Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&TM). tính đến cuối tháng 6-2018, chỉ tính riêng các cảng tại TP.HCM và Hải Phòng đã có gần 6.000 container phế liệu nhập khẩu tồn đọng. Trong đó, tại khu vực TP.HCM tồn đọng khoảng 4.480 container (riêng cảng Cát Lái là 3.464 container), trong số này có hơn 2.000 container tồn đọng trên 90 ngày. Tại Hải Phòng có khoảng 1.244 container rác tồn đọng, trong đó có 737 container tồn đọng trên 90 ngày.
“Ước tính, khoảng 20% là phế liệu giấy và 80% là phế liệu nhựa và phế liệu khác” - ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, thông tin. Theo ông Thức, việc tồn đọng các container phế liệu nhập khẩu tại các cảng biển đang là mối quan tâm lớn của dư luận, xã hội. Hiện trường làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cảng, làm chậm lưu thông hàng hóa, giảm dung lượng bãi chứa container; ảnh hưởng đến hoạt động của hải quan, ảnh hưởng đến hoạt động của các hãng tàu, làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp. Đặc biệt, lượng rác tồn đọng tại các cảng này có nguy cơ gây hại đến môi trường của Việt Nam, gây tốn kém cho ngân sách khi buộc phải tiêu hủy các container rác vô chủ...
“Trong tháng 7-2018, các cảng biển sẽ kiểm đếm, phân loại xong số lượng các container thuộc diện “vô chủ” hay không. Chỉ có container tồn đọng quá 90 ngày mới phải đưa vào xác định là vô chủ hay không. Sau khi xác định là vô chủ thì sẽ tiến hành đấu giá cho các doanh nghiệp chế biến rác thải trong nước xử lý nếu đây là hàng cho phép nhập. Nếu là hàng không được nhập sẽ yêu cầu tái xuất hoặc nhà nước phải buộc phải bỏ ngân sách tiêu hủy và việc này rất tốn kém” - ông Thức nói.
Ông Hoàng Văn Thức, Tổng Cục phó Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) phát biểu tại cuộc họp báo.
Nói về nguyên nhân của tình trạng tồn đọng phế liệu tại các cảng biển, ông Thức cho biết từ cuối năm 2017, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành quy định dừng nhập khẩu 24 loại phế liệu phục vụ tái chế, gồm tám loại phế liệu nhựa nguồn gốc sinh hoạt, 11 loại phế liệu dệt may, bốn loại phế liệu quặng và một loại phế liệu giấy (trong đó có một số mã phế liệu nhựa và giấy trùng với danh mục phế liệu được phép nhập khẩu của Việt Nam).
“Việc này đã tác động tiêu cực, dẫn đến các nước trước đây vẫn xuất khẩu chất thải rắn, phế liệu sang Trung Quốc như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Canada, các nước Bắc Âu… sẽ phải tìm đối tác, thị trường nhập khẩu mới như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia. Do đó, một số lượng lớn hàng phế liệu nhập khẩu từ các nước phát triển đã tràn về khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng các container tại các cảng biển, đặc biệt là phế liệu nhựa và giấy” - ông Thưc nói.
Cũng theo ông Thức, bên cạnh đó còn có một số tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu gian lận thương mại như giả mạo giấy tờ, dùng địa chỉ ma để nhập phế liệu về các cảng biển...
“Hiện nay Việt Nam chưa có cơ chế phòng ngừa, kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu từ xa, từ ngoài biên giới; chỉ khi tàu cập cảng, hàng hóa được vận chuyển sắp xếp lên bờ mới làm thủ tục thông quan, mới kiểm tra giấy phép nhập khẩu phế liệu. Vì thế, chúng ta luôn bị động phải đối phó với những chủ tàu, chủ hàng cố tình vi phạm hoặc gian lận nhập phế liệu không đúng hoặc không có giấy phép vẫn nhập về…” - ông Thức nói.
Ông Thức cho hay trước hiện tượng này, vào ngày 12-7, bộ trưởng Bộ TN&MT đã tổ chức cuộc họp với sáu bộ ngành liên quan để xử lý vấn đề rác thải tồn đọng tại các cảng. Đồng thời Bộ cũng tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện chính sách về quản lý phế liệu nhập khẩu nhằm đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường, loại bỏ các phế liệu có tiềm năng gây ô nhiễm hoặc các phế liệu hiện nay trong nước đã chủ động nguồn cung; xử phạt nghiêm minh khi phát hiện có sai phạm, đặc biệt là đối với các vụ việc gian lận thương mại trong nhập khẩu phế liệu…