Gần 50% sản phẩm nhựa sử dụng một lần rồi thải bỏ

(PLO)- Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất và tiêu thụ nhựa nhiều nhất thế giới với lượng tiêu thụ hàng năm lên tới 1,8 triệu tấn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam thông tin tại lễ kỷ niệm hai năm thành lập Hiệp hội tái chế chất thải Việt Nam vào ngày 26-5: "Mỗi ngày trên cả nước phát sinh khoảng 64.000 tấn rác thải sinh hoạt.

Hiện cả nước có 1.322 cơ sở xử lý rác thải sinh hoạt, trong đó có 381 lò đốt rác, 37 dây chuyền chế biến phân compost, hơn 904 bãi chôn lấp.

Tuy nhiên, theo thống kê gần đây, 85% lượng rác thải đang được xử lý bằng cách chôn lấp, gây ra lãng phí và ô nhiễm môi trường."

Rác thải ở Việt Nam chủ yếu được xử lý bằng cách chôn lấp. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Rác thải ở Việt Nam chủ yếu được xử lý bằng cách chôn lấp. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Hiện nay, gần 50% sản phẩm nhựa được sử dụng cho mục đích dùng một lần và thải bỏ. Trong tổng lượng thải bỏ này chỉ có một số lượng nhỏ được thu gom, tái chế, phần còn lại được xử lý chôn lấp hoặc đốt.

Hiệp hội tái chế chất thải Việt Nam kỷ niệm hai năm thành lập. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Hiệp hội tái chế chất thải Việt Nam kỷ niệm hai năm thành lập. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

"Việc phát sinh rác thải ngày càng lớn đã tạo sức ép lên toàn bộ máy quản lý môi trường của nhà nước, Chính phủ.

Tuy các cơ chế chính sách ngày càng hoàn thiện để quản lý, xử lý rác thải hiệu quả hơn nhưng hiện vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đối với việc quản lý rác thải khi tỉ lệ thu gom, phân loại tại nguồn còn chưa cao" - ông Việt Anh nói,

Theo thông tin từ Hiệp hội tái chế chất thải Việt Nam, Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất và tiêu thụ nhựa nhiều nhất thế giới với lượng tiêu thụ hàng năm lên tới 1,8 triệu tấn.

Tuy nhiên, hệ thống quản lý rác thải của Việt Nam hiện nay vẫn còn hạn chế, do đó, một phần lớn rác thải nhựa đang được xả thẳng ra môi trường, gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Ngoài ra, việc thu gom và xử lý rác thải nhựa cũng chưa được triển khai đầy đủ và hiệu quả, gây khó khăn cho việc bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Trong thời gian qua, Hiệp hội tái chế chất thải Việt Nam đã cùng Bộ TN&MT giám sát và hỗ trợ việc thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, phản ánh và đóng góp những ý kiến của các hội viên và doanh nghiệp tái chế nhằm quản lý, sử dụng tiền đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì, thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu.

Tại buổi lễ, ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT ghi nhận những đóng góp của hiệp hội và mong muốn trong thời gian tới hiệp hội sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ TN&MT để quản lý chất thải một cách hiệu quả.

"Hiệp hội đã đồng hành, phối hợp với Bộ TN&MT trong việc xây dựng chính sách pháp luật về môi trường, trong đó có lĩnh vực tái chế.

Trong thời gian tới, hiệp hội nên có giải pháp để nâng cao hiệu quả tái chế. Chúng tôi dự kiến sẽ công bố danh sách các đơn vị có năng lực, công nghệ tái chế để các nhà sản xuất lựa chọn." - ông Hùng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm