Gặp lại tướng cướp gác kiếm giang hồ

Tôi gặp anh khi anh đang lúi húi vặn ốc vít ăng-ten. Anh khoe: Mỗi ngày bỏ mối từ 30 đến 50 chiếc. Bình quân hằng tháng bán hơn 1.000 chiếc. Rồi anh cười bảo: “Sướng nhất là có nghề, có nghề ổn định thì không lo đói”. Hỏi qua chuyện quá khứ, hơn 40 năm làm tướng cướp khiến anh thở dài.

Tướng cướp không giết người

Những năm 1970, 1980 băng cướp của Ba Cao, tức Hoàng Thanh Sơn, đã thực hiện nhiều phi vụ, nhiều lần bị công an bắt, lãnh án tù. Ra tù, Ba Cao lại tiếp tục gây án.

Gặp lại tướng cướp gác kiếm giang hồ ảnh 1

Cần mẫn sản xuất ăng-ten

Một ngày cuối năm 1986, băng của anh gây ra án mạng. Cái chết của một nạn nhân ở Long Thành (Đồng Nai) đã ám ảnh Ba Cao. Dù là cướp nhưng trong thâm tâm chưa bao giờ anh và đệ tử nghĩ mình sẽ giết người. Nguyên tắc của Ba Cao là không được cướp đi mạng sống của bất kỳ ai. Thế nhưng lần đó, một đệ tử trong lúc nóng nảy đã ra tay.

Anh đưa vợ con lên Tây Ninh lẩn trốn sự truy lùng của công an. Cuối tháng 9-1987, Ba Cao  bị công an ba địa phương TP.HCM, Đồng Nai và Tây Ninh phối hợp bắt giữ. Vợ anh không chịu nổi người chồng tù tội đã bỏ đi, để lại hai đứa con. Ba Cao lãnh án chín năm tù. Anh  khuyên anh em, đệ tử ra đầu thú để làm lại cuộc đời. Trong tù, anh nhận được tin con trai lớn của mình vừa bị bắt vì tội trộm cắp. “Lúc đó tôi mới tỉnh ngộ và quyết cải tạo tốt để được làm lại” - Ba Cao nhớ lại.

Năm 2001, Ba Cao ra tù, quyết chí làm ăn, làm lại cuộc đời ở tuổi ngoài 50. Anh vay mượn anh em để mua xe chạy xe ôm. Tình yêu lại đến với anh. Chị Nguyễn Thị Thu Loan, nhân viên một công ty bảo hiểm, “mối ruột” thường ngày của anh, đã đem lòng yêu anh.

Khi biết anh từng là một tướng cướp, tình yêu của chị dành cho anh không hề giảm sút. Hai người thành vợ chồng từ năm đó. Anh nói: “Đến giờ tôi vẫn luôn tự hỏi, làm sao bà ấy thương tôi”. Rồi anh thắc thỏm: “Tôi sợ đến một ngày nào đó khi ngủ dậy tự dưng không thấy vợ mình đâu”.

Không chứng minh nhân dân

Ra tù, giấy chứng minh nhân dân (CMND) bị thất lạc, Ba Cao xin làm lại nhưng bao nhiêu lần xin vẫn không được. Trước đây, anh lỡ khai tên giả nên cơ quan chức năng bảo xác minh rất khó. Lúc đó, anh chỉ có tờ giấy mãn hạn tù làm giấy thông hành.

Năm 2004, Báo Pháp Luật TP.HCM có bài Tướng cướp vô danh phản ánh tình trạng của anh. Từ đó, anh cứ cầm đơn kèm theo tờ báo đến nhiều cơ quan chức năng xin cấp CMND. Đến tháng 10-2007, mơ ước có tấm CMND của anh được thực hiện.

Gặp lại tướng cướp gác kiếm giang hồ ảnh 2

Dạy nghề

Anh Sơn bồi hồi: “Không có tờ báo trong tay thì cơ quan chức năng khó tin mình lắm. Chắc là do tôi tai tiếng quá nên xin khó. Đồng thời nhờ anh công an khu vực bảo lãnh nên tôi mới có giấy tùy thân”. “Bây giờ ra đường hết sợ bị công an phạt rồi. Hồi đó mỗi lẫn chở ăng-ten đi bỏ mối tôi cứ nơm nớp lo bị công an phạt. Không có CMND thì làm sao mà có bằng lái” - anh Sơn cho biết.

Anh nói tới chết cũng không quên cảm giác mình đã có CMND. “Lúc đó tôi chạy ra ngay điểm tổ chức thi lấy bằng lái xe máy để đăng ký. Thiệt là mừng hết cỡ”. Cũng vì không có CMND nên anh chưa đăng ký độc quyền sản phẩm được.

Gần đây do thấy sản phẩm ăng-ten Hoàng Sơn được nhiều khách hàng chọn mua nên có một số người làm giả khiến anh rất lo. Anh dự định sẽ đi đăng ký độc quyền sản phẩm nhưng do nghe “cò” nói thủ tục phức tạp, tốn kém nên còn ngại.

Sản xuất ăng-ten

Anh kể lại việc tình cờ “lượm” được “bí kíp” sản xuất ra một loại ăng-ten không giống ai nhưng xài rất tốt. Cơ duyên bắt đầu từ chuyện vợ chồng Ba Cao mở quán cà phê để kiếm thêm thu nhập. Gom góp mãi anh mới mua được chiếc tivi mở cho khách xem.

Một lần chiếc ăng-ten Trung Quốc bị hư, anh gỡ ra và thấy nó cũng đơn giản. Từ đó, ngày nào anh cũng mày mò mong làm ra một loại ăng-ten vừa gọn, rẻ và bền. Phải mất hai năm tự nghiên cứu, thử không biết bao nhiêu bận, Ba Cao mới thành công. Đầu năm 2003, chiếc ăng-ten nhãn hiệu Hoàng Sơn ra đời bắt được 11 kênh mà không cần phải xoay. Giá mua chỉ từ 40.000 đến 70.000 đồng.

Gặp lại tướng cướp gác kiếm giang hồ ảnh 3

Bên các sản phẩm hoàn chỉnh

Ba Cao tìm đến những anh em từng là đệ tử của mình và khuyên họ về cùng làm ăng-ten với mình. Trong số nhiều anh em từng làm cho anh, được anh truyền nghề giờ có người cũng mở xưởng ra riêng làm ăng-ten. Đó là trường hợp của anh Trần Hưng Trưởng, từng lãnh án 20 năm tù cũng vừa mở một cơ sở nhỏ sản xuất ăng-ten. Có người thì đi làm nghề khác nhưng không còn ai trở lại con đường cũ.

Sáu năm có mặt trên thị trường, ăng-ten Hoàng Sơn của Ba Cao phân phối rất nhiều địa phương như Quảng Nam, Đà Nẵng, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, TP.HCM. Tại chợ Nhật Tảo (TP.HCM), ăng-ten của anh cũng được bày bán khá nhiều.

Năm mươi chín tuổi, tướng cướp Ba Cao một thời giang hồ giờ trở thành người đàn ông trầm lặng ít nói. Suốt ngày anh sống cùng với ăng-ten và tận tụy truyền nghề cho người từng một thời lầm lỗi muốn học nghề. Anh bảo: “Có nghề, người ta sẽ không sa vào tội lỗi. Vậy mà ngoài 50 tuổi tôi mới biết đến điều này!”.

HIỀN NHI

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 6-2009)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm