Điều này làm gia tăng sức ép giải quyết công ăn việc làm đang là gánh nặng cho Chính phủ và xã hội, tỉ lệ thất nghiệp của người lao động tăng không ngừng.
Thời gian gần đây rộ lên tình trạng lao động từ các nước vào nước Việt Nam với số lượng lớn, trong đó tập trung chủ yếu ở các dự án FDI. Lý do là với xu hướng hội nhập quốc tế, thị trường lao động mở cửa đã thu hút không ít người nước ngoài vào Việt Nam làm việc, đây là tín hiệu tốt trong việc hội nhập thị trường lao động thế giới.
Tuy nhiên, tình trạng lao động nước ngoài không phép vào nước ta đang rộ lên cho thấy việc quản lý của ta còn nhiều bất cập. Hơn nữa, đại đa số lao động nước ngoài trái phép bị phát hiện đang làm những công việc giản đơn hoặc những loại công việc mà người Việt Nam hoàn toàn có thể đảm đương được. Điều này đã vi phạm pháp luật Việt Nam trong việc bảo hộ lao động phổ thông trong nước. Tình trạng này xảy ra còn do sự lơi lỏng của chính quyền địa phương, sự thiếu trách nhiệm quản lý của các cơ quan chức năng mà cụ thể là các cơ quan quản lý lao động từ trung ương xuống địa phương.
Hậu quả đáng báo động của tình trạng lao động nước ngoài làm việc bất hợp pháp ở Việt Nam là hàng loạt tệ nạn xã hội xảy ra trong thời gian gần đây; làm ảnh hưởng đến đời sống văn hóa, tình hình phát triển kinh tế của nhiều địa phương…
Đã đến lúc các cơ quan có thẩm quyền cần có giải pháp tăng cường công tác quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam cũng như bảo đảm quyền lợi của người lao động trong nước. Hoàn thiện và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Về lâu dài cần nghiên cứu, xây dựng và ban hành luật về người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, trong đó có quy định quyền, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động và các cơ quan có liên quan. Cùng đó liệt kê các loại công việc được sử dụng lao động nước ngoài.
Các địa phương cũng cần thực hiện đúng các quy định hiện hành, tăng cường các biện pháp để giải quyết đúng thời hạn các thủ tục liên quan đến lao động phổ thông đến Việt Nam làm việc, kiên quyết không cho nợ các giấy tờ khi cấp giấy phép lao động. Các nhà thầu và người sử dụng lao động khi muốn đưa lao động nước ngoài vào Việt Nam cần có những cam kết cũng như các thỏa thuận nhằm đảm bảo việc sử dụng lao động hợp lý, phù hợp pháp luật cũng như tạo sự bình đẳng cho các lao động trong nước. Ngoài ra Nhà nước cần đưa ra những chủ trương, định hướng kịp thời và có sự quản lý, giám sát chặt chẽ về hoạt động của các nhà thầu, chủ đầu tư, người sử dụng lao động cũng như chính quyền địa phương để tránh những hệ lụy đáng tiếc có thể xảy ra như thời gian vừa qua.
Nguyễn Việt Khoa, giảng viên khoa Luật - Trường ĐH Kinh tế TP.HCM