Gạo Việt thắng lớn, xuất khẩu sang Indonesia tăng gần 180 lần

(PLO)- Bức tranh xuất khẩu gạo những tháng đầu năm với nhiều điểm sáng khi đơn hàng xuất khẩu lẫn giá bán sang nhiều thị trường tăng mạnh.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 26-4, Bộ Công Thương đã tổ cuộc họp đánh giá tình hình xuất khẩu gạo quý I-2023 và phương hướng điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian tới .

Kim ngạch xuất khẩu gạo đạt hơn 1,85 triệu tấn

Ông Trần Quốc Toản, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu dẫn số liệu thống kê của cơ quan hải quan cho thấy, trong quý I-2023, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt hơn 1,85 triệu tấn gạo với trị giá 981 triệu USD, tăng hơn 23% về lượng và tăng 34% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.

Giá xuất khẩu bình quân đạt 529 USD/tấn, tăng gần 9% so với mức bình quân cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý nhất là thị trường Indonesia trong quý I-2023, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 148.500 tấn gạo với trị giá gần 70 triệu USD, tăng “khủng” gần 180 lần về lượng và hơn 177 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.

"Tuy nhiên, trong tháng 3-2023, Indonesia ghi nhận lượng nhập khẩu khiêm tốn (5.000 tấn) do đã hoàn thành chỉ tiêu nhập khẩu 500.000 tấn từ tháng 12-2022 đến tháng 2-2023. Lượng này chưa bao gồm trong 2 triệu tấn dự kiến nhập khẩu mới công bố"- ông Toản chia sẻ thêm.

Ông Trần Quốc Toản, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương (đứng) cho biết xuất khẩu gạo sang Indonesia, Trung Quốc tăng mạnh. Ảnh: QH

Ông Trần Quốc Toản, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương (đứng) cho biết xuất khẩu gạo sang Indonesia, Trung Quốc tăng mạnh. Ảnh: QH

Thị trường Trung Quốc đứng thứ 2 chiếm trên 9,6% trong tổng lượng và 9,3% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam. Cụ thể trong ba tháng đầu năm, xuất khẩu gạo Việt Nam sang nước này hơn 340.000 tấn với trị giá 199 triệu USD, tăng 91% về lượng và tăng 119% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.

Philippines vẫn giữ vị trí thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 48% tổng lượng xuất khẩu và 46% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Trong quý I-2023, xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt hơn 893.000 tấn với trị giá trên 450 triệu USD, tăng 33% về lượng và tăng 45% về kim ngạch so với cùng kỳ.

Chất lượng gạo của Việt Nam đang ngày càng gia tăng

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương đánh giá Thị trường xuất khẩu gạo trong quý I-2023 ghi nhận sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2022 ở cả các thị trường truyền thống lẫn thị trường tiềm năng.

Đặc biệt, trị giá xuất khẩu gạo sang EU ghi nhận tăng trưởng rất tốt ở nhiều thị trường nhờ xuất khẩu các sản phẩm gạo thơm, gạo chất lượng cao với giá trị gia tăng cao.

“Điều này cho thấy chất lượng gạo của Việt Nam đang ngày càng gia tăng, đáp ứng được yêu cầu từ cả các thị trường khó tính, đồng thời cho thấy tiềm năng mở rộng thị trường, gia tăng thị phần gạo chất lượng cao của Việt Nam”- Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: QH

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: QH

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng nêu lên những thách thức như ở một số phân khúc thị trường, chủng loại gạo xuất khẩu Việt Nam đều gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các nước xuất khẩu như: Thái Lan phân khúc gạo thơm và gạo trắng cao cấp; Ấn Độ, Pakistan phân khúc gạo trắng thường giá rẻ.

Ngoài ra, chi phí sản xuất gia tăng do giá vật tư nông nghiệp đầu vào tăng mạnh, đẩy giá thành thu mua thóc, gạo hàng hóa lên cao, gây áp lực cho các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho rằng vai trò của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tương đối mờ nhạt, chưa thể hiện được trách nhiệm của mình trong công tác duy trì, tìm kiếm và phát triển thị trường.

Đồng thời chưa phát huy vai trò liên kết giữa các thương nhân để định hướng xuất khẩu, chủ động đàm phán, giao dịch ký kết hợp đồng xuất khẩu có hiệu quả, nâng cao vị thế gạo Việt Nam tại một số thị trường tiêu thụ lớn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm