Gặp khó với loạt thủ tục xây dựng trạm sạc cho ô tô điện, xe máy điện

(PLO)- Là đơn vị đầu tiên của Việt Nam sản xuất thiết bị sạc nhanh cho xe điện, nhưng Solar Z vẫn đang loay hoay giữa các quy định về pháp lý trong nước về việc xây dựng trạm sạc.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo đánh giá của giới chuyên gia, Việt Nam là thị trường đang phát triển mạnh mẽ về xe điện nhưng hệ thống trạm sạc hiện nay là một trong những nguyên nhân khiến cho người mua xe điện đang lo ngại nhất.

Tuy vậy, các nhà đầu tư xây dựng trạm sạc lại đang loay hoay với các quy định pháp lý để đầu tư vào các hệ thống này.

xây dựng trạm sạc
Các nhà đầu tư trạm sạc tại Việt Nam vẫn đang loay hoay với các quy định về pháp lý. Ảnh: TN

Chuyển đổi xe điện là nhu cầu lớn tại Việt Nam

Để hiểu rõ hơn về những thuận lợi và khó khăn trong quá trình đầu tư xây dựng trạm sạc tại Việt Nam, PLO có buổi phỏng vấn với ông Vũ Phạm Hải Sơn, Giám đốc Phát triển Đối tác, Công ty Cổ phần đầu tư Năng lượng Solar Z (Solar Z):

. Phóng Viên: Thưa ông, ông có nhận định gì về thị trường xe điện tại Việt Nam hiện tại và tương lai?

phong-van.jpg
Ông Vũ Phạm Hải Sơn, Giám đốc Phát triển Đối tác Solar Z.

+ Ông Vũ Phạm Hải Sơn, Giám đốc Phát triển Đối tác Solar Z: Việt Nam tham gia vào các công ước Liên Hiệp Quốc về chống biến đổi khí hậu và cam kết thực hiện theo lộ trình chung đã đặt ra từ COP26 đến COP28, hướng tới mục tiêu Net-Zero tầm nhìn 2030-2050. Trong đó xe điện là yếu tố góp phần thúc đẩy quá trình thực hiện và được hiện thực hoá bằng Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo lộ trình chuyển đổi các phương tiện chạy bằng năng lượng xanh, năng lượng thân thiện với môi trường, đặc biệt là phương tiện chạy bằng điện sẽ được ưu tiên sử dụng từ các loại hình vận tải công cộng: Xe buýt, xe taxi ... đến các phương tiện cá nhân như xe ô tô, xe máy, xe đạp... và các phương tiện vận tải hàng hoá gồm xe tải, xe container.

Do đó có thể thấy được việc chuyển đổi và sử dụng phương tiện chạy bằng điện là nhu cầu rất lớn tại Việt Nam trong thời gian sắp tới và Chính Phủ cũng đang nỗ lực từng ngày để ban hành các chính sách hỗ trợ công tác thực hiện.

Vừa qua chúng ta thấy các quy định về trạm dừng nghỉ, chung cư cao tầng... yêu cầu bắt buộc phải có trạm sạc cho xe điện và Chính Phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu đề xuất phương án giá sạc điện cho xe điện, hỗ trợ chính sách cho thuê đất với các đơn vị đầu tư xây dựng trạm sạc xe điện....

. Ông có dự định, kế hoạch gì trong việc xây dựng các hệ thống trạm sạc tại Việt Nam?

+ Hiện tại chúng tôi cũng đã đầu tư khá nhiều cho việc xây dựng trạm sạc xe điện dành cho xe máy điện, đạp điện lẫn kết hợp với các đối tác xây dựng trạm sạc xe điện dành cho ô tô điện và xe buýt điện.

tram-sac-1.jpg
Solar Z kiến nghị, ngoài các quy định về pháp luật cụ thể, đơn vị này đề xuất nhà nước cần có các chính sách tài chính hỗ trợ người tiêu dùng, nhà đầu tư trạm sạc. Ảnh: TN

Là một công ty tham gia khá sớm ở mảng năng lượng tái tạo, chúng tôi nhận thấy xe điện là một nhu cầu rất lớn của xã hội và mang lại nhiều lợi ích như giảm ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn đô thị. Đặc biệt rất tiết kiệm chi phí với người sử dụng do đó chúng tôi tập trung nguồn lực đầu tư mảng phần mềm và phần cứng phục vụ hạ tầng trạm sạc.

Với mảng phần mềm, chúng tôi phát triển một App thanh toán có tên RabbitEVC, hiện đã có mặt trên Apple IOS và Android CHPlay, kết hợp các cổng thanh toán điện tử như Momo, ViettelPay, Zalopay, VNPay, VTCPay, ShopeePay và ngân hàng BIDV Việt Nam để hỗ trợ người dùng.

Với mảng phần cứng, chúng tôi tự hào là đơn vị đầu tiên Việt Nam sản xuất thiết bị sạc nhanh DC Charging - made in Vietnam, giúp chủ động nguồn lực đầu tư và đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng.

Cần có chính sách và các quy định cụ thể

. Trong quá trình thực hiện đầu tư các dự án của mình, ông có gặp những khó khăn hay thuận lợi gì không?

+ Dĩ nhiên khó khăn đầu tiên luôn là cơ sở pháp lý và hướng dẫn của cơ quan nhà nước về thủ tục đầu tư và thực hiện đối với xây dựng trạm sạc xe điện.

Hiện tại vẫn chưa có khung pháp lý cho việc thực hiện mua bán điện trạm sạc là vướng mắc lớn nhất của các nhà đầu tư hiện tại. Theo tôi được biết thì Chính Phủ cũng đang tháo gỡ điểm nghẽn này.

Vấn đề thứ hai cũng khá quan trọng với chúng tôi đó là quy chuẩn thiết bị trạm sạc. Mặc dù đã có tiêu chuẩn thiết bị là TCVN13078 dành cho sạc xe điện, tuy nhiên cần phải luật hoá vào trong quy định pháp luật để chuẩn hoá thiết bị sạc để giảm bớt các mức độ nguy hiểm khi sử dụng ảnh hưởng đến an toàn tính mạng cho người sử dụng trực tiếp và cộng đồng.

Vấn đề thứ ba là nguồn vốn ưu đãi cho việc đầu tư hạ tầng, xây dựng trạm sạc. Hiện tại vẫn chưa có chương trình cấp vốn ưu đãi cho việc đầu tư này.

. Với những dự định trong tương lai, ông có đề xuất, kiến nghị về chính sách để phát triển hạ tầng xe điện tại Việt Nam?

+ Đi từ bức tranh tổng thể từ năng lượng đến phương tiện vận tải điện, việc chuyển đổi phương tiện điện đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong đó có 2 cơ quan quan trọng là Bộ Công thương quản lý năng lượng và Bộ GTVT quản lý phương tiện giao thông. Năng lượng điện là một nguồn cấp quan trọng ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, an ninh quốc gia nên không thể phát triển ồ ạt thiếu kiểm soát dẫn tới gây nguy hiểm cho lưới điện.

Đơn cử 1 xe ô tô cá nhân điện cần nguồn cấp gần 100 kWh, tương đương 1 hộ nông thôn 4 nhân khẩu sử dụng điện trong 10 ngày hoặc 1 xe bus điện gần 300kWh - để thấy được nếu quy mô số lượng xe điện nhiều sẽ ảnh hưởng đến hạ tầng lưới điện.

Do đó chúng tôi đề xuất: Thứ nhất, quy hoạch hạ tầng giao thông, xây dựng trạm sạc xe điện vào hệ thống điện quốc gia có kiểm soát của cơ quan nhà nước và các đơn vị liên quan.

Thứ hai, tiêu chuẩn hoá thiết bị, phương tiện điện lẫn sạc điện liên quan đến vấn đề này.

Thứ ba, ban hành các tiêu chuẩn xây dựng có liên quan đặc biệt dành cho các khu vực nhà ở, chung cư cao tầng, trạm dừng nghỉ,...

Và cuối cùng là các chính sách tài chính hỗ trợ người tiêu dùng, nhà đầu tư trạm sạc.

. Xin cảm ơn ông!

Cần sự chung tay nhiều ngành

Theo Sở GTVT TP.HCM, hiện đơn vị đang nghiên cứu thêm về việc phát triển hệ thống trạm sạc điện ở TP.HCM trong đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông.

Đồng thời Sở cũng đã có văn bản gửi Sở Công thương TP.HCM đề nghị hỗ trợ hướng dẫn thực hiện vấn đề này. Theo đó, đơn vị này sẽ hỗ trợ xác định khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phù hợp với kế hoạch, lộ trình chuyển đổi phương tiện giao thông điện theo các kịch bản và từng giai đoạn phát triển giao thông điện.

Đồng thời hướng dẫn tiêu chuẩn kỹ thuật, cung cấp quy định liên quan đến việc lắp đặt trạm/trụ sạc điện cho ô tô, xe máy trên địa bàn TP...

Bên cạnh đó chỉ đạo Tổng công ty Điện lực TP.HCM có phương án dự trù cấp điện phù hợp, hỗ trợ đấu nối hạ tầng lưới điện phục vụ hệ thống trạm sạc điện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm