Những ngày cuối tháng 11 vừa qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam (VN) tiếp tục tăng, giữ mức cao nhất thế giới, vượt qua Thái Lan. Đơn cử, theo Hiệp hội Lương thực VN (VFA), giá chào bán gạo xuất khẩu 5% tấm đang ở mức 438 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 418 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn.
Với mức giá như trên, hiện giá gạo VN nhỉnh hơn gạo Thái Lan cùng loại khoảng 20 USD/tấn.
Gạo Việt Nam được người tiêu dùng chọn mua tại một siêu thị ở Pháp. Ảnh: QH |
Nhiều thị trường lựa chọn gạo Việt
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, phân tích: VN đang phát triển nhiều giống lúa mới, nâng cao quy trình sản xuất, lượng gạo tươi mới cao hơn gạo Thái Lan cùng chủng loại nên được nhiều thị trường lựa chọn. Bản thân công ty của ông cũng đã ký được nhiều đơn hàng xuất khẩu cho đầu năm sau sang châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc hay Singapore.
“Giá xuất khẩu các hợp đồng mới đều khá cao, thậm chí còn cao hơn mức giá trung bình xuất khẩu thực tế của VN. Như gạo 5% tấm xuất sang Hàn Quốc với giá 467 USD/tấn trong khi giá được VFA thông báo chỉ 438 USD/tấn. Giá tấm xuất khẩu sang Singapore cũng cao hơn giá xuất khẩu trung bình của loại gạo 5% tấm khoảng 20 USD” - ông Bình chia sẻ.
Không chỉ gạo trắng, các loại gạo thơm, gạo Japonica… cũng nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu với giá tốt. Ông Phan Văn Có, Giám đốc marketing Công ty TNHH Vrice, thông tin giá gạo thơm xuất khẩu cho khách Trung Đông, châu Âu… lên tới 600 USD/tấn, riêng loại gạo Japonica giá cao hơn khoảng 700 USD/tấn.
Theo lý giải của ông Có, gạo VN đang có “thiên thời, địa lợi” khi nguồn cung lương thực thế giới sụt giảm do các yếu tố như xung đột chính trị, lạm phát, dịch COVID-19, biến đổi khí hậu… Mặt khác, Trung Quốc là nước xuất khẩu gạo rất nhiều trong những năm trước nhưng ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến nước này hạn chế xuất khẩu. Ngoài ra, năm nay Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo tấm và hạn chế gạo trắng 5% tấm.
“Dự báo giá gạo VN những tháng đầu năm 2023 sẽ tiếp tục giữ mức cao, thậm chí có thể tiếp tục tăng” - ông Có nhận định.
Nếu các nhà xuất khẩu gạo Việt đồng lòng, tự ý thức giữ chữ tín thì gạo xuất khẩu của VN còn bán được giá hơn mức hiện nay.
Bỏ cạnh tranh kiểu “ta tự hại ta”
Gạo Việt gần đây chinh phục được nhiều thị trường khó tính. Thế nhưng các chuyên gia cảnh báo giá trị và thương hiệu gạo Việt vẫn chưa phát triển tương xứng, chưa kể vẫn còn tình trạng cạnh tranh kiểu “ta tự hại ta”.
Ông Phan Văn Có, Giám đốc marketing Công ty TNHH Vrice, chỉ ra rằng sự thiếu đoàn kết, đồng lòng của các công ty trong nước mà rõ nhất là tình trạng tranh mua, tranh bán dẫn đến mất uy tín chung của gạo VN.
