Đất nông nghiệp bị thoái hóa, đòi hỏi có cách tiếp cận mới về sản xuất nông nghiệp, trong đó có trồng trọt, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu... là chủ đề của hội nghị triển khai đề án "Nâng cao sức khoẻ đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050", do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng nay, 18-10.
40% đất suy thoái
Tại hội nghị, ông Vũ Thắng, Phó Trưởng phòng Quản lý phân bón, Cục Bảo vệ thực vật, cho biết trên bình diện toàn cầu, 40% diện tích đất bị suy thoái. Với đất nông nghiệp, tình trạng này còn nghiêm trọng hơn, chẳng hạn ở châu Âu, 60-70% diện tích đất nông nghiệp trong tình trạng "sức khỏe kém".
Tại Việt Nam, theo điều tra của Bộ TN&MT năm 2021, cả nước có 11,8 triệu ha đất bị thoái hóa, trong đó có hơn 4 triệu ha là đất sản xuất nông nghiệp. Tình trạng suy thoái với nguy cơ sa mạc hóa diễn ra nhanh và ảnh hưởng nặng nề nhất tại các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ.
Đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho biết nguyên nhân là do tập quán canh tác trồng nhiều vụ/năm, bón nhiều phân vô cơ, thiếu cân đối giữa hữu cơ - vô cơ, sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thiếu biện pháp chống xói mòn, rửa trôi…
Cùng với thoái hoá đất, hệ vi sinh vật có hại trong đất phát triển nhanh hơn, chất lượng đất bị suy giảm cũng nhanh hơn. Mất cân bằng về thiên địch, cân bằng hệ vi sinh vật trong đất bị phá vỡ, hình thành nhiều quần thể có hại cho đất và cây trồng, mức độ đa dạng giun đất ở Việt Nam bị suy giảm so với mức trung bình trên thế giới.
Nhiều chuyên gia đánh giá chất lượng đất nông nghiệp đã ở mức báo động, sức khỏe đất đã đến mức suy kiệt. Nếu không có biện pháp quản lý và khắc phục kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực trong tương lai.
Nhiều giải pháp cấp bách được đặt ra
Trước thực tế ấy, ngày 11-10 vừa qua, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt đề án "Nâng cao sức khoẻ đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn 2050”.
Mục tiêu của đề án là ổn định, nâng cao sức khỏe đất trồng trọt trên cơ sở quản lý dinh dưỡng cây trồng hiệu quả, hạn chế suy thoái đất, nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt. Từ đó góp phần phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, carbon thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đất là nguyên liệu đặc biệt phục vụ sản xuất, trồng trọt của chúng ta. Đất nước ta và các tổ chức quốc tế đã đặt ra vấn đề làm sao gìn giữ, cải tạo đất tốt hơn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung
Đề án đề ra nhiều giải pháp như tiến hành thống nhất hệ thống phân loại đất phục vụ sản xuất trồng trọt với bộ chỉ tiêu chất lượng đặc trưng được số hóa; thành lập mạng lưới liên kết phòng phân tích (VINASOLAN) đủ năng lực đánh giá chất lượng đất và phân bón và kết nối được với mạng lưới phòng phân tích đất, phân bón trong khu vực và trên thế giới.
Cùng với đó là phải lập các dự án về xây dựng cơ sở dữ liệu đất và phân bón dạng “ngân hàng kiến thức” mở, tích hợp được với bản đồ dinh dưỡng đất và bản đồ chất lượng đất cho các cây trồng chủ lực trên các loại đất chính.
Tiếp đó là xây dựng bộ chỉ tiêu và phân cấp chỉ tiêu đánh giá sức khỏe đất trồng trọt cho các cây trồng chủ lực trên các loại đất chính. Xây dựng các mô hình canh tác tổng hợp ổn định, duy trì và nâng cao sức khỏe đất trồng trọt vùng thâm canh.
Các dự án về phát triển những loại phân bón có hiệu quả sử dụng cao; điều tra, đánh giá, phân lập và phát triển các chủng vi sinh vật có ích… cũng phải tính đến.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung nhấn mạnh bộ đang rất ưu tiên cho nhiệm vụ gìn giữ, cải tạo nguồn đất sản xuất nông nghiệp tốt hơn. Tuy nhiên, để cải thiện sức khỏe đất thì vai trò của Sở NN&PTNT và các cơ quan ở địa phương cũng rất quan trọng.