Chẳng biết từ lúc nào, câu “Gà nào ngon bằng gà Cao Lãnh / Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân?” đã đi vào tiềm thức người dân sông nước đồng bằng sông Cửu Long. Lý giải về “người đẹp Nha Mân”, người thì cho rằng gái xứ này đẹp do thiên nhiên ưu đãi nước ngọt trong lành, cây trái xum xuê và có sự hòa hợp huyết thống giữa ba dân tộc; người lại bảo do đoàn tùy tùng chạy theo Nguyễn Ánh ở lại vùng đất Nha Mân (xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) rồi sinh con đẻ cháu. Và gần đây, việc phát hiện gần chục bao tiền niên hiệu thời Gia Long, Minh Mạng càng khiến dư luận chú ý hơn. Lý giải sao chuyện người đẹp Nha Mân?
Chuyện người đẹp Hai Liên
Nhắc đến người đẹp xứ Nha Mân thì người dân vùng này hay liên tưởng ngay đến câu chuyện có pha chút huyền bí về cô gái sắc nước hương trời Hai Liên. Chuyện kể rằng vào năm Mậu Ngọ (1858) niên hiệu Tự Đức thứ 11, tại thôn Phú Nhuận (tổng An Mỹ, huyện An Xuyên, tỉnh An Giang, nay là ấp Tân Hòa, xã Tân Nhuận Đông, Châu Thành, Đồng Tháp, tức xứ Nha Mân), ông Hương Cả tên Phạm Văn Cần sinh được một người con gái tên Phạm Thị Liên (thường gọi là cô Hai Liên hay Hai Hiên). Càng lớn, cô càng xinh đẹp nhất vùng. Thoắt đó, cô đã tròn đôi tám giữa vùng quê sông nước hiền hòa, cây lành trái ngọt. Nhiều trai tráng trong vùng vốn danh gia, thế phiệt mang trầu cau dạm hỏi nhưng đều bị cô từ chối.
Biểu tượng tiền cổ được dựng trước chợ Nha Mân mới. Ảnh: HIỂN NHIÊN
Vào một buổi chiều (25-8, năm Mậu Thìn -1858), đang dạo chơi trên bờ sông Nha Mân, bỗng cô nghe tiếng gọi đò. Người đưa đò đi vắng. Bên kia bờ, tiếng bà lão gọi hối hả như cần kíp một chuyện gì. Động lòng, cô nhanh nhảu nhảy xuống chèo đò sang sông rước bà lão. Ghe vừa ra đến giữa sông Nha Mân, nước chảy xiết, bất ngờ cô chới với té nhào xuống sông. Mọi người tri hô nhảy ùm xuống lặn hụp mò tìm. Chừng ông Cả hay tin, chạy ra vớt con lên thì cô đã nhắm mắt xuôi tay mất rồi. Đau lòng trước cái chết của cô con gái, ông oán trách cao xanh. Nhà ông lâu nay vẫn thờ bức tượng Quan Công, biểu trưng cho lòng trung cang nghĩa khí. Trước nỗi đau mất con, ông cứ trăn trở sao ngài Quan Công không soi xét công minh để ông phải mất đi đứa con gái mà ông yêu quý nhất trên đời. Trong cơn quẫn trí, ông cầm lấy tượng Quan Công để lên thi hài con gái với ý nghĩ là Quan Công sẽ phân giải khi Diêm Vương phán xét. Kỳ lạ thay, mấy ngày sau, người trong làng hằng ngày cứ đến nhà kể cho ông nghe chuyện thường xuyên gặp cô Hai đi chợ. Rồi chuyện cô Hai “quá giang” ghe bầu dân ra Huế. Ghe nào được cô quá giang thì hoàn toàn an toàn khi có sóng to gió lớn. Từ đó, người Nha Mân lập miếu thờ cô Hai ở ấp Tân Thuận thuộc xứ Nha Mân ngày nay. Cứ vào ngày 25-8 âm lịch hằng năm, người dân khắp nơi, có cả TP.HCM đổ về đây cúng lễ.
Ngược thời gian, 200 năm trước, từ vùng Cái Tàu hạ này (dưới Nha Mân 3 km) đến hạ lưu sông Tiền, cách Nha Mân 13 km là rạch Cái Tàu thượng, một vùng đất có rất đông người Hoa sinh sống. Vùng đất này từ lâu đã có sự giao thoa văn hóa, huyết thống… giữa ba dân tộc Việt - Hoa - Khmer. Câu chuyện về cô Hai Liên (với các chi tiết như tín ngưỡng thờ Quan Công của người Hoa, việc lập miếu thờ cô Hai Liên như tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ của người Việt) phần nào cũng đã minh chứng cho luận điểm thứ nhất: Sự giao thoa huyết thống, ưu đãi thiên nhiên khiến con gái vùng này xinh đẹp nức tiếng.
Con cháu của thê tử Nguyễn Ánh?
Cùng với câu chuyện về người đẹp Hai Liên còn có giả thuyết về chuyện Nguyễn Ánh “chạy giặc” Tây Sơn xuôi phương Nam bỏ rơi bồ đoàn thê tử.
Vào đêm 19 rạng 20-1-1785, quân Tây Sơn - Nguyễn Huệ bày trận đánh tan tác hai vạn quân và 300 chiến thuyền của quân Xiêm (do Nguyễn Ánh cầu viện) trên sông Rạch Gầm - Xoài Mút (Tiền Giang ngày nay). Ở phía sau, Nguyễn Ánh nghe tàn quân báo hung tin thất trận, vội quay thuyền đưa toàn bộ bồ đoàn thê tử chạy theo sông Tiền tìm đường trốn sang Xiêm. Trên đường tháo chạy, vì bị quân Tây Sơn truy đuổi gắt gao, người đông, thuyền nặng nên Nguyễn Ánh đã gạt nước mắt bỏ lại hàng trăm cung tần mỹ nữ dọc đường. Họ vào tá túc ở các làng ven sông Tiền, nay thuộc Nha Mân (Châu Thành, Đồng Tháp) và Mỹ Luông (Chợ Mới, An Giang). Những mỹ nhân bị rơi rớt trôi dạt sau đó lấy chồng là người địa phương, sinh con đẻ cái.
