Ô tô có cần thiết lắp cảnh báo áp suất lốp?

(PLO)- Trang bị hệ thống cảnh báo áp suất lốp cho ô tô có thật sự hiệu quả như những lời giới thiệu của các đơn vị phụ kiện xe, các chủ xe có thể tham khảo nội dung dưới đây. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhiều chủ xe ô tô muốn lắp hệ thống áp suất lốp cảm biến nhưng chưa thực sự hiểu nguyên lý hoạt động cũng như những ưu nhược điểm của hệ thống này cho nên còn e dè việc trang bị nó cho xe.

Để hiểu thêm về hệ thống cảnh báo áp suất lốp, các chủ xe có thể tham khảo nội dung dưới đây.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Nguyên Hiệu trưởng Trường Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho biết, đo áp suất lốp bằng cảm biến tốc độ bánh xe sử dụng phương pháp gián tiếp thay vì phương pháp trực tiếp. Cảm biến tốc độ bánh xe là một phần của hệ thống chống bó cứng phanh (ABS) và hệ thống kiểm soát lực kéo (TCS) trong các ô tô hiện đại. Những cảm biến này đo tốc độ quay của mỗi bánh xe.

Nguyên lý hoạt động của nó là một hệ thống TPMS (Hệ thống giám sát áp suất lốp gián tiếp: Indirect Tire Pressure Monitoring System) gián tiếp không đo trực tiếp áp suất lốp mà thay vào đó, ECU tính ra sự thay đổi áp suất lốp dựa trên tốc độ quay của bánh xe. Hoạt động của hệ thống bao gồm 4 bước:

Hiệu chuẩn: Ban đầu tất cả lốp xe được bơm đúng áp suất cần thiết, hệ thống sẽ hiệu chỉnh tốc độ bánh xe và lưu trữ dữ liệu này.

So sánh tốc độ: Hệ thống liên tục theo dõi tốc độ quay của mỗi bánh xe. Nếu lốp xe mất áp suất, bán kính lăn hiệu quả của nó sẽ giảm. Kết quả là, lốp non hơi sẽ quay nhanh hơn lốp được bơm đúng chuẩn.

Xử lý tín hiệu: Các cảm biến tốc độ bánh xe gửi dữ liệu đến ECU của xe. ECU phân tích dữ liệu, so sánh sự chênh lệch về tốc độ bánh xe để tính ra sự áp suất lốp yếu hơi.

Phát hiện và cảnh báo: Nếu hệ thống phát hiện sự khác biệt đáng kể về tốc độ quay của các bánh xe, ECU sẽ xác định đây là tình huống áp suất lốp thấp và kích hoạt đèn cảnh báo trên bảng tableau để cảnh báo tài xế.

áp suất lốp
Hệ thống cảnh báo áp suất lốp có những ưu nhược điểm khác nhau. Ảnh: TN

PGS.TS Đỗ Văn Dũng cũng cho biết, hệ thống này có những ưu điểm và nhược điểm. Trong đó, ưu điểm gồm: Chi phí thấp hơn nhiều so với TPMS trực tiếp (yêu cầu trang bị các cảm biến áp suất riêng lẻ trong mỗi lốp xe); Không có phần mạch điện tử trong lốp xe nên giảm nguy cơ hư hỏng cảm biến trong quá trình thay lốp hoặc quay.

Nhược điểm: Kém chính xác hơn TPMS trực tiếp; Yêu cầu hiệu chuẩn định kỳ, đặc biệt là sau khi thay lốp, hoặc điều chỉnh áp suất lốp theo thời tiết hoặc tải trọng; Có thể không phát hiện lốp xẹp nhẹ.

Theo đó, vị PGS.TS phân tích các biện pháp đảm bảo hệ thống TPMS gián tiếp hoạt động chính xác như sau: Hiệu chuẩn thường xuyên, sau khi bơm lốp xe đến áp suất quy định, hiệu chỉnh lại TPMS theo hướng dẫn sử dụng. Điều này thường liên quan đến nút đặt lại (reset button) hoặc qua hệ thống thông tin giải trí của xe.

Bảo trì định kỳ bằng cách giữ cho lốp xe luôn được bơm căng đúng quy định và kiểm tra thường xuyên. TPMS gián tiếp sẽ kém hiệu quả hơn nếu lốp xe bị bơm với áp suất nằm ngoài thông số kỹ thuật.

Giám sát, chú ý đến bất kỳ đèn cảnh báo hoặc thông báo nào liên quan đến áp suất lốp và giải quyết chúng kịp thời.

“Tóm lại, TPMS gián tiếp sử dụng cảm biến tốc độ bánh xe là một giải pháp thay thế tiết kiệm chi phí cho các hệ thống dựa trên cảm biến đắt tiền, nhưng phải duy trì hiệu chỉnh định kỳ hệ thống để đảm bảo hoạt động chính xác”- PGS.TS cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm