Sét đánh cột điện gió, hàng chục tấn cá chết, nông dân kêu cứu Bộ trưởng Nông nghiệp

(PLO)- Nông dân Quảng Bình phản ánh vào mùa giông bão, sét đánh xuống cột điện gió sau đó ảnh hưởng tới các ao nuôi trồng thuỷ sản xung quanh gây thiệt hại nhiều cho bà con.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng nay, 14-10, Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ IX năm 2024 đã được tổ chức tại Hà Nội. Diễn đàn do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan và Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn chủ trì.

Nêu ý kiến tại diễn đàn, nông dân xuất sắc Trần Kim Phi (thôn Bắc Hòa, xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) cho biết ông đang nuôi cá lóc trong bể lót bạt trên vùng cát Lệ Thủy của tỉnh Quảng Bình. Là nghề mới, nuôi cá lóc trên cát ở Quảng Bình đang tạo việc làm, thu nhập tốt hơn cho bà con nông dân nơi đây.

“Nói đến cồn cát, nhiều người nghĩ đến phải rộng mênh mông, muốn nuôi ở đâu thì nuôi. Nhưng thực tế, chúng tôi đang gặp khó khăn về mở rộng mô hình bởi thiếu quỹ đất.
Thêm vào đó, hiện giờ quê hương chúng tôi có cột điện gió mọc lên rất nhiều, vào ngày giông bão, sét đánh vào các cột điện gió ở địa phương gây cho cá chết hàng loạt của bà con nông dân địa phương, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của bà con” - ông Phi cho hay.

cột điện gió.jpg
Nông dân Trần Kim Phi, thôn Bắc Hòa, xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình nêu ý kiến tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia 2024.

Cụ thể, ông Phi cho biết người dân tại xã Ngư Thuỷ Bắc đã tham gia nuôi trồng thuỷ sản từ trên dưới 20 năm nay. Hoạt động sản xuất đều diễn ra bình thường cho đến năm 2022 khi các dự án điện gió xuất hiện và đi vào hoạt động. Các cột điện gió này nằm cách nhà dân và các ao nuôi trồng thuỷ sản chỉ vài trăm mét.

“Các cột điện gió có thiết bị chống sét nên khi bị sét đánh, tia điện dẫn xuống đất nên các diện tích đất xung quanh cột điện gió đều bị ảnh hưởng. Hậu quả, năm 2022, hợp tác xã của chúng tôi có gần 10 tấn cá lóc bị chết. Năm 2023, sét lại đánh tiếp gây thiệt hại. Cứ mỗi lần sét đánh thì trong hợp tác xã đều có những hộ dân bị chết cá, từ 1-2 tấn, trong khi bà con đầu tư từ 500-700 triệu đồng/ao cá. Chúng tôi không biết kêu ai” - ông Phi chia sẻ.

z5927457245057_19d6f88199e087de4e1026aafc19bf4b.jpg
Bộ trưởng Lê Minh Hoan (bên phải) trả lời ý kiến của các nông dân tại diễn đàn.

Từ thực tế này, nông dân Trần Kim Phi kiến nghị hai vấn đề. Một là, điện gió nhiều gây khó khăn cho sản xuất của bà con nông dân, đề nghị các cấp ngành, Bộ NN&PTNT, Hội Nông dân Việt Nam tạo điều kiện để các chuyên gia nghiên cứu làm sao mỗi lần có sét đánh vào các cột điện gió thì không ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản của người dân. Hai là, đồng ruộng rộng mênh mông nhưng nông dân xin cấp thêm đất sản xuất rất khó, kiến nghị cấp trên tạo điều kiện cho bà con mở rộng sản xuất.

Sau khi nghe ý kiến, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết sẽ chuyển kiến nghị của nông dân Trần Văn Phi về lãnh đạo tỉnh Quảng Bình. Liên quan đến những vướng mắc về quá trình sử dụng đất đai ở cơ sở. Bộ trưởng cho biết Luật Đất đai 2024 mới thực hiện, các văn bản thông tư hướng dẫn thực hiện cơ bản đã ban hành xong nhưng ở địa phương chưa cụ thể hoá kịp thời, khiến nảy sinh vướng mắc.

Bộ trưởng cũng góp ý thêm bà con nuôi cá lóc ở Quảng Bình có thể tham khảo thêm mô hình nuôi cá lóc ở Đồng Tháp, làm sao trên một đơn vị diện tích nhưng có thể tối đa hoá giá trị, giúp bà con có thu nhập cao hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm