Chiều 13-1, thầy trò Nguyễn Đình Hoàng của đội tuyển futsal nữ Việt Nam đã lên đường sang Myanmar chơi vòng loại giải futsal nữ châu Á. Thủ quân Thanh Hằng và đồng đội hứa hẹn thi đấu hết sức mình để hướng đến mục tiêu cao nhất, khi lần lượt gặp các đối thủ dưới cơ Myanmar (ngày 15-1), Macau (ngày 17-1) và Đài Loan (ngày 19-1).
Chỗ nào khó, có ’người không phổi” Thùy Trang
Đội trưởng Thanh Hằng chia sẻ, đội tuyển futsal nữ Việt Nam đã chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt trong hơn một tháng qua và đang rất tự tin góp mặt tại vòng loại châu Á 2025 với mục tiêu giành vé nhất bảng. Đây không phải là lời hứa suông, vì thầy trò Nguyễn Đình Hoàng mạnh nhất bảng D, hiện đứng thứ 11 thế giới, hạng 4 châu Á trên bảng xếp hạng FIFA.
Cơ hội lớn giành vé chơi vòng chung kết châu Á và thế giới
Theo điều lệ của vòng loại futsal châu Á có bốn bảng, các đội ở mỗi bảng thi đấu vòng tròn một lượt, chọn hai đội đứng đầu, cùng đội thứ 3 có thành tích tốt nhất giành quyền tham dự vòng chung kết châu Á 2025. Tổng cộng có 9 đội vượt qua vòng loại, cùng 3 đội vào thẳng vòng chung kết là chủ nhà Trung Quốc, đương kim vô địch Iran và nhà á quân Nhật Bản.
Futsal World Cup nữ diễn ra tại Philippines vào cuối năm 2025 (từ ngày 21-11 đến ngày 7-12) cũng là lần đầu tiên do FIFA tổ chức. Theo đó, châu Á có 3 suất đến với ngày hội futsal nữ lớn nhất hành tinh sẽ thuộc về 3 đội có thành tích cao nhất ở vòng chung kết Asian Cup diễn ra tại Trung Quốc từ ngày 7 đến ngày 18-5-2025.
Hiện tại ở châu Á, đội tuyển futsal nữ Việt Nam chỉ xếp sau lần lượt Thái Lan, Iran, Nhật Bản, đứng trên Uzbekistan, Indonesia, Đài Loan, Trung Quốc,… nên cơ hội giành 1 trong 3 suất đá giải thế giới rất khả thi. Thầy trò Nguyễn Đình Hoàng càng có nhiều niềm tin hơn khi vừa đánh bại Thái Lan hai lần tại cuộc chơi giao hữu và chính thức ở giải vô địch Đông Nam Á hồi cuối năm 2024.
Và với thành tích ấn tượng trong năm 2024, đội tuyển futsal nữ Việt Nam đã xuất sắc lọt vào tốp 10 đội tuyển futsal nữ Quốc gia, sánh vai cùng các đội hàng đầu thế giới như Brazil, Iran, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Uzbekistan, Phần Lan, U-20 Colombia và New Zealand.
Sức bật của futsal nữ Việt Nam
Trong năm 2024, đội tuyển futsal nữ Việt Nam đã giành hai chức vô địch Đông Nam Á và giải futsal Quốc tế Thái Lan, cùng với huy chương bạc ở giải quốc tế tại Trung Quốc, ghi dấu ấn mạnh mẽ trên bản đồ futsal thế giới. HLV Nguyễn Đình Hoàng cũng nằm trong tốp 10 nhà cầm quân đội tuyển nữ futsal hay nhất thế giới.
Trước ngày tuyển nữ futsal Việt Nam lên đường sang Myanmar dự vòng loại châu Á, phó Chủ tịch VFF Trần Anh Tú dặn dò toàn đội không ngủ quên trên chiến thắng ở Đông Nam Á 2024, quyết tâm ra sân bằng chuyên môn và tinh thần cao nhất. Ông Tú lấy hình ảnh các chiến binh nam Việt Nam vừa vô địch AFF Cup 2024 để làm gương cho sự đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi trở ngại để giành ngôi đầu bảng D, là chiếc vé tham dự vòng chung kết futsal nữ châu Á 2025.
Trong hơn một tháng rèn luyện tại TP.HCM, đội tuyển futsal nữ Việt Nam có hai trận đá tập với quân xanh là các cầu thủ futsal nam, giúp HLV Nguyễn Đình Hoàng ổn định nhân sự lẫn cách chơi cho các học trò. Lực lượng này gồm nhiều cựu binh dày dạn kinh nghiệm, kết hợp với sức trẻ từng vô địch Đông Nam Á như Thùy Trang, Thanh Hằng, Thanh Ngân, Thùy Linh, Biện Thị Hằng, K'Thủa, Nguyệt Vi, Thu Xuân,...
Và sau khi rút gọn danh sách chính thức cho vòng loại châu Á ở Myanmar, ông Hoàng bày tỏ: “14 tuyển thủ cho giải lần này đang có phong độ tốt nhất và phù hợp với ý đồ của ban huấn luyện. Mục tiêu của tuyển nữ futsal Việt Nam chắc chắn không chỉ là vượt qua vòng loại mà hướng đến vị trí đầu bảng. Thực sự các đối thủ trong bảng không quá mạnh so với Việt Nam, dù biết rằng sau những thành công vừa qua, chúng tôi sẽ gặp khó khăn nhiều hơn, do đội bạn sẽ cẩn trọng và phân tích kỹ hơn”.
Các bảng đấu ở vòng loại futsal nữ châu Á 2025
Bảng A gồm chủ nhà Thái Lan, Lebanon, Bahrain, Palestine và Iraq, thi đấu tại sân vận động Nonthaburi (Thái Lan); Bảng B có chủ nhà Indonesia, Hong Kong, Ấn Độ và Kyrgyzstan); Bảng C gồm có Uzbekistan, Turkmenistan, Úc, Philippines và Kuwait, thi đấu ở sân Yunusobod Sport Complex (Tashkent, Uzbekistan); Bảng D bao gồm Việt Nam, Đài Loan, Macau và chủ nhà Myanmar.