước đầu cho thấy ở Hà Tĩnh sự cố môi trường đã gây ảnh hưởng đến gần 7.000 tàu khai thác thủy sản, hơn 2.000 ha nuôi trồng thủy sản, 31.500 m3 nuôi lồng bè, hơn 113 ha sản xuất muối.
Lao động ở Hà Tĩnh bị ảnh hưởng hơn 40.800 người, trong đó lao động trực tiếp bị ảnh hưởng 35.530 người (bao gồm 19.000 lao động trên tàu cá), lao động gián tiếp bị ảnh hưởng hơn 5.300 người. Khối lượng hải sản tồn kho hơn 2.000 tấn.
Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành và tỉnh Hà Tĩnh có nhiều chính sách hỗ trợ cho các ngư dân, doanh nghiệp nuôi, kinh doanh hải sản...
Công tác chỉ đạo, giám sát việc khắc phục hậu quả của Công ty Formosa Hà Tĩnh đang được tập trung theo dõi chặt chẽ.