“Một số đơn vị cung cấp gạo cho công ty tôi khi thấy giá thị trường cao thì họ chậm giao hàng, thậm chí ngắt liên lạc để bán cho đơn vị mới. Bên cạnh đó, một số công ty xuất khẩu gạo kiểu ăn xổi, hạ giá, trộn gạo để tranh bán khiến giá xuất khẩu bị kéo xuống. Nếu các nhà xuất khẩu gạo Việt đồng lòng, tự ý thức giữ chữ tín thì gạo xuất khẩu của VN còn bán được giá hơn” - ông Có nói.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cũng nhận định khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, các nhà xuất khẩu gạo Việt được nhiều lợi ích, có cơ hội lớn cạnh tranh sòng phẳng và tăng tốc so với Thái Lan, Campuchia, Myanmar… Tuy nhiên, do văn hóa thương mại không tốt, biểu hiện rõ nhất là xuất khẩu sang thị trường nào là tìm cách hạ giá thành sản phẩm để giành khách hàng lẫn nhau. Điều này khiến gạo Việt dù có thể bán với giá 2.000 USD/tấn nhưng thực tế có khi chỉ bán được trên dưới 1.000 USD/tấn.
“Gạo sạch của chúng tôi đang bán cho người tiêu dùng tại VN nhiều năm nay đa số với giá 25.000-30.000 đồng/kg, tương đương trên 1.000 USD/tấn. Như vậy, giá bán vào châu Âu phải 1.500-2.000 USD/tấn mới đúng với giá trị thật. Nghĩa là nếu các nhà xuất khẩu Việt đoàn kết thì giá gạo Việt bán sang châu Âu có thể cao hơn” - ông Bình nhấn mạnh.
Lãnh đạo Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An còn nhận xét rằng sản xuất lúa gạo nước ta vẫn thiếu người cầm trịch, rất ít chuỗi liên kết nên giá trị thu được không cao. Trong khi có chuỗi liên kết thì sản xuất lúa mới có thể triển khai công nghệ, giảm chi phí tối đa, đạt được các tiêu chuẩn quốc tế, từ đó tăng giá trị xuất khẩu gạo.
“Tuy nhiên, để phát triển các cánh đồng lớn hàng trăm ngàn hecta thì doanh nghiệp cần vốn để hỗ trợ các chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo, tạo được thương hiệu trên thị trường quốc tế” - ông Bình nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN, cho biết hiện nay chuỗi liên kết giữa nông dân, hợp tác xã với các doanh nghiệp còn thiếu, yếu. Nông dân sử dụng lượng giống rất lớn khiến chi phí đầu vào bị đội lên nhiều lần, phụ thuộc nhiều vào phân bón hóa học. Tỉ lệ tiêu thụ lúa qua thương lái và phá vỡ hợp đồng tiêu thụ còn cao. Ngoài ra, dù xuất khẩu nhiều nhưng vẫn chưa có nhiều thương hiệu gạo VN trên thị trường quốc tế.
Trước thực tế trên, theo ông Nam, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu gạo Việt xuất khẩu và được gắn nhãn chứng nhận quốc gia gạo VN. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần hỗ trợ thiết lập các văn phòng giới thiệu, quảng bá gạo VN ở các thị trường trọng điểm.•
Xuất khẩu gạo sang Mỹ, châu Âu tăng mạnh hơn 80%
Thông tin từ Bộ NN&PTNT cho hay lượng gạo xuất khẩu của VN trong tháng 10-2022 đạt hơn 713.500 tấn, trị giá trên 341 triệu USD. Con số này tăng 22% về lượng và tăng 24% về trị giá so với tháng trước đó. Như vậy, tháng 10 vừa qua đã trở thành tháng có lượng gạo xuất khẩu cao kỷ lục trong lịch sử ngành gạo.
Tính chung 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo của VN đạt hơn 6 triệu tấn, trị giá trên 2,9 triệu USD. Con số này tăng 17% về lượng và 8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Về thị trường, trong 10 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo sang Philippines đạt hơn 2,7 triệu tấn, chiếm tỉ lệ 45%, trị giá trên 1,2 tỉ USD. Xuất khẩu sang các thị trường khó tính cũng ghi nhận tăng trưởng cao. Đặc biệt, xuất khẩu gạo sang thị trường Mỹ tăng 85%, sang thị trường EU tăng 82%.
Dự báo hai tháng còn lại của năm, tối thiểu mỗi tháng VN sẽ xuất đi 600.000 tấn gạo. Như vậy, năm nay VN sẽ xuất khẩu 7,2-7,3 triệu tấn gạo, trị giá 3,3-3,5 tỉ USD.