Gạc Ma đã tạc vào lịch sử!

Sáng 14-3, tại Quảng Bình và TP Đà Nẵng, đồng đội, người thân và người dân đã tổ chức tưởng niệm 64 chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam anh dũng ngã xuống trong trận hải chiến Trường Sa với quân xâm lược Trung Quốc.

Tại nghĩa trang liệt sĩ phường Quảng Phúc (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình), đồng đội và mẹ của liệt sĩ Trần Văn Phương (người tiên phong giữ ngọn cờ Gạc Ma đến phút cuối cùng), bà Hồ Thị Đức đã làm một mâm cúng nhỏ, thắp sáng 64 ngọn đèn tượng trưng cho 64 liệt sĩ đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển.

Theo bước chân tri ân, những cựu binh Gạc Ma lần lượt dâng những nén hương thơm lên phần mộ liệt sĩ Trần Văn Phương cùng phần mộ những liệt sĩ khác đang an nghỉ tại nghĩa trang này. Các anh mừng tủi, ôm lấy nhau và vây quanh mẹ Đức. Không khí như chùng xuống, khi câu nói của liệt sĩ Trần Phương như được truyền tai nhau và sống lại trong giây phút này: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của quân chủng hải quân anh hùng”. Mẹ Hồ Thị Đức nghẹn ngào nói về đứa con trai của mình: “Mẹ lấy chồng, sinh được bốn thằng con trai, thằng Phương là con đầu. Nó lấy vợ mới bảy tháng thì hy sinh ngoài đảo Gạc Ma. Hồi đó, vợ nó mới mang bầu được vài tháng. Nó hy sinh khi chưa kịp nhìn mặt con gái của mình”. 

Mẹ của liệt sĩ Trần Văn Phương và đồng đội tưởng niệm 64 chiến sĩ hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma. Ảnh: LÊ VĂN

Đồng đội và người thân làm lễ tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma năm xưa với quân xâm lược Trung Quốc tại Đà Nẵng. Ảnh: LÊ PHI

Được biết sau cuộc chiến Gạc Ma, tỉnh Quảng Bình có 13 liệt sĩ hy sinh, hiện còn 12 cựu binh Gạc Ma đang sinh sống bằng nhiều nghề khác nhau. Những năm gần đây, anh Lê Hữu Thảo, người từng tham gia trận hải chiến Gạc Ma đã đứng ra thành lập Ban liên lạc cựu binh hải quân 604 (đặt tên theo tàu HQ 604) để nhớ về đồng đội mình.

Cứ đến ngày 14-3 hằng năm, anh Thảo đều cùng với các cựu binh Gạc Ma hẹn nhau tập trung về Quảng Bình để tổ chức lễ cúng tưởng nhớ liệt sĩ Trần Văn Phương và các đồng đội của mình đã anh dũng ngã xuống vì chủ quyền Tổ quốc. 

Anh Thảo chia sẻ: “Buổi lễ tri ân này chính là điểm hẹn đặc biệt, nơi chúng tôi gặp gỡ, động viên nhau vượt lên khó khăn để góp sức xây dựng đất nước trong thời bình. Hằng năm chúng tôi hẹn nhau đến đây để nhớ về những đồng đội của mình đã ngã xuống. Các anh không cô đơn mà luôn có chúng tôi bên cạnh”.

Cùng ngày, tại cầu cảng Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II, TP Đà Nẵng, Ban liên lạc công binh hải quân đã tổ chức lễ tưởng niệm 64 anh hùng liệt sĩ hy sinh trong trận chiến bảo vệ Gạc Ma 28 năm trước.

Trong không khí xúc động, mọi người cùng hướng mắt về phía biển xa nơi 64 chiến sĩ anh hùng hy sinh nằm lại với biển thiêng của Tổ quốc. Vòng hoa tươi với dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma-Trường Sa ngày 14-3-1988” cùng đèn hoa đăng đã được đồng đội gửi theo con sóng đến với các anh. Hoa đăng đã trôi ra thật xa mà ai cũng mỏi mòn ngóng nhìn biển, những giọt nước mắt cay xè. Mọi người thầm nhủ các anh nằm xuống để dân tộc này đứng lên và trường tồn.

Đừng bao giờ quên

Chiều 14-3, tại xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa (Phú Yên), gần 300 cựu chiến binh Trường Sa các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận gặp mặt truyền thống tưởng niệm 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988.

Nhiều hình ảnh xúc động diễn ra khi các cựu binh Trường Sa được gặp lại những đồng đội của mình. Các cựu binh ôm chầm lấy nhau, xúc động nhớ về những ngày cầm súng bảo vệ biển, đảo máu thịt của Tổ quốc. Khi xem lại đoạn phim về sự kiện Gạc Ma, hay trong phút tưởng niệm 64 đồng đội của mình, nhiều cựu binh Trường Sa nghẹn ngào khi nhắc lại sự kiện đẫm máu quân xâm lược Trung Quốc tàn sát 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam để cướp đảo Gạc Ma. Phát biểu trước những đồng đội cũ của mình, ông Đào Thái Thi, Trưởng Ban liên lạc cựu chiến binh Trường Sa ở Phú Yên, xúc động nói: “Chúng ta đừng bao giờ quên những đồng đội đã anh dũng hy sinh, bỏ mình ngoài đảo xa mãi mãi không về. Tôi mong rằng tất cả cựu chiến binh Trường Sa hãy luôn sống xứng đáng với sự hy sinh của đồng đội mình, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân”. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đắc Thạnh, nguyên thuyền trưởng tàu 41, cũng bày tỏ sự xúc động trước tình cảm của những người lính Trường Sa. Những cựu chiến binh của tàu không số năm xưa cùng cựu binh Trường Sa đã cùng nhau ôn lại truyền thống hào hùng trong cuộc chiến bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc.

TẤN LỘC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới