Ngày 5-10, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức diễn đàn “Thành tựu và định hướng ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.
Diện tích ngô, bông, đậu tương biến đổi gen tăng nhanh
Khai mạc diễn đàn, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch HĐQT Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế - IRRI, TS Cao Đức Phát cho biết công nghệ sinh học đã giúp ngành nông nghiệp thế giới có nhiều thành tựu đột phá. Trong đó, những công nghệ nổi bật có nuôi cấy mô giúp lĩnh vực trồng trọt, đặc biệt là các sản phẩm như ngô, đỗ tương, bông… có năng suất vượt trội, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, cải thiện chất lượng đất, môi trường.
Theo thống kê, thế giới có khoảng 200 triệu ha cây trồng biến đổi gen, chủ yếu là đậu tương, bông, ngô, cải dầu… Công nghệ sinh học giúp đẩy mạnh sử dụng các chế phẩm sinh học, giúp đảm bảo mùa vụ, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, ông Phát bày tỏ điều đáng tiếc là áp dụng công nghệ sinh học ở Việt Nam còn chậm, khoảng cách với thế giới có xu hướng ngày càng tăng và chưa đạt mục tiêu của Đảng, Nhà nước đặt ra. Trong đó, cản trở chính là nhận thức.
Thông tin thêm, GS.TS Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, cho biết thời gian qua, diện tích ngô, bông, đậu tương biến đổi gen tại Việt Nam tăng nhanh. Từ 2015 đến nay, Việt Nam trồng hơn 1,3 triệu ha cây trồng biến đổi gen.
Về lợi nhuận của người nông dân khi sử dụng giống biến đổi gen cho thấy có thể tăng lợi nhuận trên 1 đơn vị diện tích ít nhất từ 1,5-2 lần so với cây trồng thông thường.
Nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, GS.TS Lê Huy Hàm cho biết, song song với việc ứng dụng các giống chỉnh sửa gen, Việt Nam đã triển khai đồng bộ các khung pháp lý. Đây là yếu tố quan trọng khi thế giới đã tiến rất xa về chỉnh sửa gen.
Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Quý Dương cũng đánh giá công nghệ sinh học ngày càng trở nên quan trọng. Bởi việc chỉnh sửa gen giờ không chỉ có kháng bệnh, mà còn tăng chất lượng như tăng hàm lượng tinh bột, tăng độ sinh khối… Tại Viện Bảo vệ thực vật, các nhà nghiên cứu đang tìm cách nghiên cứu ra vaccine cho thực vật, tiến tới hoàn thiện giống sau chỉnh sửa.
“Nghiên cứu chỉnh sửa gen không chỉ dừng ở tính kháng bệnh, bởi giống đang dần trở thành một giải pháp mang tính toàn diện. Đặc biệt, sản phẩm của Việt Nam vẫn dừng ở ngưỡng chỉnh sửa gen, không phải giống biến đổi gen” - ông Dương nói.
Vẫn còn khoảng cách với thế giới
PGS.TS. Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) cho hay tại Việt Nam, trong giai đoạn từ nay đến 2030, số lượng nhiệm vụ khoa học công nghệ bị giảm so với cách đây 10 năm. Một trong các nguyên nhân là do rào cản về các cơ chế, chính sách nên doanh nghiệp kém mặn mà trong việc phối hợp, đầu tư nghiên cứu công nghệ sinh học.
Trong lĩnh vực thú y, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết Việt Nam có thể tự hào là sản xuất được rất nhiều vacxin phòng, ngừa bệnh trên đàn vật nuôi. Thế nhưng điều đáng tiếc là: “Khi trình một dự án công nghệ theo cơ chế Nhà nước mất nhiều thời gian, có thể khiến nghiên cứu cơ bản của Việt Nam bị teo tóp” - lãnh đạo Cục Thú y bày tỏ.
Ông Long đề xuất cần có một mô hình cởi mở giữa cơ quan quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp để sớm đưa các nghiên cứu ra đồng ruộng, thay vì “cất vào ngăn kéo”.
Ông Phí Quyết Tiến, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học đề xuất Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan khi giao nhiệm vụ, đặt hàng công trình nghiên cứu khoa học nên thực hiện theo chuỗi. Nghĩa là, đặt hàng nhiều đơn vị, cùng phối hợp giải quyết một vấn đề, sao cho đầu ra của đơn vị này là đầu vào của đơn vị kế tiếp.
Ngoài ra, công nghệ lõi trong công nghệ sinh học sẽ giúp giải quyết những thách thức phi truyền thống, đồng thời tham gia tích cực hơn vào nền nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh. Do đó, cần có những nhiệm vụ chuyên sâu, chuyên biệt về công nghệ lõi. Bên cạnh đó cần tăng cường, đẩy mạnh hợp tác quốc tế.