Thôn nữ xứ Nha Mân ngày nay. Ảnh: HOÀNG VŨ
Không đồng tình cách lý giải này, ThS Nguyễn Hữu Hiếu - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp bảo rằng: Theo sách Nguyễn Phúc tộc thế phả (gia phả nhà Nguyễn), năm lên 13 tuổi (1774), Nguyễn Ánh đã bắt đầu “chạy giặc” vào miền Nam khi quân Trịnh tấn công vào Thuận Hóa. Những năm sau đó, cuộc chiến giữa Nguyễn Ánh và quân Tây Sơn diễn ra ngày càng khốc liệt. Tính từ lúc Nguyễn Ánh vào Gia Định (1775) cho đến trận Rạch Gầm - Xoài Mút (1785), đây là khoảng thời gian Nguyễn Ánh phải bôn tẩu khắp nơi, lúc thì trốn chạy, lúc lo gầy dựng binh lực để đánh quân Tây Sơn. Trong hoàn cảnh như vậy, khó có thể mang theo bồ đoàn thê tử hàng trăm người.
Phát hiện tiền cổ thời Minh Mạng
Giả thuyết gái đẹp Nha Mân quanh chuyện “bồ đoàn thê tử” của Nguyễn Ánh càng được chú ý khi vào cuối năm 2005, công nhân đào đất xây cống thoát nước làm chợ mới Nha Mân đã phát hiện một hòm gỗ lớn đựng rất nhiều tiền cổ. Lượng tiền cổ có đến vài trăm ký được đào lên, bỏ vào hàng chục vỏ bao xi măng Hà Tiên để đưa về Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp.
Còn nhớ, thời điểm ấy có một cán bộ nhận định: “Có thể số tiền cổ này là do tùy tùng của vua Gia Long đi ngang qua rồi dừng chân sống luôn tại đây”. Tuy nhiên, số tiền cổ sau đó được xác định gồm hai loại tiền Gia Long và Minh Mạng. Tiền đúc thời nhà Nguyễn được chia làm hai loại: Một loại được vua dùng để ban thưởng, còn một loại có ghi niên hiệu nhà vua cùng hai chữ: Thông bảo (đảm bảo được phép lưu hành trong nhân dân). Số tiền cổ này thuộc loại thứ hai gồm Gia Long thông bảo và Minh Mạng thông bảo. Có lẽ đã rõ, số tiền cổ này chỉ được chôn từ thời Minh Mạng trở về sau. Cũng có ý kiến cho rằng khi quân Pháp đánh chiếm các tỉnh Nam Kỳ, nhà Nguyễn chạy loạn rồi đem chôn số tiền ở khu vực này. Song, Pháp đánh các tỉnh Nam Kỳ vào thời vua Tự Đức nhưng trong hòm gỗ không có sự hiện diện của tiền cổ thời này?
Theo địa bạ lục tỉnh Nam Kỳ được lập vào thời Minh Mạng (1836), đất đai ở thôn Tân Hựu (bao gồm cả Nha Mân) có đến 4.848 mẫu, đứng đầu trong tổng số 1.637 thôn, làng ở toàn lục tỉnh Nam Kỳ. Vùng đất Nha Mân ngày xưa là nơi phát triển phồn thịnh, tập trung đông đảo cư dân giàu có. Một giả thuyết đặt ra là tiền cổ trên có thể thuộc sở hữu của một gia đình giàu có nào đó. Bà Nguyễn Ánh Hồng (60 tuổi) - nhà đối diện chợ Nha Mân kể: “Nơi xây chợ ngày trước là một nghĩa địa hoang vô chủ. Nằm cạnh khu nghĩa địa là đất đai của hai gia đình rất giàu có: ông Trần Văn Giáp và ông Hai Bồi. Bà con xung quanh không nhớ rõ hai gia đình này đã có mặt ở đây từ khi nào, chỉ biết là rất lâu đời. Bây giờ, ông Hai Bồi đã chết, con cái ông cũng mù mờ về gốc tích của số tiền cổ này”.
Theo Đại Nam nhất thống chí, chợ Nha Mân đã xuất hiện rất lâu đời. Khoảng năm 1679, người Hoa đến sinh sống hai bên bờ rạch Nha Mân. Những người Hoa này rất giỏi mua bán, đã từng bước góp phần hình thành một số chợ trong khu vực như Nha Mân, Cái Tàu Hạ… Năm 1779, khi quân Tây Sơn tiến quân vào Nam Bộ truy quét chúa Định vương Nguyễn Phước Thuần, những vùng tập trung đông đảo người Hoa như: Cù lao Đại Phố (Nông Nại), Sài Gòn/Chợ Lớn, Mỹ Tho Đại Phố… bị tàn phá nặng. Để tránh họa chiến tranh, họ đã di tản khắp nơi, trong đó có các vùng dọc hai bờ sông Tiền, sông Hậu như: Nha Mân, Cái Tàu Hạ, Sa Đéc… Sự góp mặt của họ đã làm cho chợ Nha Mân, Cái Tàu Hạ ngày một phát triển sung túc hơn. |
NGUYÊN VẸN - HIỂN NHIÊN